Trùng tu, tôn tạo di tích: Đừng để “sai một ly, đi một dặm”

VHO- Mặc dù đã liên tục cảnh báo nhưng tình trạng xâm phạm di tích trong hoạt động trùng tu tu bổ, tôn tạo dẫn đến nhiều thiết chế văn hóa cổ xưa bị biến dạng và đứng trước nguy cơ đánh mất những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật lâu đời vẫn đang diễn ra. Nhiều vụ việc cho thấy, không chỉ tiếp tục nâng cao vai trò của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mà vấn đề nhận thức, đồng hành một cách chuẩn mực từ cộng đồng cũng được đặt ra cấp thiết.

Trùng tu, tôn tạo di tích: Đừng để “sai một ly, đi một dặm” - Anh 1

Đình Lương Xá (Hà Nội) 300 tuổi trước khi bị “hô biến” thành công trình bê tông

 GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nói, trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống ngày càng được nâng cao, nhiều nơi muốn trùng tu, sơn sửa lại các di tích như đình, đền, chùa… Nhưng không ít trường hợp có tâm lý thích làm gì thì làm, cộng với việc thiếu kiến thức, hiểu biết, thiếu kinh nghiệm cơ bản về trùng tu di tích, dẫn đến việc nhiều công trình đã biến dạng hoàn toàn sau khi được trùng tu, tu bổ.

Những hối tiếc muộn màng

Cầu Ngói Nam Định sau những nỗ lực phục hồi nguyên trạng đến nay đã tạm ổn. Thế nhưng đằng sau đó vẫn là những lo lắng về sự biến dạng của di tích với kiểu trùng tu tùy tiện như thế này. Sự xuống cấp sau hơn 300 năm tồn tại đặt ra vấn đề phải trùng tu di tích cầu Ngói. Nguồn kinh phí Nhà nước cấp không đủ để trùng tu toàn bộ các hạng mục, dẫn đến việc cộng đồng thôn Thượng Nông phải quyên góp, tổ chức thực hiện trùng tu với nhiều hạng mục như làm mới da tường, quét sơn giả đá, xây mới bậc thềm, kè bờ sông... Tuy nhiên, sau khi trùng tu, dư luận lên tiếng bức xúc trước hình hài di tích biến dạng. BQL Di tích và danh thắng tỉnh Nam Định đã yêu cầu địa phương phải chỉnh sửa, phục hồi nguyên trạng. Điều đáng nói trong sự việc lần này là trước khi tham gia trùng tu di tích cầu Ngói, địa phương chưa tham khảo cơ quan chuyên môn, cũng chưa xin phép cấp có thẩm quyền mà làm theo kiểu tự phát...

Trùng tu, tôn tạo di tích: Đừng để “sai một ly, đi một dặm” - Anh 2

 Các chuyên gia đánh giá mức độ tái sử dụng cấu kiện gỗ ở đình Đồng Kỵ

Liên quan đến sự việc, lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Nam Định nhìn nhận, việc cộng đồng tham gia bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích cần được khuyến khích. Tuy nhiên, việc trùng tu, sửa chữa ra sao thì phải tham khảo cơ quan chuyên môn và phải được phép của cấp có thẩm quyền. Di tích cầu Ngói bị biến dạng nhiều sau trùng tu đã buộc Sở phải chỉ đạo các bên liên quan sửa chữa, khôi phục lại theo hồ sơ di tích...

Chuyện ở di tích cầu Ngói không phải hiếm xảy ra. Mới cuối tuần qua, các chuyên gia Cục Di sản văn hóa đã cùng với BQL Di tích tỉnh Bắc Ninh xuống hiện trường trùng tu di tích đình Đồng Kỵ để cùng địa phương tìm giải pháp tái sử dụng những cấu kiện gỗ cũ có chạm khắc nghệ thuật. Hiện tòa Đại bái của di tích quốc gia đình Đồng Kỵ đã cơ bản dựng xong phần khung gỗ, trong đó đa phần sử dụng những cấu kiện gỗ mới, không hề có dấu ấn văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc của một ngôi đình cổ có tuổi đời 300 năm. Câu chuyện cũng đáng nói ở đây là cộng đồng địa phương vẫn cho rằng, do ngôi đình cũ được làm bằng vật liệu gỗ xoan, có tuổi thọ đã 300 năm nên bị mục ải, xuống cấp, không còn khả năng tái sử dụng. Một khoản kinh phí không nhỏ đã được đầu tư để làm mới lại di tích mà ở đó, không có các đường nét chạm trổ hoa văn, thể hiện nét tinh tế tài hoa của người xưa.

GS.TS Trương Quốc Bình còn nhắc lại vụ việc tu bổ ở đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội cũng đã từng là đề tài nóng trong dư luận gần 2 năm trước. “Một công trình với những mảng chạm tuyệt đẹp, được xem như đỉnh cao về kiến trúc nghệ thuật thời xưa, bỗng chốc bị phá đi để thay vào đó một công trình kiến trúc bê tông. Chúng ta đã có quá nhiều bài học đáng tiếc vì trùng tu mà không hiểu biết, tùy tiện, để rồi trở thành những hối tiếc quá muộn màng...”, GS Trương Quốc Bình nói.

Giải pháp không cũ: Tuyên truyền, vận động

Theo ông Trương Quốc Bình, ở nhiều nơi hiện nay, những người đại diện cộng đồng tham gia việc trùng tu các di tích phần lớn thuộc thế hệ người cao tuổi, không am tường về di sản văn hóa cũng như kiến thức khi trùng tu di tích, cộng thêm tâm lý đám đông..., dẫn đến nhiều sự vụ mà khi sự đã rồi, việc phục hồi nguyên trạng là điều không thể.

Trùng tu, tôn tạo di tích: Đừng để “sai một ly, đi một dặm” - Anh 3

 “Hiện đại hóa” làm biến dạng di tích ở cầu Ngói chợ Thượng (Nam Định)

Chưa kể, với chủ trương khuyến khích xã hội hóa, thu hút các “Mạnh Thường Quân” tham gia trùng tu di tích cũng dẫn đến tình trạng cộng đồng tùy tiện làm theo ý mình hoặc theo ý nhà tài trợ. “Chúng ta khuyến khích xã hội hóa, thúc đẩy các “Mạnh Thường Quân” tham gia công tác bảo tồn, trùng tu di tích nhưng bên cạnh đó, cần thiết phải hướng dẫn, vận động, tuyên truyền nhân dân, tránh tình trạng tùy tiện, muốn làm gì thì làm như đã từng xảy ra ở các di tích trong thời gian qua...”, GS Trương Quốc Bình lưu ý.

Tuyên truyền, vận động để cộng đồng thấu hiểu và nâng cao nhận thức về những nguyên tắc trong bảo vệ, trùng tu di tích, theo các chuyên gia di sản, luôn luôn là giải pháp chưa bao giờ cũ. Đối chiếu với sự việc vẫn đang nóng tính thời sự ở di tích quốc gia đình Đồng Kỵ, theo đại diện Cục Di sản văn hóa, cùng với việc hỗ trợ địa phương và cộng đồng đánh giá lại mức độ xuống cấp, khả năng tái sử dụng của những cấu kiện gỗ đưa vào di tích đang trùng tu, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các nhà chuyên môn cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc vận động, tuyên truyền nhân dân trong quá trình tu sửa di tích. Sự tham gia của cộng đồng là cần thiết, nhưng cùng với đó phải là sự đồng thuận và đồng hành một cách chuẩn mực, tránh tình trạng trùng tu, tu sửa nhưng phá hỏng di tích. Với trường hợp ở đình Đồng Kỵ, Cục Di sản văn hóa đề nghị chính quyền địa phương, BQL di tích cần tuyên truyền, vận động, thuyết phục dân làng cùng thấu hiểu, đồng cảm và chung tay để công trình quan trọng này giữ lại được hồn cốt 300 năm qua thông qua những mảng chạm khắc nghệ thuật trên các cấu kiện gỗ. Bởi, đó là những dấu ấn vật chất minh chứng cho tuổi đời và lịch sử của làng nghề mà những ngôi đình mới được dựng lên, dù với nhiều chục tỷ đồng cũng không thể thay thế. 

 Khi đó có xảy ra sự tùy tiện, biến dạng di tích thì cũng là chuyện đã rồi, không sửa chữa được, mà sửa cũng khó về nguyên trạng. Cho nên, chính quyền địa phương cần đổi mới phương thức quản lý, sát sao và tích cực hơn. Đành rằng cần thúc đẩy xã hội hóa, phát huy sự năng động của cộng đồng trong bảo tồn di tích nhưng xã hội hóa và vai trò đó của cộng đồng vẫn không thể thoát ra khỏi sự kiểm soát của cơ quan quản lý...

(GS.TS TRƯƠNG QUỐC BÌNH)

 

 HOÀNG NGÂN

Ý kiến bạn đọc