Khơi mở thương hiệu thành phố điện ảnh cho Đà Lạt
VHO- Kỳ vọng về một kỳ liên hoan nhiều dấu ấn trên “phim trường” Đà Lạt thơ mộng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng BCĐ LHP Việt Nam lần thứ XXIII khẳng định, LHP năm nay là cuộc ra quân rầm rộ và chất lượng của điện ảnh nước nhà, phác họa diện mạo ngày càng rõ nét của nền công nghiệp điện ảnh giàu bản sắc, nhân văn và hiện đại. Đặc biệt, với chuỗi hoạt động phong phú, sự kiện còn có ý nghĩa khơi mở xây dựng thương hiệu thành phố điện ảnh cho xứ sở ngàn hoa.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, LHP Việt Nam lần thứ XXIII là cuộc ra quân rầm rộ và chất lượng của điện ảnh nước nhà, phác họa diện mạo ngày càng rõ nét của nền công nghiệp điện ảnh giàu bản sắc, nhân văn và hiện đại
LHP Việt Nam lần thứ XXIII do Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức từ ngày 21-25.11 tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Trước thềm sự kiện, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã trò chuyện với Văn Hóa về những điểm nhấn ở kỳ LHP này.
Khơi mở thương hiệu thành phố điện ảnh
P.V: Sau TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên…, địa danh Đà Lạt tiếp tục được kỳ vọng sẽ trở thành một thành phố điện ảnh mới khi LHP Việt Nam lần thứ XXIII lần đầu tiên được tổ chức tại đây, thưa Thứ trưởng?
- Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Không phải đến LHP Việt Nam lần thứ XXIII, Đà Lạt mới được kỳ vọng sẽ tạo dựng thương hiệu Thành phố điện ảnh, trở thành điểm đến được các đoàn phim trong nước và quốc tế. Nơi đây vốn đã là một phim trường đẹp và thơ mộng nổi tiếng. Với lợi thế con người, thiên nhiên, cảnh quan, Đà Lạt có sức thu hút lớn đối với các nhà làm phim khi lựa chọn phố núi sương mù làm bối cảnh cho các bộ phim. Điện ảnh Việt Nam cũng đã có nhiều tác phẩm quay ở Đà Lạt như: Mối tình đầu, Chuyện tình trong ngõ hẹp, Em và Trịnh, Tháng năm rực rỡ, 100 ngày bên em… Nhiều bối cảnh sau khi phim lên sóng đã trở thành điểm tham quan, check in của du khách, góp phần thiết thực xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh gắn với du lịch. Thành phố ngàn hoa, nơi có sự hiện diện của đa dạng sắc màu văn hóa, nơi sở hữu cảnh sắc thơ mộng có một không hai… từ nhiều năm qua đã trở thành điểm đến lôi cuốn và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho các nhà điện ảnh.
Lần đầu tiên diễn ra tại Đà Lạt, LHP Việt Nam lần thứ XXIII mang đến cảm giác háo hức, chờ đợi cho giới mộ điệu. Khán giả sẽ có cơ hội sống trong bầu không khí sôi động của phim ảnh; được gặp gỡ, giao lưu với những nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng… Đặc biệt, giới nghề kỳ vọng sẽ tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm được nuôi dưỡng cảm xúc từ những cảnh đẹp nức tiếng tại xứ sở mộng mơ. LHP cũng là hoạt động thúc đẩy quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Đà Lạt nhân kỷ niệm 130 năm thành phố hình thành và phát triển. Khơi mở thương hiệu Thành phố điện ảnh cũng chính là kỳ vọng đặt ra qua mỗi kỳ LHP, gắn kết điện ảnh với du lịch để phát triển công nghiệp văn hóa. Mong rằng LHP Việt Nam XXIII sẽ góp phần định vị thương hiệu cho Đà Lạt trên bản đồ điện ảnh, tạo sức hút mạnh mẽ hơn với các nhà làm phim trong nước và quốc tế.
Hình ảnh tại Triển lãm “Đà Lạt - Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh”
Thưa Thứ trưởng, sự đón chờ của công chúng đối với LHP Việt Nam lần thứ XXIII hẳn sẽ không chỉ được đền đáp bởi những bối cảnh hấp dẫn mà còn là sự tham gia hùng hậu của gần 200 tác phẩm tham gia?
- Phải nói rằng đây là kỳ LHP có số lượng phim đăng ký tham gia lớn nhất, thể loại cũng rất phong phú với 31 phim truyện điện ảnh, 82 phim tài liệu, 23 phim khoa học, 43 phim hoạt hình. BTC đã lập Hội đồng để tuyển chọn phim vào Chương trình phim Dự thi 16 phim truyện, 31 phim tài liệu, 19 phim khoa học, 25 phim hoạt hình; Chương trình phim Toàn cảnh với 14 phim truyện, 20 phim tài liệu, 4 phim khoa học và 18 phim hoạt hình.
LHP Việt Nam lần thứ XXIII sẽ trao 20 Bông sen Vàng, Bông sen Bạc ở các hạng mục và 24 giải cho cá nhân, trong đó có giải dành cho Đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc nhất. Ngoài ra, khán giả có thể bình chọn cho phim được yêu thích nhất trong Chương trình Điện ảnh toàn cảnh, thông qua giải Phim được yêu thích nhất.
Nhìn vào danh sách phim dự thi, có thể thấy thương hiệu LHP Việt Nam luôn có sức hút đặc biệt. Phim Nhà nước đặt hàng với hai cái tên mới là Đào phở và piano và Hồng Hà nữ sĩ; cùng với đó là hàng chục bộ phim tư nhân đầu tư sản xuất, với nhiều tên phim nổi bật như Nhà bà Nữ, Em và Trịnh, Tro tàn rực rỡ… đều tham gia một cách hùng hậu. Đây là những bộ phim hứa hẹn tăng thêm sức nóng của đường đua đến Bông sen Vàng. Danh sách phim chiếu Chương trình toàn cảnh cũng tạo chú ý với Phơi sáng, Phượng cháy, Memento Mori: Đất, Siêu lừa gặp siêu lầy…
Điều đáng mừng là danh sách phim cũng cho thấy các thế hệ của điện ảnh Việt Nam đều có phim tham gia. Từ đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh ở tuổi 85 với Hoa nhài, đến bộ phim thử nghiệm 9 của 9 sinh viên mới ngoài 20 tuổi đến từ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội…
Nhiều tên tuổi biên kịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên nổi tiếng, từng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, giải Bông sen Vàng, Bông sen Bạc và nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá cũng gửi phim dự thi. Công chúng yêu điện ảnh sẽ được gặp gỡ những đạo diễn, diễn viên gạo cội, nổi tiếng của điện ảnh Việt như NSND Trà Giang, Victor Vũ, Phương Thanh, Ninh Dương Lan Ngọc, Ngô Kiến Huy…
TP Đà Lạt đã có nhiều bối cảnh được các nhà làm phim chọn lựa
Nhiều nét mới hấp dẫn
Với thông điệp xuyên suốt về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại vànhân văn, LHP Việt Nam lần thứ XXIII sẽ thu hút du khách và công chúng yêu điện ảnh thông qua những hoạt động kết nối điện ảnh - du lịch như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- LHP Việt Nam đến nay đã trở thành sự kiện văn hóa nghệ thuật mang ý nghĩa quan trọng. Qua mỗi kỳ tổ chức, khán giả đều hào hứng chào đón và thưởng thức những tác phẩm mới của điện ảnh nước nhà. Kể từ LHP Việt Nam lần thứ XXII, nền điện ảnh của chúng ta đã có những tín hiệu đáng mừng về số lượng, chất lượng phim. LHP Việt Nam lần này sẽ tôn vinh những tác phẩm và cá nhân xuất sắc, tiếp tục là cầu nối để tác phẩm điện ảnh đến với công chúng, gắn kết Nghệ thuật thứ 7 và du lịch, tạo ra những giá trị lớn về tinh thần và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Đặc biệt, sự kiện năm nay có nhiều nét mới. Lễ khai mạc, bế mạc và trao giải thưởng được tổ chức ngoài trời thay vì trong nhà như nhiều kỳ LHP trước đây. Cùng với những cuộc đua đến Bông sen Vàng ở các hạng mục dự thi là nhiều hoạt động thu hút sự chú ý của giới nghề và công chúng như: Triển lãm Đà Lạt - Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh; Hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh và Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam; giao lưu giữa nghệ sĩ điện ảnh với khán giả; tham quan tại TP Đà Lạt...
Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ lựa chọn một phim truyện để trao giải thưởng Lâm Đồng - Cao nguyên hùng vĩ. Đây là một trong những phim tham gia chính thức tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII, có bối cảnh quay tại Lâm Đồng - Đà Lạt. Giải thưởng nhằm tạo thêm sức thu hút cho LHP, đồng thời tôn vinh đóng góp của nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên trong việc giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa, con người và cảnh quan thiên nhiên của Đà Lạt - Lâm Đồng đến với công chúng trong và ngoài nước.
Công tác chuẩn bị tổ chức LHP đến thời điểm này đã sẵn sàng, thưa Thứ trưởng?
- Xác định LHP là một sự kiện đặc biệt, góp phần khơi mở và định vị thương hiệu Thành phố điện ảnh cho Đà Lạt, nên từ rất sớm, công tác chuẩn bị đã được Cục Điện ảnh, Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng triển khai bài bản, dưới sự chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, các cơ quan chức năng rất chú trọng việc khảo sát cơ sở hạ tầng, điều kiện, địa điểm tổ chức các hoạt động, sự kiện; chương trình giao lưu giữa nghệ sĩ điện ảnh với khán giả tại Trường ĐH Đà Lạt và Trường PTDT nội trú tỉnh… Song song đó là các hoạt động quảng bá danh lam thắng cảnh, đặc sản địa phương nhằm thu hút du khách đến với Đà Lạt nhiều hơn. Tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là kỳ LHP để lại ấn tượng sâu sắc, không chỉ là cơ hội trải nghiệm mà còn là lời chào mời hấp dẫn đối với các nhà làm phim.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
PHƯƠNG ANH (thực hiện)