Làm gì để thu hút các nhà làm phim nước ngoài?
VHO- Thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là khâu rất quan trọng để thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu lớn cho đất nước.
“Kong - Đảo đầu lâu” chọn Việt Nam làm bối cảnh
Nhìn người mà ngẫm tới ta...
Nhìn rộng hơn, làm phim với nước ngoài giúp điện ảnh của chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam hữu hiệu, giúp phát triển du lịch mạnh mẽ. Ở tất cả các nước trên thế giới, người ta coi hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ là lĩnh vực quan trọng - thậm chí quan trọng nhất - để phát triển điện ảnh, theo đó có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác, dịch vụ.
Ở Việt Nam, từ thời “bao cấp” đã có một vài phim hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam và các nước XHCN như Liên Xô, CHDC Đức, Tiệp Khắc, sau đó là một phim với Angeria… nhưng không để lại được nhiều tiếng vang. Ba bộ phim của các nhà làm phim Pháp quay tại Việt Nam đầu những năm 90 của thế kỷ XX là Đông Dương, Người tình và Điện Biên Phủ là ba tác phẩm đình đám, được thế giới biết đến và tưởng như sẽ mở ra một thời kỳ mới để Việt Nam đón các đoàn làm phim nước ngoài vào quay phim. Tuy nhiên, việc quay các phim này tại Việt Nam không tạo được “trào lưu”, liên tục vài chục năm tiếp theo không có dự án lớn nào được thực hiện tại Việt Nam, ngoại trừ một vài phim nhỏ hoặc phim truyền hình của Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… và vài phim của đạo diễn Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Cho đến năm 2002, bộ phim Người Mỹ trầm lặng là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Mỹ quay tại Việt Nam, và phải đến năm 2016, bộ phim Hollywood đầu tiên là Kong - Đảo đầu lâu mới chọn Việt Nam làm bối cảnh.
Theo thống kê trong các báo cáo của cơ quan quản lý điện ảnh, hàng năm có trung bình vài chục phim làm ở Việt Nam được xếp vào dạng hợp tác - dịch vụ nước ngoài, nhưng thực chất, đa số là phim của các nhà sản xuất hoặc đạo diễn Việt kiều, đã về sinh sống tại Việt Nam hàng chục năm. Nhưng cũng những phim này, khi tổng kết lại được tính là phim Việt Nam!
Trong khi đó, không cần phải nhìn đâu xa, ngay trong khu vực Đông Nam Á, nhiều nước đón hàng chục phim nước ngoài đến quay hằng năm, thậm chí Thái Lan đón hàng trăm phim!
Cảnh làm phim “Người Mỹ trầm lặng” tại Việt Nam
Tại sao Việt Nam, dù có nhiều thuận lợi về mọi mặt: Phong cảnh độc đáo chưa “phát lộ” trên màn ảnh; đa dạng vùng miền; đất nước có bề dày lịch sử - văn hóa có thể viết nên nhiều câu chuyện đặc sắc; giá nhân công và giá cả sinh hoạt, dịch vụ rẻ… lại hầu như bỏ ngỏ lĩnh vực hợp tác và cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài? Câu trả lời không khó. Đó là quy định trong Luật Điện ảnh sơ sài, nhưng trong thực tế thì thủ tục khá phức tạp, đôi lúc thiếu minh bạch, dẫn đến có trường hợp được cấp giấy phép quay phim từ trung ương nhưng lại mắc về thủ tục tại địa phương; lại có trường hợp hoặc cơ quan này đồng ý nhưng cơ quan khác phản đối, dẫn đến dự án làm phim phải dừng giữa chừng. Đó là Việt Nam hoàn toàn chưa có cơ chế ưu đãi về thuế và trả lại % tiền chi tiêu tại địa phương. Đó là thủ tục xuất nhập cảnh trang thiết bị chậm trễ và phức tạp, thậm chí có cả tiêu cực. Đó là chúng ta chưa quan tâm đến việc giới thiệu, quảng bá những lợi thế bối cảnh và môi trường làm phim ở Việt Nam ra nước ngoài, chưa có trang web hay cơ quan, tổ chức nào “chăm lo” việc này. Đó là dịch vụ liên quan quá trình làm phim nhỏ lẻ và chưa chuyên nghiệp…
Phải làm gì?
Thứ nhất là vấn đề duyệt kịch bản. Một số đoàn làm phim nước ngoài đã từng đến Việt Nam với mục đích khảo sát và xin phép vào quay phim, nhưng cuối cùng không vào quay, nguyên nhân chủ yếu vướng mắc ở khâu duyệt kịch bản. Một vài đạo diễn nổi tiếng thế giới không chấp nhận việc duyệt kịch bản hoặc sửa chữa kịch bản. Có hãng phim “ngại” việc trình duyệt toàn bộ kịch bản sẽ bị mất bản quyền. Mặt khác, nhiều trường hợp đoàn làm phim nước ngoài không thể quay đúng từng chi tiết được duyệt trong kịch bản, vì việc sáng tạo sẵn trên giấy của người viết kịch bản không phải bao giờ cũng “trúng” với thực tế và giống hệt với sáng tạo tại hiện trường của đạo diễn và ê kíp làm phim, nên việc duyệt kịch bản chỉ mang tính hình thức. Thêm vào đó, một bộ phim có thể quay ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, rất khó để ta “duyệt” và cho phép các cảnh quay ở tất cả các nước khác. Hơn nữa, so với khi xảy ra vài sự cố trong việc cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài vài thập kỷ trước thì giờ đây vị thế và quan hệ ngoại giao của Việt Nam đã ở tầm cao hơn, rộng hơn, bởi vậy rất nên tận dụng quan hệ ngoại giao như một sự bảo đảm cho hợp tác làm phim. Theo đó, rất cần cân nhắc quy định cứng trong Luật Điện ảnh về việc duyệt kịch bản chi tiết. Nên chăng có những quy định phù hợp và cởi mở hơn: Có thể chỉ duyệt tóm tắt kịch bản phim và phần kịch bản những trường đoạn quay ở Việt Nam?
Hình ảnh vịnh Hạ Long trong phim “Đông Dương”
Thứ hai là việc giới thiệu, quảng bá bối cảnh và môi trường làm phim. Đây là công việc rất quan trọng để thu hút đoàn phim nước ngoài, bởi nếu không được “chào hàng” một cách hấp dẫn, cặn kẽ và bài bản thì những ưu thế của đất nước mãi chỉ là “tiềm ẩn, tiềm năng”. Kinh nghiệm ở nhiều nước, người ta thành lập những Ủy ban điện ảnh của quốc gia và tại các tỉnh thành. Ủy ban điện ảnh có 5 nhiệm vụ chính: 1. Thu hút, hỗ trợ quay phim, sản xuất phim tại địa phương; 2. Tổ chức hoạt động các cơ sở sản xuất phim; 3. Cung cấp thiết bị, kỹ thuật quay và sản xuất phim; 4. Quảng bá phim và bối cảnh quay phim ra khu vực và quốc tế; 5. Thu hút, sử dụng bối cảnh quay phim, trường quay ngoại làm điểm tham quan du lịch. Mạng lưới Ủy ban Điện ảnh châu Á (AFCnet) là tổ chức các Ủy ban Điện ảnh và các tổ chức điện ảnh đảm nhiệm chức năng của Ủy ban Điện ảnh ở châu Á, được thành lập năm 1998 hiện có 55 thành viên ở 19 nước. Việt Nam có 2 thành viên của AFCNet là Cục Điện ảnh và Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có Ủy ban điện ảnh, vì vậy, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam với thành viên hầu hết các hãng phim lớn trong cả nước, theo chức năng nhiệm vụ của mình đang tích cực thực hiện 5 nhiệm vụ nêu trên để xúc tiến, quảng bá bối cảnh, môi trường làm phim ở Việt Nam. Để việc quảng bá liên tục và hiệu quả, tổ chức đảm nhiệm công việc của Ủy ban điện ảnh cần được quan tâm, hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến, quảng bá điện ảnh Việt Nam theo kế hoạch của Nhà nước (theo kế hoạch quảng bá văn hóa nghệ thuật, điện ảnh, du lịch của Bộ VHTTDL; kế hoạch xúc tiến thương mại của Bộ Công thương). Cùng với đó, các địa phương nên tạo điều kiện và phối hợp với tổ chức này xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá điện ảnh Việt Nam, lồng ghép quảng bá du lịch và thương hiệu địa phương.
Thứ ba là ưu đãi cho các đoàn đến quay phim. Ở nhiều nước và vùng lãnh thổ, người ta thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt, gọi là ưu đãi sản xuất phim, nghĩa là hoàn tiền (bằng tiền mặt hoặc ưu đãi thuế) trung bình 15%-30% tổng giá trị đầu tư của bộ phim trên lãnh thổ nước đó. Đa phần các chương trình ưu đãi điện ảnh mang lại lợi tức đầu tư lớn hơn nhiều so với chi phí ưu đãi và ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế. Tại Pháp, với mỗi một euro ưu đãi, ngành điện ảnh nhận được đầu tư lên tới 12,8 euro; tại Anh Quốc con số này là 12 euro (“Báo cáo phân tích ảnh hưởng của chương trình ưu đãi tài chính cho phim & nghe nhìn tại châu Âu 2014”, OLSBERG SPI). Việt Nam hoàn toàn chưa có quy định ưu đãi sản xuất phim tương tự đối với cả phim trong nước và nước ngoài. Đây chính là hạn chế rất lớn để thu hút các đoàn làm phim, và điều này cần một sự thay đổi kịp thời trong Luật Điện ảnh đang được Quốc hội xem xét.
Thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam quay phim và phát triển sản xuất phim hợp tác với nước ngoài là mảnh đất màu mỡ, nhưng Việt Nam chưa quan tâm khai thác xứng với tiềm năng. Dù đã thấy được những hạn chế và hướng khắc phục, vẫn cần một sự quyết tâm và đồng lòng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân để tạo những cơ chế, điều kiện và sự chăm chút cho công việc nhiều hứng khởi và đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng chứa đựng nhiều sự phức tạp này! Và, phát triển sản xuất phim hợp tác với nước ngoài cũng có nghĩa là chúng ta đã hiện thực hóa được một trong năm quan điểm chỉ đạo của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt, đó là “Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.
“Trong khi ngay tại khu vực Đông Nam Á, nhiều nước đón hàng chục phim nước ngoài đến quay hằng năm, thậm chí Thái Lan đón hàng trăm phim thì tại sao Việt Nam, dù có nhiều thuận lợi về mọi mặt: Phong cảnh độc đáo chưa “phát lộ” trên màn ảnh; đa dạng vùng miền; đất nước có bề dày lịch sử - văn hóa có thể viết nên nhiều câu chuyện đặc sắc; giá nhân công và giá cả sinh hoạt, dịch vụ rẻ… lại hầu như bỏ ngỏ lĩnh vực hợp tác và cung cấp dịch vụ làm phim cho nước ngoài?”. |
TS Ngô Phương Lan
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam