Ra mắt CLB Di sản Áo dài Việt Nam: Nhân lên tình yêu với tà áo quê hương
VHO- Phát biểu tại lễ ra mắt CLB Di sản Áo dài Việt Nam (thuộc Quỹ hỗ trợ Bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam), bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam cho biết, ngay sau khi ra mắt, CLB sẽ triển khai nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, lan toả và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc thông qua hình ảnh tà áo dài- trang phục mang ý nghĩa quốc phục trong tâm thức người Việt.
Các thành viên CLB Di sản Áo dài Việt Nam tại buổi lễ ra mắt
Chiều 28.12, CLB Di sản Áo dài Việt Nam chính thức ra mắt tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ, áo dài Việt Nam tượng trưng cho sự thuần khiết, giản dị nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa. Tà áo dài truyền thống được người Việt Nam bảo tồn, phát huy qua nhiều thời kỳ, trân trọng truyền lại cho thế hệ mai sau. Áo dài cũng là biểu tượng văn hoá, minh chứng cho sự trường tồn với thời gian, tồn tại với ý nghĩa là bộ quốc phục trong tâm thức người Việt.
Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với di sản văn hoá; PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam; Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm và Ban chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam tại lễ ra mắt CLB
“CLB Di sản Áo dài Việt Nam là thành viên trực thuộc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hoá Việt Nam, ra đời với mong muốn lan toả và góp phần bảo tồn nét văn hoá truyền thống của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào khi khoác trên mình những tà áo tôn lên nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam nhấn mạnh, CLB Di sản Áo dài Việt Nam ra đời với sứ mệnh lan tỏa và bảo tồn nét văn hóa trên bộ quốc phục của dân tộc, góp phần xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đánh giá cao sáng kiến thành lập CLB Di sản Áo dài Việt Nam
Phát biểu tại lễ ra mắt, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đánh giá cao sáng kiến thành lập CLB Di sản Áo dài Việt Nam, thuộc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam.
“Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam là cơ quan có nguồn lực lớn nhất trong nhiệm vụ huy động vốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Sự ra đời của Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa hoạt động của Quỹ, bởi di sản áo dài là một bộ phận của di sản dân tộc,” ông Đỗ Văn Trụ chia sẻ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với di sản văn hoá
PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, dù chưa chính thức được ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại nhưng bấy lâu, hình ảnh tà áo dài đã không chỉ là niềm tự hào riêng có của người Việt mà còn là biểu tượng văn hoá Việt Nam được thế giới quan tâm, yêu thích.
Thời gian qua, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đã diễn ra chuỗi hoạt động có ý nghĩa thiết thực tôn vinh áo dài, gắn với tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Chính vì vậy, sự ra đời của CLB mang ý nghĩa lan toả nét đẹp văn hoá truyền thống qua biểu tượng áo dài nhận được sự ủng hộ lớn của những người quan tâm đến di sản cũng như mọi người dân Việt Nam.
Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Di sản Áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm phát biểu tại lễ ra mắt CLB Di sản Áo dài Việt Nam
Sự ra đời và các hoạt động được triển khai trong thời gian tới của CLB có ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO ghi danh Áo dài Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại
Với triển vọng phát triển lớn, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam cũng đề nghị CLB có một lộ trình hoạt động thiết thực, hiệu quả và rõ ràng để củng cố, lan tỏa tình yêu với tà áo dài Việt Nam. Từ đó, CLB sẽ góp phần xây dựng không gian văn hóa cho áo dài, tiến tới hoàn thiện hồ sơ đệ trình lên UNESCO để tôn vinh quốc phục Việt Nam.
Lan toả nét đẹp của tà áo dài Việt Nam truyền thống
“Hiệu quả hoạt động của CLB sẽ được đánh giá thông qua chuỗi hoạt động có ý nghĩa và tác động thiết thực đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá nói chung, di sản áo dài nói riêng. Vì vậy, CLB nên chọn việc, chọn điểm để tạo sức lan toả giá trị áo dài Việt tại nhiều tỉnh, thành, nhân lên tình yêu đối với di sản áo dài với mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ chia sẻ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cũng nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của sự ra mắt CLB Di sản Áo dài Việt Nam. Bà Liên cho biết, muốn hoàn thiện hồ sơ tôn vinh áo dài để trình UNESCO, đầu tiên áo dài phải trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phải là quốc phục về mặt văn bản pháp lý. Người Việt Nam không chỉ có một di sản vật thể là chiếc áo dài, mà cần phải có không gian văn hóa của áo dài, không gian nghề thủ công làm ra chiếc áo dài...
Tại buổi lễ ra mắt CLB Di sản Áo dài Việt Nam
Bà Đặng Thị Bích Liên kỳ vọng rằng CLB Di sản Áo dài Việt Nam sẽ góp phần tích cực trong việc hoàn thiện hồ sơ, bởi CLB có nhiều thành viên chủ chốt là những người tâm huyết, những chuyên gia về di sản như bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm CLB; TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam; bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài…
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, tới đây, CLB Di sản Áo dài Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó có việc phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc tôn vinh áo dài. Khác với các cuộc thi ảnh trước đây, Ban tổ chức sẽ không chỉ trao giải thưởng cho nhiếp ảnh gia xuất sắc mà còn tôn vinh cả những người mặc áo dài đẹp nhất trong các bức ảnh tham gia dự thi. Cuộc thi sẽ được phát động trong năm 2023, những tác phẩm chất lượng sẽ được lựa chọn trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
MINH NGỌC; ảnh: TRẦN HUẤN