Giảm thiểu rủi ro thiên tai với di sản văn hoá:  “Chúng ta phải làm gì?”

VHO- Một câu hỏi không hề mới, thậm chí có người bảo rằng nó còn cũ hơn cả di tích nhưng khi đến với “Giảm thiểu rủi ro thiên tai với di sản văn hóa” là chủ đề chương trình tập huấn do Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội và Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu bảo tồn và bảo quản các tài sản văn hóa (ICCROM) phối hợp vừa tổ chức, thì không ít đại biểu mới vỡ lẽ.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai với di sản văn hoá:  “Chúng ta phải làm gì?” - Anh 1

 Quang cảnh buổi tập huấn

Nhiều nội dung quan trọng được quan tâm như đánh giá rủi ro để có giải pháp ứng phó khẩn cấp, giảm thiểu tổn thương mà di sản có thể gặp phải do quá trình biến đổi khí hậu hay tốc độ đô thị hóa.

“Sẽ chẳng xa xôi đâu…”

Ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh, giảm thiểu rủi ro thiên tai với di sản văn hóa là vấn đề có ý nghĩa, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh về năng lực thích ứng với phương pháp phòng ngừa rủi ro đặc thù trong lĩnh vực di sản văn hóa, tạo điều kiện cho các nhà quản lý thực hành công tác phòng ngừa rủi ro, nắm vững hơn các nguy cơ và tác động rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch ứng phó thích hợp trong tình huống khẩn cấp.

“Sẽ chẳng xa xôi đâu, nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro thiên tai luôn tiềm ẩn đối với các di sản văn hóa. Hãy nhìn lại những thảm họa toàn cầu như vụ cháy Bảo tàng Quốc gia Rio de Janeiro (Brazil), vụ cháy Nhà thờ Đức bà Paris (Pháp)... đã khiến nhân dân thế giới ngày càng bộc lộ những cảm xúc mạnh mẽ bởi phải chứng kiến những di sản quý giá bị hỏa hoạn hủy hoại. Tại Việt Nam, những người làm công tác di sản cần hình dung đến những biến cố có thể xảy ra đối với những di sản vô giá để đặt câu hỏi: “Ta phải làm gì?”...”, ông Michael Croft nhấn mạnh.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai với di sản văn hoá:  “Chúng ta phải làm gì?” - Anh 2

 

 Cháy rừng đặc dụng trong quần thể danh thắng Tràng An hôm 28.6 

Trong vai trò của mình, UNESCO luôn đề cao tầm quan trọng của công tác bảo vệ di sản văn hóa. Theo Trưởng đại diện Michael Croft, bảo tồn di sản văn hóa quan trọng không kém gì bảo tồn sinh mạng. Khi xảy ra thảm họa thiên tai, cộng đồng sẽ cảm nhận được rất rõ rằng di sản văn hóa có ý nghĩa như thế nào trong sự gắn kết con người với nhau.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, Việt Nam ít phải chịu động đất, núi lửa, sóng thần nhưng hằng năm thường xuyên phải đối mặt với hàng chục cơn bão diễn biến phức tạp, đê vỡ, lụt lội. Ngoài những thiệt hại về người và của thì di sản văn hóa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các di sản thế giới như Quần thể di tích Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An... năm nào cũng bị ảnh hưởng bởi mưa bão, ngập lụt. Bên cạnh đó, không ít các vụ cháy, hỏa hoạn vẫn còn diễn ra ở các di tích…

Giảm thiểu rủi ro thiên tai với di sản văn hoá:  “Chúng ta phải làm gì?” - Anh 3

Theo Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, bảo tồn di sản văn hóa quan trọng không kém gì bảo tồn sinh mạng. Khi xảy ra sự cố, cộng đồng sẽ cảm nhận rất rõ rằng di sản có ý nghĩa như thế nào. Trong ảnh: Ngày 27.11.2017, di tích quốc gia đình Lưu (xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, Thái Bình) bị cháy khiến toàn bộ cấu kiện gỗ có giá trị bị thiêu rụi Ảnh: THU HẰNG

Làm thế nào để kịp thời ứng phó?

“Không nằm ngoài quy luật tự nhiên, Việt Nam hằng năm không chỉ phải đối diện với những rủi ro thiên tai mà còn là những tác động, sức ép từ quá trình đô thị hóa và tốc độ phát triển kinh tế. Trong guồng quay đó, di sản văn hóa là một đối tượng chịu tác động”, ông Michael Croft lưu ý. Ông nêu, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, bảo tồn di sản trong tốc độ đô thị hóa nhanh chóng là mối quan ngại lớn. Mặc dù không khẩn cấp như những cơn bão, nhưng sự tích lũy dần dần cũng có thể khiến nguy cơ bùng nổ thành thảm họa trong một ngày nào đó.

Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cho rằng, với những tương tác, định hướng từ các chuyên gia quốc tế, các cơ quan, đơn vị trực tiếp bảo vệ di sản tại Việt Nam sẽ có thêm nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong ngăn ngừa, giảm thiểu hiệu quả những nguy cơ, thảm họa có thể làm ảnh hưởng đến sự bền vững của di sản văn hóa dân tộc. Cục trưởng bày tỏ mong muốn các khu di sản, đặc biệt là các di sản thế giới sẽ là những đơn vị tiên phong trong thực thi hiệu quả các quy chế bảo vệ, kế hoạch quản lý tổng thể và kế hoạch quản lý rủi ro, qua đó ứng phó hiệu quả với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong quá trình quản lý, bảo vệ di sản.

Nhiều chủ đề cụ thể đã được đưa ra như: Tại sao cần bảo vệ di sản văn hóa trong bối cảnh rủi ro thiên tai cũng như khủng hoảng do con người? Hệ thống quản lý khẩn cấp quốc gia; Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; Đánh giá nhu cầu sau thảm họa; Sơ cứu cho di sản văn hóa là gì?... Chuyên gia Aparna Tandon, Quản lý dự án, Trung tâm Quốc tế về nghiên cứu bảo tồn và bảo quản các tài sản văn hóa (ICCROM) nhấn mạnh, sơ cứu đối với các di sản văn hóa khi đối diện thiên tai là một trong những nội dung quan trọng đối với công tác bảo vệ di sản. Các chuyên gia tham gia tập huấn được trang bị những kiến thức về hỗ trợ ngay lập tức khi di sản gặp rủi ro. Ở đó, phải xác định được những điểm yếu, sự tổn thương ở các di sản do biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế như vũ bão gây ra. “Làm thế nào để kịp thời ứng phó, cũng như phát triển năng lực cộng đồng trong ứng phó với những rủi ro do thiên tai, bão lũ, lụt lội... là một vấn đề rất gần gũi với cuộc sống mà mỗi chúng ta đều phải quan tâm”, chuyên gia Aparna Tandon nhấn mạnh. 

 Sẽ chẳng xa xôi đâu, nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro thiên tai luôn tiềm ẩn đối với những di sản văn hóa… Tại Việt Nam, những người làm công tác di sản cần hình dung đến những biến cố có thể xảy ra đối với những di sản vô giá để đặt câu hỏi: “Ta phải làm gì?.

(Ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội)

 BẢO ANH

Ý kiến bạn đọc