Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long: Thập kỷ bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng

VHO- Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng B.52, Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và BLL Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 tổ chức Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”, giới thiệu hơn 100 tài liệu về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm anh dũng của quân dân Thủ đô và một số tỉnh miền Bắc. Lễ khai mạc diễn ra ngày 14.12 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội.

Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long: Thập kỷ bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng - Anh 1

 Các nhân chứng thăm hầm T1

 Trong khuôn khổ triển lãm cũng diễn ra tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, những phi công chiến đấu quả cảm, anh dũng của Phi đội bay đêm đánh B52 Mỹ. Đồng thời ra mắt sách “108 phi công chiến đấu Việt Nam” và “Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long”.

Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (Hầm T1) được khởi công xây dựng vào cuối năm 1964, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1965, do Trung đoàn 259, Cục Công binh đảm nhiệm ngay từ những ngày đầu Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Vị trí nằm ở phía Tây, liền kề ngôi nhà Cục Tác chiến, hầm có kết cấu như một công sự nửa nổi nửa chìm, 3/4 chìm dưới lòng đất, chỉ có nóc hầm nhô lên bên trên bằng bê tông nguyên khối với ba lớp: 2 lớp bê tông và một lớp đệm cát ở giữa. Qua lớp cửa nặng bên ngoài phòng chống sóng áp lực nguyên tử là lớp cửa nhẹ bên trong, kín và có thể chống tia phóng xạ, hơi độc. Hầm cũng có hệ thống thông hơi lọc độc, hệ thống điều hòa nhiệt độ bằng quạt, thổi hơi nước lạnh từ bên ngoài vào. Với kết cấu vững chắc và trang thiết bị hiện đại lúc bấy giờ, hầm có thể chịu được bom tấn, tên lửa, phòng chống được bom nguyên tử, bom hóa học.

Tại đây, kíp trực ban tác chiến làm việc 24/24h, có nhiệm vụ nắm chắc tình hình quân địch và cả lực lượng của ta, diễn biến chiến đấu để đề xuất cách giải quyết các tình huống lên cấp trên. Kíp trực cũng truyền đạt mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên đến các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn… đảm bảo hoàn thành cả ba nhiệm vụ: Đánh máy bay địch, nhất là B52; công tác phòng không nhân dân; công tác giao thông vận tải chi viện chiến trường. Suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12.1972, tại Hầm chỉ huy tác chiến T1, nhiều thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ huy quân dân miền Bắc tiến hành trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội giành thắng lợi. Căn hầm đặc biệt trong khu Thành cổ được biết đến như một chứng nhân lịch sử, ghi dấu những thời khắc quyết liệt, khẩn trương, cam go và tập trung cao độ của Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN, chỉ huy quân dân Thủ đô và miền Bắc đánh thắng giặc Mỹ ngay trên bầu trời Hà Nội.

Từ hiện trạng xuống cấp, hư hỏng sau gần 40 năm không sử dụng, năm 2012, căn hầm được phục hồi và mở cửa phục vụ khách tham quan. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã nghiên cứu, thu thập thông tin, sưu tầm tư liệu hiện vật, bản đồ, ảnh … để từng bước phục hồi nguyên trạng căn hầm. Đã có những hoạt động như hội thảo khoa học, gặp gỡ nhân chứng, sưu tầm tư liệu, hiện vật, bản đồ, ảnh được tổ chức. Trung tâm cũng phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Di tích cách mạng Hầm tác chiến với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” nhằm tập hợp tư liệu, tìm hiểu các câu chuyện thông qua các nhân chứng lịch sử và đề xuất giải pháp bảo tồn.

Hầm Chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long: Thập kỷ bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng - Anh 2

 Hầm chỉ huy tác chiến - Bộ Tổng tham mưu (hầm T1) Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cung cấp

Với nguyên tắc bảo tồn tối đa yếu tố nguyên gốc; gia cố, gia cường khả năng chịu lực cho công trình; nghiên cứu, thay thế các thành phần hư hại bằng vật liệu nguyên gốc hoặc vật liệu phục chế; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát triển với bảo tồn, nhiều năm qua, di tích đã trở thành địa chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, quảng bá văn hóa; tạo điều kiện cho người dân, khách tham quan trong và ngoài nước có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu giá trị, ý nghĩa của di tích; tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm gìn giữ di sản của thế giới và dân tộc. Việc tiến hành tu sửa, phục hồi toàn bộ không gian di tích tập trung vào các hạng mục: Phục hồi, tu bổ hệ thống vách gỗ, trần gỗ; phục chế, tu bổ và bảo quản 2 bản đồ bằng giấy hư hỏng nặng, giấy đã bị mủn, mục nát, bụi bẩn, nấm mốc; phục hồi nguyên mẫu 4 phòng thông tin; bảo tồn hệ thống thông hơi lọc độc; thùng lọc độc lọc bụi; cửa tự động thoát hơi; cửa nặng; cửa nhẹ.

Trong quá trình sưu tầm tư liệu, hiện vật, Trung tâm đã nhận được sự giúp đỡ trách nhiệm của Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và các nhân chứng từng làm việc tại Tổng hành dinh, làm việc trực tiếp tại Hầm chỉ huy giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là sự giúp đỡ của thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, đã làm việc tại Hầm chỉ huy tác chiến gần 10 năm (1965 - 1975).

Nhiều năm qua, Trung tâm tiếp tục sưu tầm, bổ sung nhiều hiện vật, tư liệu của các nhân chứng lịch sử để trưng bày, giới thiệu. Năm 2017, kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Trung tâm đã tổ chức triển lãm “Trận Điện Biên Phủ trên không và vai trò của Hầm chỉ huy tác chiến T1”, ôn lại truyền thống lịch sử tự hào của quân dân Thủ đô; nhấn mạnh vai trò của Hầm T1 cũng như những nhân chứng lịch sử đã góp phần làm nên kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Năm 2022, kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” được tổ chức, giới thiệu hơn 100 tài liệu về cuộc chiến đấu 12 ngày đêm anh dũng của quân dân Thủ đô và một số tỉnh miền Bắc. Đặc biệt là vai trò chỉ đạo tác chiến từ Tổng hành dinh đến khắp các mặt trận đã đánh bại chiến dịch Linebacker II của Mỹ vào cuối năm 1972, tạo tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương thực hiện những chiến dịch lớn, kết thúc thắng lợi kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để tiếp tục phát huy giá trị lịch sử của Hầm chỉ huy tác chiến T1, việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày được chú trọng nhằm làm nổi bật giá trị và tăng tính hấp dẫn của di tích. Dịp này, Trung tâm đã tái hiện hoạt cảnh “Hầm T1 trong đêm bão lửa”, thông qua các ứng dụng công nghệ diễn giải câu chuyện và không khí làm việc dưới Hầm T1 trong ngày đầu tiên Mỹ đưa B52 đánh ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là thời khắc chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội trong đêm mở màn chiến dịch, tạo ấn tượng và cảm xúc đặc biệt cho khách tham quan.

Các hoạt động thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và công chúng; trân trọng ký ức của “một thời đạn bom, một thời hòa bình” và nâng tầm các di tích cách mạng trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long, trong đó điểm nhấn là di tích Hầm chỉ huy tác chiến T1. 

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc