Long An: Di tích lịch sử quốc gia nhà và lò gạch Võ Công Tồn bị xâm hại nghiêm trọng

VHO- Là nơi hoạt động của các chiến sĩ cách mạng yêu nước thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng thời là cơ sở cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho cách mạng, Khu nhà và lò gạch Võ Công Tồn ở xã Long Hiệp (huyện Bến Lức), tỉnh Long An được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Thế nhưng, nhiều hạng mục mang yếu tố gốc của di tích đã bị xâm hại nghiêm trọng dẫn đến “mất tích”, thực tế chỉ tồn tại trên giấy!

Long An: Di tích lịch sử quốc gia nhà và lò gạch Võ Công Tồn bị xâm hại nghiêm trọng - Anh 1

Hình ảnh nhà lưu niệm Võ Công Tồn lúc được công nhận Di tích lịch sử quốc gia Ảnh: TƯ LIỆU

 Cơ sở hoạt động tin cậy của cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa

Theo nội dung tài liệu khắc trên bia di tích, Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn là một tổng thể kiến trúc gồm nhà và lò gạch thuộc sở hữu của gia đình nhân sĩ yêu nước Võ Công Tồn. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đây là cơ sở tin cậy của Đảng bộ Chợ Lớn, Xứ ủy Nam Kỳ và các phong trào yêu nước. Không những là cơ sở hoạt động của các chiến sĩ cách mạng, lò gạch còn là nơi đóng góp tài chính quan trọng cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở Nam Kỳ từ năm 1926 đến năm 1940. Năm 1928, nhân sĩ yêu nước Võ Công Tồn tổ chức cho Tôn Đức Thắng mở lớp dạy học tại nhà để nâng cao dân trí, truyền bá tư tưởng cách mạng cho nhân dân trong khu vực.

Long An: Di tích lịch sử quốc gia nhà và lò gạch Võ Công Tồn bị xâm hại nghiêm trọng - Anh 2
 

 Khu lò gạch Võ Công Tồn xưa, hiện không còn Ảnh: TƯ LIỆU

Năm 1935, Chi bộ Đảng của ấp Lò Gạch ra đời tại khu lò gạch Võ Công Tồn. Mọi sinh hoạt, hội họp của Chi bộ đều diễn ra tại đây. Năm 1936, các đồng chí Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thị Minh Khai mở lớp học 20 ngày tại đây để tuyên truyền vận động cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin cho đông đảo thanh niên và công nhân lò gạch. Năm 1937, trong phong trào công nông biểu tình đưa yêu sách đòi chính quyền thực dân cải thiện dân sinh, dân chủ do Đảng lãnh đạo, có khoảng 40.000 truyền đơn được in ra tại khu lò gạch. Những truyền đơn in ấn tại đây được rải khắp nơi từ Sài Gòn Chợ Lớn đến Tân An và Mỹ Tho. Khu lò gạch còn là nơi lưu trú, chở che cho nhà yêu nước Nguyễn An Ninh trong những ngày bị thực dân Pháp truy đuổi gắt gao. Đây cũng là nơi Nguyễn An Ninh viết báo để đăng trên những tờ báo công khai của Đảng lúc bấy giờ.

Long An: Di tích lịch sử quốc gia nhà và lò gạch Võ Công Tồn bị xâm hại nghiêm trọng - Anh 3

Khu nhà lưu niệm Võ Công Tồn hiện chỉ còn duy nhất gian nhà thờ

Với ý nghĩa lịch sử nói trên, Khu nhà và lò gạch Võ Công Tồn đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2004. Đây cũng là nơi lưu niệm nhà yêu nước Võ Công Tồn - người đã cống hiến rất nhiều công của và cả tính mệnh cho Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (1930-1945).

Long An: Di tích lịch sử quốc gia nhà và lò gạch Võ Công Tồn bị xâm hại nghiêm trọng - Anh 4

Ngôi nhà mới xây trong khu lò gạch

Thực tế xót xa

Ghi nhận hiện trạng của Văn Hóa, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh nhiều hạng mục của di tích quốc gia đã bị xâm hại nghiêm trọng. Ngay trước cửa dẫn vào ngôi nhà lưu niệm, cơ quan chức năng đã cho lắp dựng bảng nội quy quản lý di tích, ghi rõ 6 điều phải thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa. Trong đó, có nội dung cụ thể: “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến các công trình kiến trúc, hiện vật, cảnh quan thiên nhiên và khu vực bảo vệ di tích đã được khoanh vùng. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, vì vậy các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, đơn vị vũ trang và mọi công dân phải có trách nhiệm giữ gìn, tôn tạo”!

Thế nhưng, đi vào bên trong, chúng tôi không tìm thấy một hình ảnh nào trưng bày, giới thiệu về ngôi nhà đã được xếp hạng di tích. Qua trò chuyện, bà Trương Thị Một (cháu nội dâu của nhân sĩ yêu nước Võ Công Tồn) – người đang trực tiếp sinh sống tại đây cho biết, thời điểm gia đình đón nhận Bằng xếp hạng di tích, trong khu vườn vẫn còn hai ngôi nhà ba gian. Vài năm gần đây, gia đình đã tháo dỡ toàn bộ một ngôi nhà ba gian do bị mối mọt, xuống cấp. Ngôi nhà hiện tại là nhà thờ nên gia đình cố gắng giữ lại, nhưng cũng chỉ cố gắng sửa được gian nhà chính giữa, còn hai gian bên hông đã phá bỏ luôn. Khi được hỏi lúc tháo dỡ, gia đình có thông báo cho ngành chức năng biết hay không, bà Một lắc đầu nói: Gia đình tự làm chứ không thông báo, mà cũng không thấy ai đến hỏi han gì.

Long An: Di tích lịch sử quốc gia nhà và lò gạch Võ Công Tồn bị xâm hại nghiêm trọng - Anh 5

Bà Trương Thị Một chỉ vào nền đất của ngôi nhà ba gian đã bị phá dỡ

Tìm đến di tích lò gạch nằm cách nhà lưu niệm Võ Công Tồn khoảng 1 km, chúng tôi ghi nhận khu lò gạch nằm trong khuôn vườn một hộ gia đình, nhưng cổng vào bên trong bị khóa chặt. Sau một hồi kêu cửa, một thanh niên ra mở khóa dẫn chúng tôi vào. Chỉ vào ngôi nhà ngói mới xây, thanh niên này nói: “Lò gạch đâu còn nữa mà mấy chú đi tìm. Giờ mấy chú muốn vào cũng không được đâu, vì cây cối che lấp hết lối đi rồi, không có đường vào đó đâu. Còn ngôi nhà này là gia đình cháu mới xây lại theo hình dạng ngôi nhà hồi xưa của ông (tức ông Võ Công Tồn - P.V). Trong này không còn gì nữa đâu chú ơi”.

Chẳng lẽ đây là thực trạng của Di tích lịch sử quốc gia nhà và lò gạch Võ Công Tồn, được xem là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau?

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Tấn Quốc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Long An cho biết, từ năm 2017, UBND tỉnh Long An đã có văn bản phân cấp cho UBND huyện Bến Lức trực tiếp quản lý di tích nói trên. Sở cũng đã bàn giao việc này cho địa phương. Trực tiếp đến UBND huyện Bến Lức để tìm hiểu sự việc thì nhận được phản hồi, chờ báo cáo của phòng chức năng liên quan. 

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc