Ninh Thuận:

Trồng măng tây xanh ở xã An Hải giúp đồng bào Chăm thoát nghèo

XUÂN HƯỚNG

VHO - Mô hình trồng măng tây xanh với vai trò chủ lực của Hợp tác xã (HTX) ở 2 thôn Tuấn Tú và Nam Cương, xã An Hải, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho đồng bào Chăm, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Trồng măng tây xanh ở xã An Hải giúp đồng bào Chăm thoát nghèo - ảnh 1
Cánh đồng măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước

Thôn Tuấn Tú và Nam Cương (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) là 2 thôn thuần đồng bào dân tộc Chăm, đồng thời cũng là nơi cư trú tập trung của 90% người Chăm của xã. Trước kia nơi đây vốn là vùng đất cát khô hạn, bạc màu, canh tác khó khăn, người dân chỉ trồng các loại rau: cà rốt, cải, hành tím… năng xuất không cao.

Với mục tiêu chuyển đổi cây trồng, tạo đột phá phát triển kinh tế, năm 2010, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận phối hợp các địa phương đưa giống măng tây xanh về trồng thí điểm ở các địa phương trong tỉnh.

Theo đó, UBND huyện Ninh Phước đã đưa cây măng tây xanh về trồng thí điểm tại 2 thôn Tuấn Tú và Nam Cương, xã An Hải. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, UBND huyện Ninh Phước đã hỗ trợ người dân mua hạt giống, vật tư và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây măng tây xanh cho các hộ dân tại 2 thôn Tuấn Tú, Nam Cương. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ trồng thí điểm 1.000m2, và diện tích trồng măng tây được nhân rộng lên từng năm.

Trồng măng tây xanh ở xã An Hải giúp đồng bào Chăm thoát nghèo - ảnh 2
Măng tây xanh giúp người dân ở xã An Hải thoát nghèo

Là một trong những hộ dân đồng bào Chăm có thu nhập khá nhờ mạnh dạn đi đầu trồng cây măng tây xanh ở thôn Tuấn Tú, ông Từ Văn Hay cho biết: Nhiều năm trước, bà con chỉ biết trồng rau màu, cây lạc chứ chưa biết cây măng tây xanh là gì. Thời điểm đó, giá bán rau màu bấp bênh nên đời sống người dân rất khó khăn. Năm 2010, cây măng tây được trồng thí điểm và đến năm 2012, cây bắt đầu “bén duyên” và nhân rộng đến hôm nay đã trở thành cây làm giàu cho người dân cả xã.

Ông Hay cho biết thêm, ban đầu, ông đầu tư hơn 10 triệu đồng để trồng thử nghiệm một sào (1.000m2). Sau 8 tháng chăm sóc thì thu hoạch lần đầu từ 8-10kg/ngày. Thương lái đến tận vườn thu mua sản phẩm từ 50.000-60.000 đồng/kg, mỗi tháng thu nhập 15-20 triệu đồng. Thấy hiệu quả ông Hay tiếp tục phát triển trồng nhân rộng, nhờ đó đời sống gia đình được cải thiện. Từ sản xuất măng tây xanh đến nay, gia đình ông Từ Văn Hay đã có thu nhập ổn định, xây được nhà, mua được các vật dụng giá trị phục vụ sinh hoạt...

Trồng măng tây xanh ở xã An Hải giúp đồng bào Chăm thoát nghèo - ảnh 3
Chăm sóc măng tây xanh

Là người thành công nhất trong việc phát triển mô hình trồng măng tây ở xã An Hải, ông Hùng Ky cho biết: Năm 2010, gia đình tôi trồng thử nghiệm 4 sào (4.000m2) măng tây xanh. Sau 8 tháng, măng tây xanh bắt đầu cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày khoảng 5 kg/sào. Từ năm thứ hai trở về sau, năng suất liên tục nâng cao, bình quân thu hoạch mỗi ngày từ 8-10 kg/sào, cho năng suất từ 12-14 tấn/năm. Sản phẩm được Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đến thu mua tận vườn với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg (loại 1) và từ 35.000 đến 45.000 đồng/kg (loại 2).

Thấy cây sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, ông Hùng Ky dần mở rộng diện tích lên 2,4 ha và đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống nước tưới nước phun mưa tiết kiệm, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng. Cũng từ đó, nhiều nông dân ở xã An Hải mạnh dạn đầu tư bằng cách tự đào giếng trên vùng đất khác rồi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và nhân rộng diện tích cây “rau vua” dần thay thế nhiều loại cây trồng kém hiệu quả trước đây như: lạc, hành tím, cải trắng.

Trồng măng tây xanh ở xã An Hải giúp đồng bào Chăm thoát nghèo - ảnh 4
Thu hoạch măng tây xanh hàng ngày và cho người dân mức thu nhập khá

Để phát triển măng tây xanh quy mô, năm 2016, ông Hùng Ky đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú với 13 thành viên, canh tác trồng măng tây xanh trên tổng diện 5 ha.

Đến nay, tập thể đã phát triển lên hơn 55 ha với hơn 85 hộ thành viên đồng bào Chăm tham gia sản xuất. Các nông hộ canh tác măng tây xanh bằng các biện pháp hữu cơ, từ bón phân đến phòng trừ nấm bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng mô hình tưới phun tiết kiệm nước.

Với kinh nghiệm hơn chục năm trồng măng tây xanh, nhận thấy tính hiệu quả về kinh tế và sự thích ứng của loại cây này, ông Hùng Ky nhận định: Măng tây xanh mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, với giá thu mua trung bình 50.000 đồng/kg, mỗi ha măng tây xanh trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân xã An Hải thay đổi đáng kể, thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ loại cây trồng này.

Trồng măng tây xanh ở xã An Hải giúp đồng bào Chăm thoát nghèo - ảnh 5
Măng tây xanh là cây "rau vua" đang được thương lái đặt mua ở xã An Hải

Ông Hồ Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Cây măng tây xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân tộc Chăm vươn lên thoát nghèo. Nhờ hiệu quả của cây măng tây xanh, đồng bào Chăm xã An Hải có thu nhập bình quân trên 52 triệu đồng/người/năm.

Theo ông Hồ Thanh Phong, sản xuất măng tây xanh được thực hiện từ nguồn vốn của Uỷ ban MTTQ VN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và nguồn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Hiện nay, xã An Hải là địa phương trồng măng tây lớn nhất tỉnh, với tổng diện tích trồng lên tới 121 ha, trong đó Hợp tác xã Tuấn Tú là 55,6 ha. Hiện toàn xã có 20 hộ nghèo, chiếm 0,38%; và 75 hộ cận nghèo. Theo kế hoạch địa phương sẽ nhân rộng diện tích trồng măng tây xanh lên khoảng 150 ha, giải quyết việc làm cho hàng trăm hộ gia đình, người dân đồng bào Chăm, người nghèo trên địa bàn.