Giới thiệu Truyện Kiều bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn

VHO- Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức buổi giới thiệu, thuyết trình về bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia Triều Nguyễn, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11. Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm đã thuyết trình khá chi tiết, qua đó tiếp tục khẳng định bản này được chép dưới thời vua Tự Đức.

Giới thiệu Truyện Kiều bản chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn - Anh 1

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung thuyết minh, giới thiệu về “Truyện Kiều”, bản chép tay của Hoàng gia

Bản Truyện Kiều (Kim Vân Kiều tân truyện) của Hoàng gia gồm 146 trang, được chép tay rất cẩn thận với một lối thư pháp thể chân pha thể hành mềm mại, đều đặn từ dòng đầu đến dòng cuối. Bố cục của từng trang tạo nên tính điển phạm chặt chẽ và thống nhất. Mỗi trang chia làm 2 phần: phần trên viết chữ, phần dưới vẽ tranh minh họa cho nội dung trang đó. “Từng tiếp xúc với nhiều cổ vật thư tịch, như tôi được thấy và biết, bản Truyện Kiều của Hoàng gia có lẽ là quyển sách đẹp nhất và cầu kỳ nhất về hình thức của loại hình sách bằng giấy dó trong lịch sử trung đại ở Việt Nam”, ông Hải Trung nhận định. Ông Trung cũng đưa ra các thông tin chi tiết: Phần trên, thứ tự từ trái qua, đầu tiên “châu phê” bằng chữ Nôm của nhà vua, viết chữ đỏ, ghi tóm lược và nhận xét của vua về đoạn Kiều chép trong trang. Tiếp đó là phần nội dung dung đoạn Kiều viết chữ Nôm màu đen. Sau đó là phần phụ chú viết chữ Hán màu đen và kết thúc bằng một câu khái quát chủ đề và số trang bằng chữ Hán.

Phần dưới mỗi trang là tranh minh họa, toàn quyển có 144 bức minh họa tương ứng với 144 trang nội dung (không kể trang vẽ ghi tên sách, minh họa và trang giới thiệu về tác giả Nguyễn Du ở đầu quyển). Các bức minh họa vẽ bằng mực nho với họa pháp ám họa, dùng sắc độ của mực mài để diễn đạt độ sâu của thể khối khi mô tả của con người, cảnh vật. Lối vẽ truyền thần, tả chân cực kỳ chi tiết là ngôn ngữ xuyên suốt của 144 minh họa. Gọi là minh họa vì chúng tương ứng, phụ họa cho nội dung của từng trang, nhưng thực chất có thể xem đó là từng bức tranh tả thực hoàn chỉnh trong một khuôn khổ thống nhất. Màu sắc và đường nét được lấp đầy trong phạm vi từng tranh.

Tại buổi giới thiệu và thuyết minh về truyện Kiều, bản chép tay Hoàng gia triều Nguyễn, một số ý kiến còn đặt nghi ngờ: Liệu đây có phải là bản “ngụy tạo” do đời sau làm? Ông Nguyễn Phước Hải Trung đã khẳng định, đây chính là bản của Hoàng gia, những người sau này không có đủ trình độ, năng lực và điều kiện để có thể ngụy tạo ra quyển sách này. Nhìn vào bìa sách đã có hình rồng dệt, mặt rồng ngang, thân uốn khúc, chân rồng 5 móng, trang trí xung quanh là nền bát bửu. Chi tiết “rồng 5 móng” là đồ ngự dụng, chỉ dành cho vua. Theo điển lệ, chỉ có vua mới “châu phê” bằng chữ màu đỏ, điều này cũng có trong bản chép truyện Kiều này. “Lối vẽ của trang phụ bìa cũng là lối vẽ sơn son thếp vàng (mặc dù trên giấy dó). Nó rất giống với phong cách của hiện vật gỗ dưới triều Nguyễn. Những người làm công tác nghiên cứu lâu năm ở khu di sản Huế nhìn vào là nhận ra được”, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Hải Trung cho biết.

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc