Thay đổi thời gian đấu giá ấn “Hoàng đế chi bảo” mang lại điều gì?

VHO- Hãng Millon (Pháp) vừa có thông báo điều chỉnh thời gian tổ chức đấu giá kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn Việt Nam chỉ với lý do “Chính phủ Việt Nam đang quan tâm”. Cổ vật này đang nhận được sự quan tâm lớn của giới nghiên cứu, sưu tầm cũng như các cơ quan quản lý văn hóa.

Thay đổi thời gian đấu giá ấn “Hoàng đế chi bảo” mang lại điều gì? - Anh 1

 Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” triều Nguyễn được hãng Millon (Pháp) rao bán đấu giá Ảnh: MILLON

 Theo đó, thay vì phiên đấu giá sẽ được tổ chức tại Paris (Pháp) vào ngày hôm nay 31.10 thì đã được nhà đấu giá Millon chính thức thông báo điều chỉnh thời gian tổ chức vào 12h trưa ngày 10.11 sắp tới. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm và cộng đồng đang rất quan tâm về cuộc đấu giá này.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam thông tin, Hội đồng với tư cách là hậu duệ của vương triều Nguyễn đã có văn bản gửi đến những người phụ trách của hãng đấu giá Millon để yêu cầu dừng tổ chức cuộc đấu giá kim ấn “Hoàng đế chi bảo”. Cụ thể, văn bản của Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam được gửi đến email của 4 người, gồm: Tahei Chang, Giám đốc nghệ thuật châu Á, chuyên gia về nghệ thuật Việt Nam, giám định viên; ông Jean Gauchet, Giám định viên chuyên về nghệ thuật châu Á; ông Alexandre Millon, Chủ tịch Công ty đấu giá Millon và ông Pélage de Coniac, Phó Giám đốc Công ty đấu giá Millon.

“Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên, đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường cuộc chiến chống buôn bán các hiện vật văn hóa từ năm 2005, chúng tôi cho rằng, chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” là quốc bảo truyền đời vua này sang đời vua khác của vương triều Nguyễn suốt gần 200 năm nay, đã được ghi vào sử sách (như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ). Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bảo vật quốc gia Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường”, văn bản của Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc viết. Ngoài Hội đồng Trị sự Nguyễn Phước tộc, Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Huế cũng có văn bản gửi ông Jean Gauchet, Giám định viên của Millon, đề nghị hủy bỏ cuộc đấu giá của 2 hiện vật: kim ấn “Hoàng đế chi bảo” triều Nguyễn và bát vàng của vua Khải Định.

Thay đổi thời gian đấu giá ấn “Hoàng đế chi bảo” mang lại điều gì? - Anh 2

Theo nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm thì để “hồi hương” được cổ vật kim ấn nói trên không phải là chuyện đơn giản, ngoài sự vào cuộc của ngành văn hóa và ngoại giao mà còn cần sự chung tay của các cá nhân, đơn vị có nguồn lực kinh tế để đàm phán, thương lượng nhằm có thể mua lại hiện vật trước khi cuộc đấu giá diễn ra với giá tốt nhất. Trước đó, nhiều cổ vật quý của triều Nguyễn khi đưa ra đấu giá ở nước ngoài cũng đã được nhiều cá nhân, tổ chức doanh nghiệp tham gia và mua được, rồi “hồi hương” về Việt Nam. Mới đây nhất là, cuối năm 2021, tập đoàn Sunshine đã tham gia đấu giá mua được cổ vật mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình ở Tây Ban Nha; hay cộng đồng kiều bào, các doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí cho việc đấu giá mua lại chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) do nhà đấu giá Rouillac (Pháp) tổ chức phiên đấu giá vào năm 2014…

Trao đổi với Văn Hóa ngày 30.10, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị đang quản lý hệ thống quần thể di tích triều Nguyễn tại Huế, cho biết phiên đấu giá kim ấn triều Nguyễn vượt ra ngoài khả năng của đơn vị, song trung tâm luôn theo dõi thông tin về vụ đấu giá này, kịp thời cung cấp các thông tin liên quan đến Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), nhằm có những giải pháp phù hợp với kỳ vọng “hồi hương” được cổ vật kim ấn triều Nguyễn. Việc hãng Millon thay đổi thời gian tổ chức phiên đấu giá kim ấn “Hoàng đế chi bảo” có thể cũng là cơ hội để các tổ chức, đơn vị, nhà sưu tầm của Việt Nam có thời gian để chuẩn bị về thủ tục, nguồn lực nhằm tiếp cận và tham gia. 

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc