Công tác lưu trữ nghe nhìn: “Số hóa” để bảo tồn những tư liệu vô giá

VHO- Do tác động của đại dịch Covid-19, Hội nghị Hiệp hội các Viện Lưu trữ Nghe Nhìn Đông Nam Á - Thái Bình Dương (SEAPAVAA) lần thứ 25 là Hội nghị đầu tiên trong lịch sử SEAPAVAA tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, vừa được khai mạc tại Viện Phim Việt Nam (Hà Nội).

Công tác lưu trữ nghe nhìn: “Số hóa” để bảo tồn những tư liệu vô giá - Anh 1

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội nghị

 Diễn ra đến hết ngày 27.6 với chủ đề Lưu trữ nghe nhìn trong thời đại thay đổi, Hội nghị đề cập đến những thách thức đối với các cơ quan lưu trữ nghe nhìn trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển, dịch bệnh khiến cho quy trình vốn đang được duy trì trở nên đảo lộn...

Lưu trữ nghe nhìn trong thời đại thay đổi

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, 25 năm trước, SEAPAVAA ra đời là sự kiện quan trọng đối với những người làm công tác lưu trữ điện ảnh, thể hiện ý thức trách nhiệm, nhận thức của các nhà chuyên môn, sự quan tâm của cơ quan chức năng các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực đối với sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa hình ảnh động. “Bộ VHTTDL luôn coi trọng công tác lưu trữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hình ảnh động. Trong thời gian qua, Viện Phim Việt Nam - thành viên tích cực của SEAPAVAA đã có những cố gắng không ngừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ lưu trữ, bảo quản và phát huy giá trị tư liệu hình ảnh động…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.

Theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, đăng cai tổ chức Hội nghị SEAPAVAA lần thứ 25 là dịp để Việt Nam thể hiện nghĩa vụ, cam kết quốc tế và khẳng định những nỗ lực, đóng góp cho các hoạt động của Hiệp hội. Hội nghị diễn ra trong bối ảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực trên các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực lưu trữ, nghe nhìn điện ảnh. “Mặc dù các nước đã và đang nỗ lực cùng chung tay vượt qua khó khăn trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, nhưng chúng ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Vì vậy, Hội nghị sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý giữa các thành viên hiệp hội, đề ra các chương trình hành động nhằm phát triển và liên kết công tác lưu trữ, bảo quản, khai thác và phổ biến tư liệu nghe nhìn một cách thiết thực nhất trên cơ sở áp dụng nền tảng công nghệ số đang ngày càng phát triển...”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu.

Chủ tịch SEAPAVAA Karen Chan khẳng định, giai đoạn 2020- 2021 là thời kỳ đầy thách thức đối với các cơ quan lưu trữ và di sản. Covid-19 buộc chúng ta phải suy nghĩ, đánh giá lại cách sống, cách làm việc, cũng như phải thay đổi thái độ về những gì đã từng được coi là đương nhiên. Đối với những người làm công tác lưu trữ, các thủ tục logic và quy trình làm việc có hệ thống, hợp lý đang được duy trì đã bị đảo lộn vì phải ứng phó với tình huống không xác định và bất ngờ không thể kiểm soát. Bà Karen Chan cũng cho rằng, chủ đề “Lưu trữ nghe nhìn trong thời đại thay đổi” mang nhiều ý nghĩa với giai đoạn chúng ta đang sống. Trong suốt 25 năm, SEAPAVAA và các thành viên đã chứng kiến nhiều lần thay đổi, chuyển đổi, thậm chí là xáo trộn ở khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay có một số điểm khác biệt, với tầm tác động và ảnh hưởng toàn cầu.

Công tác lưu trữ nghe nhìn: “Số hóa” để bảo tồn những tư liệu vô giá - Anh 2

 Vẻ đẹp tuyệt mỹ của vịnh Hạ Long trong bộ phim “Kông - Đảo đầu lâu”

Đẩy mạnh số hóa lưu trữ phim

Song song việc sản xuất phim mới, công tác lưu trữ, bảo quản phim là vấn đề quan trọng và là xu thế tất yếu trong bối cảnh nền cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ. Đằng sau những thước phim là câu chuyện của lịch sử, của thời đại, với những giá trị vượt thời gian cần được lưu trữ bằng hình thức số hóa.

Đề cập đến công tác số hóa trong thời kỳ công nghệ thay đổi, ông Lê Tuấn Anh (Viện Phim Việt Nam) nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội quý giá để tiếp cận với các thành tựu KHKT, nhưng nó cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho các cơ quan lưu trữ nghe nhìn. Trong bối cảnh đó, với nguồn kinh phí hạn hẹp, Viện Phim Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nguy cơ tụt hậu về mặt công nghệ so với các nước phát triển. Ông Lê Tuấn Anh cho biết, số hóa phim sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy, Viện Phim đã xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia về thực hành lưu trữ phim và đánh giá tình trạng kỹ thuật của phim ảnh. “Tuổi thọ của các vật liệu nghe nhìn đều có hạn và cơ hội thì không chờ đợi chúng ta mãi mãi, nếu chúng ta không sớm tận dụng thì cơ hội sẽ vụt qua và khó khăn, thách thức sẽ xuất hiện theo cấp số nhân. Vì vậy, chiến lược số hóa vật liệu nghe nhìn được thực hiện càng sớm sẽ càng có tác dụng tốt trong việc bảo tồn di sản nghe nhìn quốc gia, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...”, ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Hương Giang, Phó trưởng phòng Kiểm kê, Bảo quản Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết, kho cơ sở của Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 3 vạn tư liệu phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tài sản quốc gia, là hiện vật gốc chứa đựng nhiều giá trị. Mặc dù tất cả số phim ảnh này đều được bảo quản theo đúng quy định, song với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, để số tư liệu này có tuổi thọ lâu dài là điều không đơn giản. Vì vậy, bên cạnh việc bảo quản, lưu trữ theo phương pháp truyền thống, việc lựa chọn giải pháp số hóa cũng là một xu hướng tất yếu. Việc số hóa thông tin hình ảnh của khối lượng lớn phim âm bản có thể được lưu trữ trong những bộ nhớ với kích thước nhỏ, thuận tiện cho việc khai thác mà không làm ảnh hưởng đến phim gốc.

Thiếu tá Nguyễn Thị Mai, Phó trưởng phòng Tư liệu, Điện ảnh Quân đội Nhân dân cũng chia sẻ, đơn vị hiện đang lưu giữ hơn 23.000 hộp phim, gồm các thể loại phim tài liệu, phim khoa học, phim truyện, tin thời sự… Bên cạnh việc lưu trữ, bảo quản chất liệu nhựa, việc số hóa các phim, tư liệu sẽ tạo ra một kho lưu trữ thứ 3 dưới định dạng số. Bà Mai cho hay, trong thời gian tới, Điện ảnh Quân đội Nhân dân sẽ từng bước số hóa toàn bộ số lượng phim hiện có để lưu trữ và khai thác song song cả phim nhựa và số.

Theo ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc công nghệ Công ty cổ phần Nghe nhìn Việt Nam, lưu trữ điện ảnh luôn là một nhiệm vụ nặng nề với những nghiệp vụ khó khăn như tu sửa, phục dựng nhằm bảo tồn những thước phim tư liệu quý giá của lịch sử đất nước. Hiện tại, với số lượng hàng trăm ngàn cuốn phim nhựa trong các kho phim đã và đang xuống cấp thì khối lượng công việc chuyển đổi phim nhựa truyền thống sang định dạng kỹ thuật số và tu sửa, phục hồi, lưu trữ trên các hệ thống kỹ thuật số là cực kỳ khó khăn và tốn kém, thế nhưng đây lại là lựa chọn duy nhất tới thời điểm này, để bảo tồn, lưu trữ các kho phim điện ảnh - di sản văn hóa vô giá của dân tộc. 

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc