Ngạc nhiên với ... cổng mới ở chùa Mía!

VHO- Nếu chỉ cần để ý một chút sẽ thấy một sự ngạc nhiên không hề nhỏ khi bên phải Tam quan di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Mía (tên chữ là Sùng Nghiêm tự) lộ diện một cổng ra vào với kiến trúc mới toanh và chẳng giống với thức truyền thống.

Ngạc nhiên với ... cổng mới ở chùa Mía! - Anh 1

 Cổng phụ chùa Mía mới được xây dựng khiến cho không gian, cảnh quan Tam quan chùa bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Cuối tuần qua chúng tôi hòa vào dòng du khách vào tham quan chùa Mía (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Đã từng nhiều lần đến thăm viếng chùa Mía, một ngôi cổ tự thâm nghiêm với kiến trúc nghệ thuật độc đáo nổi tiếng ở xứ Đoài, người viết không còn lạ lẫm với những nét riêng có, tụ chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nơi đây.

Trở ra, cũng như những lần trước chúng tôi dừng chân trước Tam quan để ngắm lại vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của công trình này, thì bất giác bắt gặp một hạng mục cổng với lối kiến trúc xa lạ, “huyền bí”, dường như mới được xây dựng cách đây không lâu. Cổng mới có kiểu dáng mái đao, bên trên làm khung gỗ, phía ngoài đổ cột trụ, dán gạch chỉ; mái ngói cũ, hai cánh cửa gỗ có đính nắm cửa hổ phù. Phía trên mái cổng treo ba cây đèn lồng. Đứng trước cổng mới của chùa Mía, thực sự chúng tôi không biết nó thuộc dòng kiến trúc nào. Nhiều người cũng dừng lại xem cổng, rồi thốt lên “đây như là cổng của ngôi biệt thứ chứ đâu phải cổng chùa”!

Ngạc nhiên với ... cổng mới ở chùa Mía! - Anh 2

 Cổng phụ chùa Mía (vòng tròn) trước khi bị đập bỏ, xây mới Ảnh tư liệu

Trò chuyện với một người bán hàng ở gần đó thì được biết, trước Tết vừa qua, nhà chùa thuê tốp thợ phá bỏ cổng cũ vì thấy nó không tương thích với không gian, cảnh quan của ngôi chùa, vả lại thấy nó cũng “xấu xấu” nên làm lại cho đẹp, “hoành tráng, ai nhìn vào cũng thích”. Lục lại trí nhớ cùng với tư liệu hình ảnh hiện tồn cho thấy, bên phải Tam quan chùa Mía vốn có một cổng nhỏ (tức cổng phụ) với dạng thức kiến trúc truyền thống, cánh cửa là những thanh thép được hàn xì và sơn đỏ. Cổng phụ này thường dùng vào mục đích ra vào hàng ngày của nhà chùa và du khách bởi Tam quan ít khỉ mở cửa trừ ngày tuần, lễ tết, hội hè và những ngày đầu xuân. Hơn nữa, cách đây khoảng nửa năm, khi lên làng cổ Đường Lâm để tiến hành khảo sát, điều tra một số ngôi nhà cổ để phục vụ cho công tác bảo tồn, chúng tôi có vào tham quan chùa Mía và vẫn còn thấy cổng phụ chùa với sự thâm trầm, cổ kính, chưa thấy dấu hiệu của sự xuống cấp, hay “xấu xấu” như người bán hàng gần đó thanh minh.

Vậy vì sao người ta lại đập bỏ cổng cũ (cổ) để xây lên một cổng mới với quy mô lớn hơn, kiểu dạng thì vô cùng lạ lẫm? Người bạn đồng hành của chúng tôi lần này là một cán bộ của Ban quản lý làng cổ Đường Lâm. Ông cho biết, nhà chùa đã có ý định tu bổ, tôn tạo cổng phụ chùa Mía từ lâu vì nhận thấy nó đã xuống cấp. Trước Tết nhà chùa quây bạt để tiến hành làm mới, còn thủ tục thì như thế nào không rõ. “Không biết các anh thấy thế nào, còn với riêng tôi cổng mới xây lại thấy nó xa lạ quá. Ngày nào đi làm qua đây tôi cũng thấy cổng phụ cũ đẹp hơn, phù hợp với không gian, cảnh quan Tam quan chùa”, vị cán bộ này chia sẻ. Sau đó chúng chúng tôi vào chùa hỏi thăm sư trụ trì xung quanh việc xây dựng mới cổng phụ. Nhà chùa cho biết, “mới làm trước Tết đấy. Vậy có đẹp không nhà báo?”...

Liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc thẩm định, thỏa thuận liên quan đến công tác tu bổ, tôn tạo di tích, chúng tôi được biết trong gần hai năm lại đây không có văn bản thẩm định, thỏa thuận tu bổ hạng mục công trình nào tại di tích chùa Mía. Khi được chúng tôi gửi những tấm ảnh vừa chụp tại cổng chùa Mía, vị cán bộ này cho biết “không ai lại đi làm mới cổng chùa như thế, mặc dù đây là cổng phụ. Đầu tuần sẽ cho cán bộ kiểm tra và sẽ chấn chỉnh”.

Ngạc nhiên với ... cổng mới ở chùa Mía! - Anh 3

Ngạc nhiên với ... cổng mới ở chùa Mía! - Anh 4

 Cổng phụ chùa Mía mới được xây dựng, nhìn từ ngoài vào (ảnh trên) và nhìn từ trong ra (ảnh dưới)

Theo một nguồn tin mà chúng tôi cũng vừa nhận được, khi hay tin nhà chùa đập bỏ cổng phụ cũ (cổ) để xây dựng cổng mới, cán bộ Phòng VHTT thị xã Sơn Tây có đến hiện trường dự định sẽ đình chỉ xây dựng. Nhưng vì lý do “tế nhị” bởi đây là thời điểm cận Tết, nếu đình chỉ để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định thì sẽ khiến công trình dang dở, ra xuân du khách thăm viếng lại đông... nên cứ để cho nhà chùa hoàn thiện, sau đó sẽ có báo cáo với cấp thẩm quyền sau. Khi được hỏi, “vậy những thủ tục cần thiết cho việc tu bổ, tôn tạo cổng phụ chùa Mía chưa được thực hiện?”, nguồn tin này cho hay, “đến nay vẫn chưa có văn bản thỏa thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền”.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về lịch sử, văn hóa cho biết: “Cổng phụ chùa Mía đã có từ lâu, là một trong những hạng mục quan trọng cấu tạo nên tổng thể chùa Mía. Hơn nữa, kiểu dáng kiến trúc cổng phụ chùa Mía là phù hợp, quy mô vừa phải, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhà chùa và du khách. Bây giờ xây dựng một cái cổng như thế là không thể chấp nhận được, cần trả lại cổng phụ đúng với kiểu dáng xưa cũ của nó”. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, có thể cổng phụ xuống cấp và có nguy cơ sụp đổ nên nhà chùa áp dụng tu bổ cấp thiết. Cho dù là tu bổ cấp thiết thì cũng phải thực hiện đúng quy định, hồ sơ thiết kế kỹ thuật phải được cơ quan chức năng thẩm định, cho phép. Sau đó phải có văn bản báo cáo sự việc với cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Cổng phụ mới tại chùa Mía có cần phải điều chỉnh không hay để nó tồn tại với sự “khập khiễng” như thế là vấn đề cần sự vào cuộc của chính quyền, cơ quan chức năng có thẩm quyền. Văn hóa sẽ trở lại vấn đề này trong những số báo tới. 

 NGUYỄN THANH SƯƠNG; Ảnh: L.S

Ý kiến bạn đọc