Không để khoảng trống trong quản lý phim trên mạng

VHO- Tại Hội nghị - Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Bộ VHTTDL tổ chức ngày 9.12 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), nhiều ý kiến tập trung bàn thảo về nội dung quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, một trong những nội dung mới của dự thảo Luật.

Không để khoảng trống trong quản lý phim trên mạng - Anh 1

 Hội nghị - Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) Ảnh: TRẦN HUẤN

 Tiền kiểm hay hậu kiểm?

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi gồm 8 chương và 44 điều. Trong số nội dung mới tại Dự thảo, được quan tâm nhiều nhất chính là vấn đề quản lý phổ biến phim trên không gian mạng. Thời gian qua, nội dung phổ biến trên Youtube, Netflix và một số trang thông tin điện tử xuyên biên giới luôn khiến các nhà quản lý văn hóa, điện ảnh (Bộ VHTTDL) và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đau đầu.

Hai phương án đề xuất đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng được đưa ra theo hướng tiền kiểm và hậu kiểm. Nhiều ý kiến nhận định, phương án tiền kiểm khó khả thi hơn hậu kiểm. Theo phương án tiền kiểm, phim phổ biến trên mạng tại Việt Nam phải được cấp Giấy phép phổ biến và phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh- truyền hình. Theo phương án hậu kiểm, phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng phải đảm bảo có bản quyền hợp pháp, nội dung phim không vi phạm điều cấm của Luật Điện ảnh, phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại độ tuổi phổ biến phim. Dự thảo Luật cũng quy định doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT thời gian qua thường xuyên phối hợp xử lý vi phạm nội dung của các trang thông tin điện tử xuyên biên giới, trong đó không ít nội dung phim phổ biến trên mạng vi phạm luật pháp Việt Nam. Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) nêu, phổ biến phim trên mạng đang là vấn đề nan giải lâu nay, khi số lượng phim gia tăng từng giờ, từng phút. Do cam kết quốc tế nên chúng ta buộc phải cho các trang thông tin có tên miền nước ngoài phát sóng, vì vậy đặt ra các vấn đề quản lý rất nan giải. Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đề xuất nên chia làm hai mảng là phim Việt phát sóng trên nền tảng Internet và phim nước ngoài phát sóng thông qua trang web xuyên biên giới.

Trên thực tế, hành lang pháp lý hiện nay chỉ quản lý các nội dung trên mạng Internet, còn phim ảnh vẫn chịu sự điều chỉnh của luật chuyên ngành, tuy nhiên đây vẫn là một khoảng trống. Bộ TT&TT chưa cấp phép cho doanh nghiệp nào kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền tảng Internet, trong khi đó, một số trang như Netflix, WeTV thời gian qua gây bức xúc vì một số nội dung vi phạm pháp luật. Sắp tới, Bộ TT&TT trình Chính phủ ban hành Nghị định 06 sửa đổi, hứa hẹn có công cụ pháp lý để kiểm soát phim trên mạng và các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp phim ảnh trên mạng internet.

Đưa vào khuôn khổ

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, lãnh đạo Bộ VHTTDL từng thảo luận với lãnh đạo Bộ TT&TT xung quanh vấn đề quản lý phim trên mạng. Theo đó, Bộ VHTTDL sẽ đưa ra nội dung khuyến cáo cấm, Bộ TT&TT có biện pháp kỹ thuật để đưa các doanh nghiệp nước ngoài khai thác nội dung trên Internet vào hoạt động đúng pháp luật hiện hành Việt Nam.

Liên quan tới nội dung phổ biến phim, bà Trương Thị Phương Lan (Vụ Pháp luật hình sự- hành chính, Bộ Tư pháp) lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khoa học công nghệ và công nghiệp văn hóa ở nhiều nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng cao, các quy định về phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh cần được điều chỉnh phù hợp để phát huy vai trò, ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. “Quy định về phổ biến phim cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước, cơ chế phối hợp của các bộ, cơ quan liên quan trong các lĩnh vực văn hóa, thông tin truyền thông và sở hữu trí tuệ. Trong đó, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định theo hướng thống nhất quản lý phổ biến phim theo tiêu chí chung, có quy định chi tiết nội dung bị cấm, bị hạn chế trong quá trình phổ biến phim”, bà Trương Thị Phương Lan nhấn mạnh. Trước khối lượng phim khổng lồ phát trên internet, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng các biện pháp tiền kiểm không phù hợp. “Dự án Luật cũng cần xác định rõ phương thức quản lý (tiền kiểm hay hậu kiểm), vấn đề chia sẻ dữ liệu, bản quyền được thực hiện như thế nào với các biện pháp kỹ thuật tương ứng để đảm bảo tính khả thi. Việc phổ biến phim trên truyền hình, phim nước ngoài có phụ đề của kênh truyền hình nước ngoài phát trên lãnh thổ Việt Nam, phim dạng số... cũng cần có chính sách quản lý phù hợp”, đại diện Bộ Tư pháp nêu.

Về vấn đề này, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng, quản lý phim trên mạng khá nan giải, tuy nhiên, nếu không duyệt các phim phổ biến trên môi trường mạng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả và không công bằng so với việc phổ biến phim trong các môi trường khác. Bà Lan đề nghị lấy thêm ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để quy định về phổ biến phim trên môi trường mạng vừa công bằng với việc phổ biến phim trong các môi trường khác, phù hợp với sự phát triển của điện ảnh, công nghệ và khả thi. 

 MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc