Kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
VHO- Sáng ngày 24.8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây là một trong những bảo tàng cổ xưa nhất ở Việt Nam hiện nay.
Trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho các tập thể và cá nhân
Vào tháng 8.1923, vua Khải Định đã ban hành chỉ dụ cho phép thành lập ở kinh đô Huế môt bảo tàng có tên là Musée Khải Định. Trải qua các giai đoạn lịch sử, bảo tàng này đã nhiều lần được thay đổi tên gọi khác nhau.
Tháng 8.1945, vua Bảo Đại thoái vị, Bảo tàng Khải Định trực thuộc sự quản lý điều hành của Ủy ban Hành chính Trung Bộ. Đầu năm 1947, thực dân Pháp tái chiếm TP.Huế, bảo tàng được đổi tên thành Tàng Cổ Viện và trực thuộc sự quản lý của Viện Văn hóa Trung Việt. Từ năm 1958, đổi tên thành Viện Bảo tàng Huế; năm 1979 đổi tên thành Bảo tàng Cổ vật Huế; năm 1995 là Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Và từ năm 2007 đến nay có tên gọi là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Hiện nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 11.000 hiện vật; trong đó có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Không gian trưng bày chính của bảo tàng được tổ chức tại di tích điện Long An, đã góp phần giới thiệu đến du khách một cái nhìn tổng quan về đời sống của hoàng gia triều Nguyễn.
Không gian trưng bày chính của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tại điện Long An
Ngoài nhiệm vụ chính là tổ chức các hoạt động của một bảo tàng như sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày hiện vật ở điện Long An, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn có nhiệm vụ tổ chức trưng bày tái hiện không gian nguyên thuỷ của các công trình kiến trúc tại các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Huế.
“Có thể khẳng định Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là một bộ phận mật thiết của quần thể di tích Huế, là một thiết chế đặc biệt có ý nghĩa trong tiến trình lịch sử của vùng đất Huế"- ông Hoàng Việt Trung nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, không gian trưng bày và bảo quản của bảo tàng đang gặp nhiều khó khăn nên công tác phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Trong chuyến làm việc tại Huế vào tháng 3.2023, Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và chỉ đạo tỉnh phối hợp với Bộ VHTTDL nghiên cứu, lập dự án cho bảo tàng. Đây là cơ sở quan trọng trong việc phát huy giá trị những cổ vật, hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ; cũng như từng bước đồng bộ, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa của địa phương, góp phần xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo định hướng Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen cho các cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế
Ông Nguyễn Văn Phương cũng đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị, cá nhân đủ năng lực, kinh nghiệm tư vấn phương án thiết kế bảo tàng theo hướng khoa học, hiện đại, kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hòa với tổng thể di tích cố đô Huế theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Trong dịp lễ kỷ niệm 100 năm Musée Khải Định- Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm hiến tặng tài liệu, cổ vật cho bảo tàng như: ông Trần Đức Anh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), ông Trần Đình Hằng (Phân viện trưởng, Phân viện văn hoá nghệ thuật quốc gia tại Huế), ông Nghiêm Giang Anh (Hà Nội), ông Đặng Văn Luyện (hậu duệ của vua Hàm Nghi, Hoa Kỳ), bà Hồ Hải Hà (Nghệ An), ông Nguyễn Hữu Hoàng (Huế), ông Lê Gia (Huế), ông Mai Bá Thiện (Huế), ông Trần Quang Minh Tân (TP. Hồ CHí Minh), ông Hồ Vĩnh (Huế), ông Nguyễn Thanh Nam (Hà Nội), ông Trần Đình Nam (Hưng Yên).
Ông Hoàng Việt Trung tiếp nhận các hiện vật do các nhà nghiên cứu, sưu tầm hiến tặng
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đã tặng Bằng khen cho tập thể có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế; và các cá nhân đã có thành tích trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá và có thành tích trong công tác đảm bảo an ninh văn hoá.
Nhân kỷ niệm 30 năm Quần thể di tích Cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc, âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã tặng Bằng khen cho bốn tập thể và năm cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển đơn vị giai đoạn 2018-2023. Bằng khen của Bộ trưởng cũng được trao trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Bài, ảnh: SƠN THÙY