Phát huy giá trị di sản thời Nguyễn vẫn còn nhiều thách thức
VHO- Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tại Hội thảo khoa học “Giá trị di sản văn hóa thời Nguyễn” được Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 31.10.
Du khách tham quan di tích Hiển Lâm Các, Thế Miếu, Đại Nội Huế
Nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm “hiến kế” để di sản văn hóa xứ Huế phát huy giá trị, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Đã ra khỏi “cứu nguy khẩn cấp”...
Vùng Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế có lịch sử lâu đời với hơn 700 năm hình thành và phát triển. Đây là nơi hội tụ, giao lưu, tiếp biến văn hóa lâu đời từ phương Bắc di cư vào, tiếp thu một số yếu tố văn hóa phương Nam bản địa, văn hóa Champa để tạo nên một bản sắc văn hóa riêng. Và đến nay, Thừa Thiên Huế đang “sở hữu” hệ thống di sản văn hóa đồ sộ (cả văn hóa vật thể và phi vật thể) mà các thời Nguyễn để lại, trong đó có nhiều di tích đã được thế giới vinh danh.
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT, thông tin rằng, công cuộc bảo tồn di sản văn hóa Huế đã đạt được những thành tựu to lớn mà nổi bật nhất là việc đưa Di sản Cố đô Huế từ tình trạng “cứu nguy khẩn cấp” sang thời kỳ “ổn định và phát triển bền vững”. Đã có khoảng 175 công trình di tích lớn nhỏ thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được đầu tư trùng tu, bảo tồn; cơ sở hạ tầng các khu di tích, tham quan được tu bổ hoàn nguyên và chỉnh trang đảm bảo môi trường cảnh quan; nghiên cứu, phục dựng nhiều nghi lễ, điệu múa cung đình, các tác phẩm âm nhạc cung đình triều Nguyễn... Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời Nguyễn ở Huế đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị chuyên môn chú trọng, tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa, góp phần giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân địa phương, phát triển kinh tế và tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, công tác khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Huế thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. TS Trần Đức Anh Sơn (Đại học Đông Á, Đà Nẵng), nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đã nêu những hạn chế về chính sách cũng như các hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa triều Nguyễn tại Huế như về nguồn nhân lực, nguồn tư liệu, công tác nghiên cứu, sưu tầm...; cũng như những bất cập, hạn chế trong việc bảo quản và trưng bày cổ vật, khó khăn nguồn kinh phí và thủ tục để mua lại các cổ vật quý. Nhiều chủ trương, chính sách của địa phương và đơn vị quản lý di sản tập trung ưu tiên cho khai thác di sản phục vụ du lịch hơn là dành nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn đúng nghĩa; thiếu chiến lược quản lý và khai thác di sản văn hóa một cách bền vững. Chưa quan tâm đến việc tập hợp các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tầm cổ vật ở Huế, vận động họ thành lập các hội, các tổ chức để nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn cổ vật và các di sản văn hóa như ở nhiều địa phương khác.
Tăng cường vai trò của người dân
Hiện nay, việc khai thác di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các lễ hội truyền thống để phục vụ hoạt động du lịch đang phổ biến. Tuy nhiên, không phải khi nào việc khai thác di sản văn hóa phi vật thể này cũng mang tính tích cực; ngược lại, do thiếu hiểu biết và xu hướng “thương mại hóa” hoạt động lễ hội nên đã ảnh hưởng tiêu cực đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản...
Nhiều món ăn truyền thống của xứ Huế, đặc biệt là ẩm thực cung đình triều Nguyễn nói riêng đã bị biến đổi do không tìm được nguồn nguyên liệu hoặc không có người chế biến theo lối xưa; thậm chí để kinh doanh, nhiều nơi đã “sáng tác” món ăn mới rồi gắn mác là ẩm thực cung đình Huế để phục vụ du khách. Theo TS Trần Đức Anh Sơn, hiện nay di tích Tàng Thơ Lâu đã được trùng tu nhưng hoạt động ở đây vẫn còn khiêm tốn, không thường xuyên và nguồn tư liệu triều Nguyễn còn ít ỏi. Cần xem xét nâng cấp phòng trưng bày tư liệu ở đây thành một “thư viện triều Nguyễn”, lưu trữ nguồn sử liệu dưới các hình thức khác nhau, phục vụ cho công tác nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Huế.
Đồng thời, cần tổ chức tổng kiểm kê di sản tư liệu thời Nguyễn hiện đang được lưu giữ trong cộng đồng, các thư viện tư nhân và tủ sách gia đình ở Huế để xây dựng một cơ sở dữ liệu về nguồn tư liệu này. Địa phương cũng cần có chính sách cho phép tư nhân và cộng đồng được gửi những tư liệu thời Nguyễn và các tư liệu quý hiếm khác vào các thư viện công lập có cơ sở vật chất và điều kiện bảo quản tốt hơn... PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, Đại học Khoa học Huế cho rằng, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế không được diễn ra thường xuyên, chủ yếu được tổ chức theo sự kiện. Ở Huế thiếu không gian phố cổ, đường đi bộ, nơi mà người dân tổ chức phục dựng các di sản ẩm thực, nghề thủ công, các loại hình ca múa nhạc, trò chơi dân gian như ở Hội An hay một số nước như Thái Lan, Myanmar đang làm.
“Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế cần coi trọng tính dân gian, bình dân. Bên cạnh các di sản cung đình, những di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thì cần chú trọng đến các di sản gắn với đời sống thường nhật của người dân Huế, như: Đình chùa, đền miếu, nhà vườn, phủ đệ, lễ hội, trò chơi dân gian, các nghề thủ công truyền thống... Tăng cường vai trò của người dân, sự tham gia và đồng thuận của nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh nêu đề xuất. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, làm rõ những giá trị tiêu biểu của văn hóa thời Nguyễn; phát huy giá trị to lớn của văn hóa Huế để phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa thời Nguyễn đối với quá trình hội nhập và phát triển...
Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh: Văn hóa là động lực và là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững đô thị Thừa Thiên Huế tương lai theo định hướng Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thừa Thiên Huế tự hào khi đang thay mặt nhân dân cả nước giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa đặc sắc của ông cha. Chính vì thế, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh nghiên cứu và giáo dục về di sản văn hóa thời Nguyễn và văn hóa Huế, lan tỏa sâu rộng cộng đồng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ...
Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế cần coi trọng tính dân gian, bình dân. Bên cạnh các di sản cung đình, những di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, thì cần chú trọng đến các di sản gắn với đời sống thường nhật của người dân Huế, như: Đình chùa, đền miếu, nhà vườn, phủ đệ, lễ hội, trò chơi dân gian, các nghề thủ công truyền thống... Tăng cường vai trò của người dân, sự tham gia và đồng thuận của nhân dân. (PGS.TS NGUYỄN VĂN MẠNH, Đại học Khoa học Huế) |
SƠN THÙY