“Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật”

VHO- Chiều ngày 10.1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai mạc không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” tại nhà Tế Tửu, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Sự kiện nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của vị vua yêu nước này (1944- 2023).

“Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” - Anh 1

Một góc không gian trưng bày "Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật" tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

 

Không gian trưng bày giới thiệu đến công chúng về cuộc đời, sự nghiệp và di sản nghệ thuật của vị vua yêu nước và là nghệ sỹ tài hoa qua những hình ảnh của vua Hàm Nghi từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp, giai đoạn lưu đày tại Alger. Đồng thời, triển lãm giới thiệu về 31 bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng do nhà vua sáng tác ở Alger (nước Algeria). Trong đó, có bức tranh gốc có giá trị nghệ thuật do vua Hàm Nghi sáng tác trong giai đoạn 1900- 1903 khi ông đang bị lưu đày ở Alger. Tác phẩm được một cá nhân giấu tên ở Pháp hiến tặng. Đó là bức tranh Lac des Alpes (tạm dịch : Hồ trên dãy núi An-pơ), với chất liệu sơn dầu trên vải, có kích thước 27,5cm x 40,5cm. Tác phẩm đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu nghệ thuật và công chúng quan tâm tìm hiểu.

“Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” - Anh 2

Bức tranh gốc Lac des Alpes (tạm dịch: Hồ trên dãy núi An-pơ) được vua Hàm Nghi sáng tác trong giai đoạn 1900- 1903

 

Ngoài nội dung trưng bày trực quan, du khách còn được tìm hiểu, khám phá thông qua thiết bị trình chiếu cảm biến không dây, sách tương tác giới thiệu các thông tin, hình ảnh, video clip giới thiệu về cuộc đời của vua Hàm Nghi.

Cũng trong cùng ngày, tại  di tích Nhà hát Duyệt Thị Đường (khu di sản Hoàng Cung Huế), cũng đã tổ chức buổi giới thiệu về “Cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi” do TS.Amandine Dabat (quốc tịch Pháp) làm diễn giả. Bà Amandine Dabat là nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, đồng thời là hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi. TS. Amandine Dabat đã cung cấp và bổ sung đến công chúng nhiều thông tin riêng tư và thú vị về cuộc đời của cựu hoàng Hàm Nghi trong thời gian lưu đày, góp phần làm phong phú cho nguồn tư liệu lịch sử về vị vua thứ 8 của triều Nguyễn.

“Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” - Anh 3

Buổi giới thiệu về cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi của TS. Amandine Dabat nhận được sự quan tâm của nhiều người

 

Chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra nhiều cơ hội giao giao lưu văn hoá và đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với đối tác Pháp, đặc biệt năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, cũng như kỷ niệm 10 năm thiết lập đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp.

Dịp này, bà Amandine Dabat cũng đã hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chiếc ống điếu của vua Hàm Nghi, với mong muốn hiện vật quý này sẽ được trưng bày, giới thiệu đến công chúng tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.. Đây là hiện vật được vua Hàm Nghi đem theo và sử dụng trong suốt thời gian bị lưu đày.

“Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” - Anh 4

Bà Amandine Dabat trao tặng chiếc ống điếu của vua Hàm Nghi cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế

 

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, trung tâm đang có những trao đổi hợp tác chặt chẽ với TS. Amandine Dabat để chia sẻ và tiếp nhận lưu trữ nhiều dữ liệu gốc, dữ liệu điện tử quan trọng liên quan đến vua Hàm Nghi và một số nội dung hợp tác có ý nghĩa đặc biệt trong thời gian tới. Trung tâm cũng đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh các hoạt động trao đổi hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp tại Aix en Provence, các bảo tàng, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và chuyên gia bảo tồn tại Pháp nhằm trao đổi và tìm kiếm nguồn tư liệu lịch sử quan trọng liên quan đến triều Nguyễn phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và trùng tu di tích Huế sắp tới.

Tin, ảnh: S.THÙY

Ý kiến bạn đọc