Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi): Tháo gỡ “nút thắt”, tạo đột phá mới

VHO- “Yêu cầu thực tiễn đang đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trong điện ảnh, góp phần mở rộng thị trường và đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Đây là một sứ mệnh quan trọng mà Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần phải gánh vác…”, là ý kiến được nhấn mạnh tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ VHTTDL với Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi): Tháo gỡ “nút thắt”, tạo đột phá mới - Anh 1

 

Toàn cảnh buổi làm việc

 Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa và Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì buổi làm việc.

Bỏ đấu thầu phim Nhà nước, hậu kiểm phim trên mạng

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 25 điều, quy định mới 25 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành. Dự Luật bảo đảm thực hiện 4 chính sách đề xuất trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, gồm: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.

Thứ trưởng nhấn mạnh, hiện đời sống điện ảnh đã có nhiều thay đổi về phương pháp, cách tiếp cận, cách làm phim, chuyển đổi số..., Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần thiết được ban hành nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; phù hợp với các luật của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, dự án Luật sửa đổi đặt mục tiêu khắc phục những bất cập của Luật hiện hành. Theo đó, nhiều quy định đã không còn phù hợp, không thể hiện được đặc thù của điện ảnh nên không khả thi. Một số vấn đề mới phát sinh cần được bổ sung, sửa đổi như: Quản lý nội dung phim trên không gian mạng; hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các LHP, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam và quốc tế…; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh.

Lãnh đạo Bộ cho biết, trong quá trình xây dựng dự Luật sửa đổi còn có một số vấn đề có ý kiến khác nhau đã được cơ quan chủ trì soạn thảo xin ý kiến Chính phủ. Trong đó có quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước bằng hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng, không có hình thức đấu thầu (Điều 13) thu hút nhiều tranh luận. Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, đây là vấn đề được giới nghề quan tâm, bởi đấu thầu trong điện ảnh sẽ vướng vào nhiều bất cập. “Mỗi tác giả đều muốn gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình cho những nhà làm phim, đạo diễn uy tín và tay nghề cao. Nếu chỉ căn cứ vào giá thành bỏ thầu, rồi chấm thầu cho đơn vị đưa giá rẻ nhất thì không được, đặc biệt trong kiểm soát chất lượng nghệ thuật”, Thứ trưởng trao đổi.

Về quy định phổ biến phim trên không gian mạng, cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra hai phương án “tiền kiểm, hậu kiểm” xin ý kiến Chính phủ, tuy nhiên căn cứ vào điều kiện thực tế, phương án “tiền kiểm” không khả thi do không có đội ngũ thực hiện. Phương án “hậu kiểm” được đồng tình với yêu cầu có những quy định chặt chẽ, yêu cầu các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tuân thủ nghiêm túc. Theo đó, các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải đảm bảo không vi phạm quy định về nội dung và hành vi bị cấm, các quy định về Sở hữu trí tuệ; phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định; cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem. Cơ quan, nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra việc chấp hành quy định của tổ chức, cá nhân phổ biến phim và tiến hành xử phạt nếu vi phạm.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa

Lãnh đạo Bộ VHTTDL một lần nữa nêu quan điểm đề nghị giữ quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo đó, Quỹ hỗ trợ điện ảnh là công cụ hiệu quả giúp nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật của tác phẩm điện ảnh, xúc tiến quảng bá đất nước, con người và điện ảnh Việt Nam. “Sản xuất phim là lĩnh vực yêu cầu đầu tư kinh phí lớn, nhưng việc thu hồi vốn để tái đầu tư gặp nhiều khó khăn, thậm chí rủi ro, đặc biệt là các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim đầu tay. Nếu không có sự hỗ trợ từ Quỹ thì không có công cụ để hỗ trợ nền điện ảnh dân tộc, hỗ trợ tài năng sáng tác trẻ, khó có các tác phẩm điện ảnh mang tính giáo dục, nghệ thuật để định hướng thẩm mỹ cho khán giả và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần định hướng sáng tác điện ảnh”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa cho biết, những nội dung được bàn thảo tại buổi làm việc nhằm chuẩn bị cho việc UB sẽ thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự kiến vào tháng 7 tới. “Đây là Dự án Luật quan trọng, các điều luật cần đảm bảo tính khả thi, có tầm nhìn để nhiều năm sau nhìn lại, chúng ta phải thấy được sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà”, bà Hoa nhấn mạnh.

Ủy viên thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng, cơ quan thẩm tra cũng như ban soạn thảo đều mong muốn sẽ có dự án Luật tốt nhất trình Quốc hội. Đây là dự án luật khó, dù có sự kế thừa từ Luật Điện ảnh hiện hành. Giới nghề điện ảnh và xã hội nói chung đang trông chờ Luật sửa đổi với tầm nhìn mới, tư duy mới sẽ góp phần giải quyết những vấn đề hạn chế, thúc đẩy hoạt động điện ảnh phát triển. Ông Lượng cũng nêu rõ, hiện điện ảnh Việt Nam có tốc độ phát triển chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; số lượng, chất lượng phim điện ảnh còn ít, chưa có nhiều phim đạt doanh thu cao; doanh nghiệp làm phim chưa nhiều, quy mô nhỏ; cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh còn hạn chế... “Yêu cầu thực tiễn đang đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trong điện ảnh, góp phần mở rộng thị trường và đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Đây là một sứ mệnh quan trọng mà Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần phải gánh vác”, ông Phan Viết Lượng khẳng định. Theo ông, một số nội dung mới, nội dung sửa đổi so với Luật hiện hành cũng cần cân nhắc sự tương thích, thống nhất so với quy định trong những luật khác, như: Nhà nước ưu đãi đầu tư phát triển điện ảnh, ưu đãi về thuế, bỏ hình thức đấu thầu khi sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước...

Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh, dự thảo Luật cần có các quy định đảm bảo hiệu quả thực thi để hoạt động điện ảnh nước nhà theo kịp sự phát triển của công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa trong điện ảnh, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực điện ảnh... Đây là những vấn đề mấu chốt mà Luật sửa đổi cần giải quyết. “Một bộ phim trước đây thường chỉ mang ý nghĩa văn hóa, giải trí; bây giờ lại là vấn đề kinh tế. Muốn phát triển công nghiệp điện ảnh thì cần thiết phải thúc đẩy mở rộng thị trường điện ảnh, xúc tiến và quảng bá rộng rãi cả trong và ngoài nước. Nhìn sang Hàn Quốc, Trung Quốc, mục tiêu đặt ra của nền công nghiệp điện ảnh là phim phải được công chiếu cho thật nhiều người xem. Từ thị trường đó mới có thể tạo nên doanh thu lớn cho những tác phẩm điện ảnh. Luật của chúng ta cũng cần phải tạo nên diện mạo mới cho nền điện ảnh nước nhà”, bà Hoàng Thị Hoa lưu ý. 

 Đấu thầu trong điện ảnh sẽ vướng vào nhiều bất cập bởi mỗi tác giả đều muốn gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình cho những nhà làm phim, đạo diễn uy tín và tay nghề cao. Nếu chỉ căn cứ vào giá thành bỏ thầu, rồi chấm thầu cho đơn vị đưa giá rẻ nhất thì không được, đặc biệt trong kiểm soát chất lượng nghệ thuật…

(Thứ trưởng TẠ QUANG ĐÔNG)

BẢO ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc