Cồn Chim- điểm du lịch xanh hấp dẫn du khách
VHO- Cồn Chim, nằm trải dài tại các địa phương của huyện Tuy Phước (Bình Định), được xem là thắng cảnh do thiên nhiên ban tặng, là nơi bảo tồn thiên nhiên cũng như nơi mưu sinh của cư dân vùng biển. Nhờ sự trù phú bởi những cánh rừng ngập mặn, với nhiều loại thủy hải sản khác nhau, thời gian qua nơi đây đã trở thành điểm du lịch xanh giữa Đầm Thị Nại.
Theo chân ông Trần Hữu Khánh, thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước về khu vực rừng ngập mặn Cồn Chim, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là những cánh rừng bần, đước xanh mướt, vững chãi trước sóng nước, thủy triều của Đầm Thị Nại.
“Tôi cùng một số hộ dân tại thôn Diêm Vân được Trung tâm Khuyến nông Bình Định giao khoán bảo vệ 7 ha rừng ngập mặn tại khu vực Cồn Chim cách đây trên 10 năm. Diện tích rừng ngập mặn này cũng do chính tôi và nhiều người dân trong xã nhận trồng. Đến nay rừng phát triển tốt, góp phần chắn sóng, chắn gió, giữ gìn được các bờ thửa, đất đai trong khu vực dân cư và hệ sinh thái ở các khu vực này. Tại thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, Cồn Chim được ví như một “ốc đảo xanh”. Cách TP. Quy Nhơn hơn 15 km, song muốn đến được Cồn Chim ở đây thì tất cả mọi người phải đi đò tầm 5 phút. Bà Hồ Thị Mùi, một người lái đò hay đưa người dân và du khách qua Cồn Chim cho hay: “Cồn Chim hàng chục năm qua, chưa có cây cầu bê tông xây dựng kiên cố bắt qua xóm. Muốn đi học, đi làm, di du lịch… phải trông chờ những chuyến đò ngang”, ông Trần Hữu Khánh cho biết.
Đến “ốc đảo xanh” Cồn Chim, du khách sẽ được trải nghiệm nhịp sống đánh bắt của ngư dân làng chài
Cồn Chim ở thôn Vinh Quang 2, với 300 hộ/ 1.100 nhân khẩu sinh sống, được bao bọc bởi những cây rừng ngập mặn cổ thụ. Anh Hồ Văn Trung, trước đây là Phó trưởng thôn Vinh Quang 2, giờ xóm trưởng Cồn Chim cho biết, năm 2004, dự án phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - Đầm Thị Nại được chính thức triển khai đã mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế, xã hội cho người dân trên ốc đảo. Từ một nơi hiu quạnh, vắng vẻ, Cồn Chim đã nhanh chóng được phủ cây xanh, thu hút những đàn chim di cư từ phương xa tìm đến làm nơi đỗ đậu bình yên và trở thành điểm du lịch cho khách khám phá trong những năm gần đây. “Cồn Chim, là nơi cư trú của nhiều loài chim. Vào lúc hoàng hôn, chừng 5 - 6 giờ, những đàn chim bắt đầu trở về, kết thúc một ngày đi kiếm ăn nơi tứ xứ”, anh Trung chia sẻ về “thắng cảnh” Cồn Chim lúc chiều tà.
“Thắng cảnh” Cồn Chim là nơi để các loài chim tìm đến sinh sống và trú ngự
Cũng theo anh Trung, cây xanh, không khí mát mẻ, trong lành mà những gì mà cư dân và du khách cảm nhận được hôm nay là bởi sự tác động của những cánh rừng ngập mặn. Ngoài nỗ lực trồng và bảo vệ của người dân chúng tôi, cũng phải kể đến công ơn của nhân viên Ban quản lý Khu bảo tồn Cồn Chim (nay Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật). Tất cả mọi người tốn rất nhiều công sức và tâm huyết, phải trồng và dặm đi, dặm lại, có gốc thậm chí phải dặm hàng chục lần. Nay rừng Cồn Chim nhiều gốc cây đước, cây bần.. rất to nên mới chống lại những trận cuồng phong của mùa gió chướng.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, Cồn Chim giờ đây là nơi để phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn, khu sinh thái ngập mặn được chia ra nhiều khu vực chức năng như: khu nuôi sinh thái kết hợp trồng rừng ngập mặn, khu bảo tồn cỏ biển, khu sân chim, khu nuôi động vật thân mềm…, có diện tích khoảng 500 ha. Riêng hệ thực vật đã có khoảng 25 loài, nằm trong các dải rừng ngập mặn nguyên sinh và tái sinh. Những cây sú, vẹt, đước, bần… cùng với các loài cỏ biển, rong biển ở đây đang ngày càng hồi phục và phát triển. Hệ động vật cũng rất phong phú, với khoảng 64 loài phù du, 76 loài cá, hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư có 10 loài chim rừng. Rừng ngập mặn ở đây được các nhà khoa học xác định đã có hàng trăm năm tạo thành một hệ sinh thái thực vật đa dạng, môi trường sống trong lành cho các loài thủy sản như tôm, cua, cá trú ẩn, sinh sôi, nảy nở.
PHAN HIẾU