Giới thiệu hơn 130 tư liệu Hán Nôm quý hiếm đến công chúng
VHO - Sáng ngày 15.12, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã khai mạc triển lãm tư liệu Hán Nôm năm 2023. Hơn 130 tư liệu quý hiếm đã được giới thiệu đến công chúng.
Triển lãm thu hút đông đảo bạn đọc tham quan, tìm hiểu
Nhiều năm qua, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác sưu tầm và số hóa, phục hồi và phát huy giá trị nguồn tư liệu Hán Nôm trên địa bàn toàn tỉnh. Từ năm 2009 đến nay, đã thực hiện sưu tầm và số hóa được 417.955 trang tư liệu tương đương với 5.211 đầu tài liệu tại 187 làng, 923 họ tộc và 18 phủ đệ; trong đó, có rất nhiều tư liệu cực kỳ quý hiếm.
Hoạt động này, đã góp phần bảo tồn di sản Hán Nôm, nguồn tài liệu quý giá cho việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: từ năm 2018 đến nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh và các đơn vị đã sưu tầm và số hóa được nhiều văn bản có giá trị. Qua đó, đã tuyển chọn xuất bản được nhiều ấn phẩm, như: “Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế” năm 2018; cuốn “Sắc phong, Chế phong, Chiếu dưới thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” (tuyển chọn) năm 2020; “Bằng cấp quan chức Triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2021; “Văn thư - đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2022; và sắp đến là ấn phẩm “Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế” năm 2023...
Sẽ có một bộ tùng thư Hán Nôm tiêu biểu để đưa vào Tủ sách Huế, góp phần lan tỏa giá trị di sản và những nguồn thông tin, nội dung quý từ di sản này.
Một sắc phong thời vua Thiệu Trị được số hóa, phục chế để lưu giữ và phát huy giá trị
Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Thư viện Tổng hợp tỉnh tích cực hỗ trợ cho các Khoa, Trường Đại học trên địa bàn để sinh viên, học viên cũng như những người có nhu cầu tiếp cận nghiên cứu nguồn tư liệu Hán Nôm. Đồng thời, tiếp tục nâng cao công tác chuyên môn về phục chế, bảo quản để hỗ trợ các địa phương, dòng họ, làng xã trong việc giữ gìn, tái tạo nguồn tư liệu quý.
Chú trọng đến phát huy giá trị di sản Hán Nôm nhằm góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; không chỉ số hóa tư liệu Hán Nôm ở dạng thô mà cần đặt hàng các nhà nghiên cứu phân loại để đưa ra các loại, nội dung nghiên cứu đa dạng. Lập thư mục giới thiệu trên website, quảng bá di sản Hán Nôm và kết nối với các đơn vị, tổ chức liên quan để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, giới thiệu, quảng bá về di sản độc đáo này.
Sinh viên, học viên các ngành khoa học xã hội quan tâm tìm hiểu tại triển lãm
Tại triển lãm lần này, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế trưng bày, giới thiệu đến công chúng hơn 130 tư liệu quý, là các sắc phong, chế phong, bằng cấp, các văn bản... đã được sưu tầm, số hóa, phục chế. Hiện nay, đơn vị này đã xử lý và biên mục 5.211 tài liệu vào phần mềm Emiclib sẵn sàng phục vụ bạn đọc tìm hiểu, nghiên cứu.
Triển lãm được tổ chức ở không gian tầng 1 và tầng 2 trụ sở Thư viện Tổng hợp tỉnh, mở cửa đón khách tham quan từ nay đến hết ngày 18.12.
Tin, ảnh: S.THÙY