Sẽ là cuộc gặp ấn tượng của những "kho báu di sản"
VHO- Ngày 23.3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc về công tác tổ chức Liên hoan thực hành, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Nhất năm 2023. Đồng chủ trì có Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận cuộc họp
Cùng tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng; lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cùng đại diện các cơ quan, đơn vị chức năng của địa phương.
Lãng du qua các miền di sản
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2023, chúng ta tiếp tục triển khai có chiều sâu kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa. Trong đó, nội hàm quan trọng là tôn vinh giá trị các di sản văn hóa, nguồn tài nguyên vô giá đã được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, phát huy. Trong bối cảnh hôm nay, nhiệm vụ bảo tồn, tôn vinh giá trị các di sản cũng đang được đặt ra đối với các cấp, ngành, các địa phương, nơi lưu giữ, thực hành những di sản văn hóa của dân tộc.
Nghệ nhân trình diễn cồng chiêng
“Liên hoan thực hành, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam là hoạt động điểm nhấn trong chuỗi hoạt động được Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023. Đặc biệt, sự kiện này nhân lên nhiều ý nghĩa khi được tổ chức gắn với dấu mốc kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định. Trên vùng đất Tổ những ngày này sẽ diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm với tầm vóc, quy mô lớn. Cùng với lễ Giỗ Tổ Hùng Vương do tỉnh Phú Thọ tổ chức, Liên hoan thực hành, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh sẽ là cuộc hội tụ quy mô hiếm có từ trước đến nay của những “kho báu di sản”. Về miền đất Tổ, du khách trong nước và quốc tế có cơ hội lãng du qua những miền di sản, được chiêm ngưỡng và trải nghiệm với những giá trị độc đáo, có một không hai của những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trên dải đất hình chữ S.
Hội nghị quốc tế dự kiến với chủ đề “Diễn đàn du lịch, văn hóa, di sản và sự phát triển bền vững” cũng được đặt nhiều kỳ vọng sẽ là diễn đàn thiết thực, nơi các diễn giả và các nhà khoa học quốc tế cùng chia sẻ góc nhìn, kinh nghiệm về phát huy giá trị di sản, văn hóa kết nối với phát triển du lịch, tạo sức mạnh cho sự phát triển tổng thể, bền vững. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang cho biết, Liên hoan thực hành, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam là sự kiện điểm nhấn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chuỗi các hoạt động phong phú được Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay. “Tỉnh Phú Thọ đã chủ động đưa nội dung Liên hoan vào kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện nhân dịp Giỗ Tổ, với tên gọi Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023”, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang cho biết.
Tôn vinh những giá trị di sản truyền thống, Liên hoan thực hành, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc, triển khai các định hướng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021: “Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”.
Các nghệ sĩ trình diễn đờn ca tài tử
Đảm bảo các yếu tố gốc của di sản
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh cùng hội tụ, lan toả giá trị trên không gian văn hóa ở vùng đất Tổ. Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương để xây dựng kế hoạch, nội dung và lộ trình thực hiện những công việc chuẩn bị Liên hoan thực hành, trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt quan trọng này.
Theo Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, Liên hoan là hoạt động thiết thực nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, việc tổ chức Liên hoan, hội thảo nhân kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là những hoạt động ý nghĩa nhằm đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể và hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản sau khi được UNESCO ghi danh. Các hoạt động này cũng là dấu ấn thể hiện nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 đối với việc nghiên cứu, kiểm kê, nhận diện, thực hành, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh.
Liên hoan thực hành, trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh của Việt Nam lần thứ nhất dự kiến khai mạc ngày 21.4 tại Quảng trường Hùng Vương (TP Việt Trì, Phú Thọ). Tham gia liên hoan có các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể các di sản văn hóa phi vật thể từ nhiều địa phương trong cả nước. Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thuỷ cho biết, dự kiến sẽ có 15 không gian di sản được tạo dựng để cộng đồng chủ thể di sản trình diễn, thực hành, tạo sức lan toả những giá trị độc đáo của di sản tới công chúng.
Các “nghệ nhân” nhí trình diễn Hát Xoan
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, chuỗi sự kiện văn hóa được tổ chức tại Phú Thọ trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay không chỉ có nhiều điểm mới mà đặc biệt ý nghĩa về quy mô, tầm vóc cũng như sức lan toả của sự kiện. Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là dấu mốc quan trọng, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh trong dịp này tiếp tục được tôn vinh, lan toả và phát huy giá trị, khẳng định vị thế cội nguồn văn hóa, sức mạnh tinh thần của dân tộc. Cùng với đó, Hội thảo quốc tế cũng là nơi quy tụ tiếng nói của các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp…, cùng nghiên cứu trao đổi, tìm kiếm cơ hội kết nối, phát huy sức mạnh liên kết giữa văn hóa, di sản và du lịch.
“Không gian mở tại Quảng trường Hùng Vương và di tích lịch sử đền Hùng là nơi sẽ diễn ra các hoạt động ý nghĩa này. Đó cũng là không gian để 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh cùng hội tụ, toả sáng, tạo nên những dấu ấn của niềm tự hào văn hóa truyền thống, tạo sức lan toả đến công chúng trong nước và bạn bè quốc tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Bộ trưởng cũng lưu ý, cần hết sức quan tâm sản phẩm đầu ra từ chuỗi hoạt động này, từ đó góp phần nâng tầm vị thế của di sản, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản nhằm nâng cao nhận thức, kinh nghiệm quản lý, phát huy giá trị của các di sản văn hóa trong đời sống, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. “Những sự kiện văn hóa lớn được tổ chức và tạo sức lan toả cũng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tạo lực hút với khách du lịch quốc tế và nội địa, phấn đấu tăng cao lượng khách đến với Phú Thọ…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng lưu ý, để những hoạt động tôn vinh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực sự hiệu quả, các cơ quan chức năng của Bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương có di sản để rà soát, đảm bảo yếu tố nguyên gốc, bản sắc của từng di sản khi thực hành, trình diễn trong cuộc hội tụ ý nghĩa này. Tỉnh Phú Thọ và các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục phối hợp, xây dựng kế hoạch tổng thể và chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện. Công tác truyền thông cũng cần được đẩy mạnh trước, trong và sau sự kiện nhằm tạo sức lan tỏa về ý nghĩa của chuỗi hoạt động.
Thông qua các hoạt động tôn vinh, quảng bá di sản nhằm nâng cao nhận thức, kinh nghiệm quản lý, phát huy giá trị của các di sản văn hóa trong đời sống, để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Những sự kiện văn hóa lớn được tổ chức và tạo sức lan toả cũng góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tạo lực hút với khách du lịch quốc tế và nội địa, phấn đấu tăng cao lượng khách đến với Phú Thọ… (Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG) |
PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN