Nghề làm xôi Phú Thượng (Hà Nội): Được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
VHO - Nghề làm xôi Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) vừa tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 344/QĐ-BVHTTDL ngày 16.2.2024 của Bộ VHTTDL. Trong niềm vinh dự và tự hào, nhiều nghệ nhân phường Phú Thượng đã không giấu nổi niềm hạnh phúc xen lẫn xúc động, bởi cả cuộc đời họ đã gắn bó với nghề nấu xôi, góp phần đưa xôi làng Phú Thượng trở thành thương hiệu ẩm thực của Hà Nội.
Lãnh đạo quận Tây Hồ đón nhận Quyết định nghề làm xôi Phú Thượng vào Danh mục di sản VHPVT quốc gia
Trong khuôn khổ lễ hội truyền thống xôi Phú Thượng (diễn ra từ ngày 17 - 19.2), quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tổ chức lễ công bố quyết định Nghề làm xôi Phú Thượng được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại buổi lễ, bà Bùi Thị Lan Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ bày tỏ lời cảm ơn đến Bộ VHTTDL; UBND thành phố Hà Nội, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đã tham gia xây dựng, hoàn thiện hồ sơ ghi danh, cũng như nhân dân phường Phú Thượng đã tâm huyết cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị, để nghề làm xôi tại phường Phú Thượng được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Đây là niềm tự hào của mỗi người dân Tây Hồ và nhân dân phường Phú Thượng nói riêng. Đi liền với đó là trách nhiệm, là sự nỗ lực không ngừng của tất cả chúng ta trong việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề xôi Phú Thượng, quận Tây Hồ”, bà Phương nhấn mạnh.
Nghề nấu xôi ở Phú Thượng không ai rõ có tự bao giờ, nhiều gia đình nấu xôi bán đến nay cũng đến 3-4 đời. Theo lời kể của các cụ cao niên Phú Thượng, trước đây, Phú Thượng có cánh đồng phù sa màu mỡ, dân làng trồng được giống lúa nếp thổi xôi dẻo thơm. Tuy nhiên do ruộng đất ít, phần lớn đồng ruộng chỉ cấy được một vụ mùa nên dân làng Phú Thượng phải kiếm sống thêm bằng các việc vớt củi trên sông Hồng, bổ củi thuê, làm các loại bánh trôi, bánh chay, xôi chè, rượu nếp và bánh đa kê, cho vào thúng đội lên đầu mang rao bán khắp thành Thăng Long - Kẻ Chợ. Khác với nhiều làng nghề truyền thống khác, dân làng thường được truyền nghề từ một vị tổ nghề nào đó, nghề nấu xôi ở Phú Thượng có nguồn gốc xuất phát từ chính tập quán ăn uống của người Việt và nhu cầu nâng cao đời sống của người dân. Thêm vào đó, với vị trí liền kề trung tâm Thăng Long - Kẻ Chợ, ban đầu một số người làng Phú Gia (nay là phường Phú Thượng) nấu xôi mang bán.
Xôi vốn là món ăn được coi là no lâu, chắc dạ, giá thành lại hợp lý nên được mọi người và phần lớn là dân lao động lựa chọn. Sau thấy làm ăn được nên cả làng đã đua nhau cùng làm. “Trăm hay không bằng tay quen” để có được những kinh nghiệm nấu xôi ngon và tạo nên thành thương hiệu làng nghề xôi Phú Thượng như ngày hôm nay phải trải qua rất nhiều thế hệ, trau dồi, đúc rút kỹ năng trong từng khâu đoạn chế biến để có xôi thành phẩm. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng (ở số nhà 1/180, phố Phú Thượng, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã có thâm niên 45 năm gắn bó với những gánh xôi len lỏi khắp phố phường Hà Nội. Bà Tuyến chia sẻ, để có được những thúng xôi ngon dẻo, nóng hổi mỗi sáng, người nấu xôi phải dậy làm hàng từ 2-3h sáng. Khi bán hết thì lại phải bắt tay vào ngâm gạo, đỗ, lạc, chiều lại xóc gạo, rửa lá, đãi đỗ… cho kịp buổi hàng hôm sau. Mỗi loại xôi cần kỹ thuật riêng về ngâm gạo, trộn nguyên liệu, điều chỉnh lửa khi nấu. Thậm chí, vo gạo cũng cần kỹ thuật để gạo không bị vỡ. Những dụng cụ truyền thống để nấu xôi, ủ xôi cũng là bí quyết gia truyền.
Nhiều gia đình ở Phú Thượng có 3-4 đời nấu xôi
Hiện nay phường Phú Thượng có hơn 600 hộ làm xôi. Xôi được người Phú Thượng mang đi bán khắp các quận, huyện, thị xã của Hà Nội, thậm chí có nhiều người mang nghề đi lập nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Ninh Bình, Bắc Ninh, Nha Trang, Sài Gòn,... và nhiều nơi khác. “Xôi Phú Thượng dễ dàng nhận ra bởi hạt xôi căng, bóng và ráo khi ăn thì dẻo, thơm dù để từ sáng đến chiều vẫn ngon, không bị khô, bị cứng. Thúng xôi của người Phú Thượng bán bao giờ cũng có từ 4 - 5 loại xôi phổ biến gồm: Xôi lạc, xôi gấc, xôi xéo, xôi ngô, xôi hoa cau và có thể thêm một số loại xôi khác như xôi đỗ đen, xôi vừng dừa, xôi hạt đen, vò gấc, vò gấc hạt sen, xôi ngũ sắc, bánh đa kê…”, chị Nguyễn Lan Anh (47 tuổi), thế hệ thứ 2 của gia đình nấu xôi làng Phú Thượng cho hay.
Xôi là lễ vật cúng tế không thể thiếu trong nhiều nghi lễ, nghi thức truyền thống của người Việt. Xôi cũng là món ăn nhanh, món ăn vặt, món ăn sáng, ăn đêm phổ biến trong đời sống hằng ngày của người dân, bởi sự tiện lợi, “chắc bụng” mà giá thành lại hợp lý. Nhưng xôi Phú Thượng đã được nâng lên “tầm cao” khi năm 2019, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu xôi Phú Thượng. Năm 2018, xôi Phú Thượng là một trong 12 món ẩm thực truyền thống của Hà Nội phục vụ Trung tâm Báo chí tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được giới thiệu đến với đông đảo đại biểu khách mời trong nước và quốc tế…
Xuất phát từ niềm đam mê, tình yêu nghề và sự khéo léo từ đôi bàn tay của người dân cùng nghệ nhân làng Phú Thượng đã tạo ra thành phẩm xôi Phú Thượng mang đậm nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Gánh xôi của các bà, các chị một thời không chỉ giúp mỗi gia đình người Phú Thượng vượt qua khó khăn mà còn tạo ra nhiều việc làm và làm giàu cho người dân. Hằng năm, lễ hội làng Phú Thượng được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng nhằm tưởng nhớ công ơn của thần Khai Nguyên; đồng thời là dịp để những người dân Phú Thượng lập nghiệp nơi xa quy tụ về làng, trình diễn những món xôi cổ truyền và cùng nhau ôn lại truyền thống nghề nấu xôi, tôn vinh nghề truyền thống của làng; góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của dân làng tới du khách gần xa.
QUỲNH HOA; ảnh: P.HÀ