Cơ hội mở ra cho điện ảnh Việt từ Bố già
VHO-Trong quá khứ, con số 200 tỉ từng là cột mốc hoang đường mà nhiều nhà sản xuất, đầu tư không dám mơ đến, nhưng chỉ sau 4 năm kể từ đột phá 171 tỉ đồng của Em chưa 18 (năm 2017), thì đã có phim chinh phục được cột mốc 400 tỉ đồng, đó chính là Bố già của nam nghệ sĩ đa tài Trấn Thành.
Những gương mặt với lối diễn xuất rất đời đã làm nên thành công của Bố già
Tính đến chiều 5.4, doanh thu do chính nhà phát hành Bố già công bố đạt con số 400 tỉ đồng (bán được 5,3 triệu vé), những con số này phần nào cho thấy thị trường phim chiếu rạp đang phục hồi sau các đợt bùng dịch Covid-19. Và đây cũng là một kỉ lục mới của điện ảnh Việt, lần đầu tiên một bộ phim “made in Vietnam” cán mốc 400 tỉ, một con số ngoài sức tưởng tượng. Cơ hội cho điện ảnh Việt đã được mở ra, các nhà làm phim có quyền mơ về trăm tỉ, 200 tỉ… thậm chí là 500 tỉ. Nhất là trong khoảng thời gian này, khán giả đang thật sự “thèm khát” những “bom tấn” phù hợp với lối sống, văn hóa, con người Việt Nam. Từ đó, định hướng cho nhiều nhà làm phim trong tương lai, làm sao để vừa dung hòa giữa yếu tố giải trí, đời sống và nghệ thuật, làm sao để khán giả không quay lưng với phim Việt… Và dĩ nhiên, Bố già chính là chất xúc tác, là động lực để thúc đẩy phim Việt bay cao bay xa hơn trong tương lai. “Bố già của Trấn Thành thu gần 400 tỉ, điều đó khiến mọi người không còn mơ mộng 200 tỉ nữa. Giờ 200 tỉ là thường rồi. Cả một thị trường khát khao lớn thì chúng ta sẽ làm được” - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ.
Bố già lấy bối cảnh một con hẻm nghèo, nhốn nháo và hay ngập nước ở TP.HCM, nơi Ba Sang (Trấn Thành) sống cùng con trai Quắn (Tuấn Trần) và con gái nuôi Bù Tọt (Ngân Chi). Trong khi người bố vất vả với nghề chở hàng thuê, thì cậu con trai kiếm tiền bằng nghề sản xuất nội dung trên mạng xã hội. Khác biệt trong quan điểm sống khiến cả hai thường xuyên tranh cãi. Phim lấy nước mắt của khán giả bởi những trường đoạn cảm xúc về ba Sang và Quắn, về những mối quan hệ gia đình. Qua đó, tác phẩm mang đến thông điệp sâu sắc về tình phụ tử, về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau.
Có thể thấy, lâu nay các bộ phim ăn khách của điện ảnh Việt Nam: một là vay mượn từ kịch bản hay của điện ảnh nước ngoài (Em là bà nội của anh, Tiệc trăng máu); hai là những bộ phim giải trí có tính ngoại lai, vẫn loáng thoáng hình ảnh của các bộ phim nước ngoài; ba nữa là các bộ phim hài nhảm, kinh dị hoặc giang hồ đánh đấm chủ yếu là chọc cười khán giả mà không để lại một giá trị gì. Có một số phim mang 100% phong cách Việt cũng hiện diện tại phòng vé nhưng ít để lại dư âm và đa phần đều thua lỗ, rời khỏi rạp sau vỏn vẹn vài tuần. Phải nói rằng, sự đa dạng về thể loại phim là thật sự cần thiết cho “khẩu vị” của khán giả, nhưng muốn nền điện ảnh nội địa phát triển, những bộ phim hay mang tính nguyên bản, đề cao các giá trị văn hóa nên nhiều hơn. Để khi xem, khán giả nhận ra ngay đó là phim Việt, đó là con người Việt, đó là văn hóa Việt… và tất nhiên không cần phải “dựa hơi” một nước nào cả.
Thành công của Bố già như một liều vắcxin cho điện ảnh Việt Nam hiện tại. Nó không chỉ kích hoạt thị trường, khiến khán giả bớt định kiến với phim Việt, mà đồng thời cũng kích thích các nhà làm phim, giới quản lý thay đổi tư duy, mở rộng tầm nhìn để thay đổi kịp thời và đưa nền điện ảnh Việt Nam thoát khỏi tình trạng “thiên thời địa lợi nhân hòa” mà phải đi lên từ chất lượng. Với tiềm lực của thị trường gần 100 triệu dân và khán giả vẫn ủng hộ phim nội, đây là thời điểm vàng cho ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà. Nếu các nhà làm phim không nắm bắt cơ hội này thì “cuộc đua” sẽ quay trở lại vạch xuất phát, sân nhà lại tiếp tục rơi vào tay phim ngoại.
HỒNG HẠNH