Cần xem xét phim “Vợ ba” có hay không hành vi có tính chất dâm ô với trẻ em?
VHO- Mặc dù bộ phim Vợ ba đã dừng chiếu trên tất cả các rạp phim và bị xử phạt vi phạm hành chính 50 triệu đồng vì phim chiếu rạp khác bản được duyệt, nhưng dư luận vẫn chưa hết bức xúc. Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) Đặng Hoa Nam còn đề nghị xử lý hình sự với đoàn làm phim nếu bộ phim vi phạm các quy định về dâm ô trẻ em.
Trước khi trình chiếu tại Việt Nam, cuối năm 2018, bộ phim đã giành giải Phim châu Á xuất sắc nhất. Sau đó, tiếp tục giành giải thưởng Đạo diễn trẻ xuất sắc ở LHP quốc tế Chicago (Mỹ); giải phim có đóng góp nghệ thuật xuất sắc tại LHP quốc tế Cairo (Ai cập), giải Phim truyện xuất sặc tại LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ… Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, khi có kết luận về việc vi phạm cần đề nghị các đơn vị, tổ chức nước ngoài rút lại toàn bộ các giải thưởng đã trao cho bộ phim.
Trong bộ phim “Vợ ba” xuất hiện nhiều cảnh nóng do diễn viên Trà My (khi đó 13 tuổi) trực tiếp đóng cảnh “nóng”, “giường chiếu” với diễn viễn Vũ Long hay phô bày cơ thể như cảnh người chồng (Vũ Long diễn xuất) húp quả trứng trên bụng vợ (Trà My đóng), người chồng áp sát vợ trên giường trong tình trạng nude, Trà My để ngực trần nổi trên mặt nước... Mặc dù phía nhà sản xuất cho rằng, bộ phim chiếu ở rạp đã được bỏ đi nhiều chi tiết “nhạy cảm” này, nhưng Cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định: Dù bộ phim được cắt hoàn toàn nhưng tiếp tục được tìm thấy trên mạng thì vẫn là vi phạm vì “anh” đã sản xuất ra những thước phim đó. Thật khó hiểu là đạo diễn là người Việt kiều – sống ở nước ngoài thì nhận thức về vấn đề này nghiêm khắc, tiến bộ hơn trong nước lại có thể vi phạm.
Một cảnh trong phim "Vợ ba" do Trà My đóng
Ông Đặng Hoa Nam nhận định, rất có thể bộ phim này đã vi phạm quy định của Bộ luật Lao động về việc sử dụng người lao động chưa thành niên, cụ thể là sử dụng lao động dưới 15 tuổi tham gia dự một số công việc có quan hệ lao động. Hiển nhiên đơn vị sản xuất của bộ phim khi mời diễn viên dưới 15 tuổi chắc chắn có cam kết và các điều kiện thù lao kèm theo, tức là hợp đồng và quan hệ lao động. Trẻ em dưới 13 - 15 tuổi được phép tham gia một số công việc, đặc biệt là trong hoạt động nghệ thuật như biểu diễn, điện ảnh. Tuy nhiên trong pháp luật về lao động còn những quy định khác nữa như không được phép sử dụng sử dụng vị thành niên vào những công việc ảnh hưởng đến sự phát triển của người chưa thành niên, trẻ em, cũng như là tác động xấu đến sự phát triển về tình cảm, đạo đức của các em. Do đó, đương nhiên việc sử dụng các đối tượng các em bé vào diễn các cảnh nóng ảnh là không phù hợp. Và các cơ quan chức năng có thể xem xét hành vi vi phạm pháp luật về lao động.
Trên thế giới, nhiều bộ phim cũng có diễn viên dưới 15 tuổi đóng những cảnh nóng nhưng đều sử dụng người đóng thế. Tại Mỹ khi một diễn viên nhí đóng phim thì được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật và người giám hộ. Dù người giám hộ đồng ý, diễn viên nhí cũng không được đóng những cảnh “nóng”. Hệ thống pháp luật Mỹ có quy định cụ thể để bảo vệ trẻ em không bị lạm dụng khi đóng phim, đặc biệt là trong các cảnh liên quan đến tình dục. Trong phim, Hollywood quy định diễn viên vị thành niên không được phép tham gia vào cảnh phim mô tả việc quan hệ tình dục, kể cả khi không phải quan hệ thật. Diễn viên nhí chỉ được phép đỏng cảnh ẩn dụ đến việc quan hệ tình dục, hoặc được đóng nhưng phải có diễn viên đóng thế khi quay cận các bộ phận nhạy cảm. “Một số cảnh phô bầy cơ thể, hay mô tả quan hệ tình dục trong nghệ thuật đối với người trưởng thành nhằm phục vụ mục đích nghệ thuật thì không có vấn đề gì. Nhưng bất luận trong trường hợp nào dù trong nghệ thuật,hay điện ảnh mà mô tả về cơ thể, đặc biệt phần nhạy cảm của trẻ em dưới 13 tuổi thì không được phép. Vấn đề này trong phim “Vợ ba” phải xem xét là có hay không những mục đích lôi kéo trẻ em vào hoạt động khiêu dâm theo quy định của Bộ luật hình sự”, ông Đặng Hoa Nam bày tò.
Trà My đóng cảnh "giường chiếu" mà không có người đóng thế
Ngoài ra, Cục trưởng Cục trẻ em cũng đề xuất những cảnh mà diễn viên Trà My phải đóng cảnh giường chiếu với diễn viên người lớn thì cho dù là trong hoạt động nghệ thuật thì cũng phải xem xét xem có hay không hành vi có tính chất dâm ô đối với trẻ em. Bởi vì Bộ luật Hình sự quy định, những hành vi đụng chạm vào cơ thể trẻ em đặc biệt là những bộ phận nhạy cảm với mục đích tình dục. Do đó phải xem xét xem mục đích của những cảnh chiếu như thế có nhằm mục đích tình dục hay không khi đặt trong mối quan hệ vợ chồng, quan hệ nam nữ, quan hệ đồng giới trong nội dung phim. “Đây là những vấn đề mà xã hội hiện đại đặt ra và chúng ta cần có nhận thức tiến bộ ở góc độ bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thông qua hiện tượng bộ phim “Vợ ba” này. Và nếu như có những vi phạm thì các cơ quan chức năng sau khi xử lý dưới góc độ vi phạm hành chính, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì xử lý dưới góc độ hình sự và cũng nên đề nghị những tổ chức đơn vị ở nước ngoài đã trao giải thưởng cho bộ phim này thì rút lại giải thưởng”, đại diện Cục trẻ em nói.
Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong thế giới hiện đại đặc biệt là trong thời đại công dân mạng, trong sự phát triển đa dạng về các hình thức truyền thông, những nội dung về bảo vệ trẻ em đã được quy định trong Luật trẻ em 2016, tuy nhiên cần phải bổ sung, cập nhật chi tiết những quy định bảo vệ trẻ trong Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự và tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động và những luật khác có liên quan.
“Tất cả những hoạt động nào ảnh hưởng đến sự phát triển bao gồm thể chất, tinh thần phong cách, đạo đức, sự nguy hại của trẻ em thì công ước về Quyền trẻ em - mà Việt Nam đã tham gia - đều cấm. Quy định pháp luật của Nhà nước có thể có lỗ hổng nào đó, các cơ quan chức năng cần rà soát, đánh giá lại những điểm chưa phù hợp để bổ sung, sửa chữa", Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Doãn Mậu Diệp.
QUỲNH HOA