Dừng dự án điện mặt trời ở đầm An Khê là cơ hội “đánh thức” di sản

VHO- Trong khi cuộc “giằng co” giữa việc giữ hay không giữ nguyên trạng đầm An Khê, một mắt xích quan trọng của di tích văn hóa Sa Huỳnh đang được đẩy lên cao trào, thì việc Quảng Ngãi dừng bổ sung dự án điện mặt trời như một động thái có tính quyết định đã nhận được sự đồng thuận rất lớn của giới chuyên môn và người dân địa phương.

Dừng dự án điện mặt trời ở đầm An Khê là cơ hội “đánh thức” di sản - Anh 1

 Quảng Ngãi tổ chức hội nghị tham vấn các nhà nghiên cứu, khoa học để đưa ra quyết định đúng đắn

 Như Văn Hóa đã đưa tin, cuối tháng 10.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh có văn bản giao Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh xem xét, có văn bản báo cáo Bộ Công thương về việc không tiếp tục đề xuất bổ sung dự án điện mặt trời trên đầm An Khê (nằm trong quần thể di tích Văn hóa Sa Huỳnh) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, khiến nhiều nhà khoa học “thở phào”.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chuyên gia về môi trường, đầm An Khê là một hệ sinh thái đất ngập nước, rất có giá trị về mặt sinh thái và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, do chưa có cách tiếp cận hợp lý, nên những năm gần đây đa dạng sinh học đã có dấu hiệu suy giảm đáng báo động và tiềm ẩn nhiều mối lo ngại “xâm lấn” khác. “Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thống nhất không tiếp tục đề xuất bổ sung dự án điện mặt trời trên đầm An Khê là tín hiệu đáng mừng. Lãnh đạo tỉnh đã lắng nghe ý kiến các bên liên quan, trong đó có ý kiến của nhà khoa học. Như vậy sẽ tốt cho môi trường và bảo tồn di sản văn hóa ở đầm An Khê để sau này phát triển một cách bền vững hơn”, PGS Minh nêu quan điểm.

Đồng thuận với quyết định của lãnh đạo Quảng Ngãi, PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, việc dừng xây dựng điện mặt trời trên mặt nước đầm An Khê sẽ tránh được những hệ lụy trong việc quy hoạch khoanh vùng bảo vệ di sản quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh. “Việc xây dựng hệ thống điện mặt trời trên mặt đầm An Khê sẽ tác động trực tiếp đến không gian sinh tồn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, vốn còn nằm trong lòng đất. Để xây dựng điện mặt trời thì phải đóng cọc trong lòng đất, lòng đầm để đỡ các tấm lưới sắt lợp kín mặt đầm, xây dựng trạm thu phát điện, cột tải điện và các công trình hạ tầng khác đi kèm. Những hoạt động này làm biến đổi hoàn toàn không gian sinh tồn của văn hóa Sa Huỳnh, làm mất đi tính chân xác, tính nguyên vẹn của di sản, trực tiếp xâm hại hoặc xóa bỏ vĩnh viễn di sản văn hóa Sa Huỳnh ở đây…”, ông Sử cho hay. “Ngoài các di tích văn hóa Sa Huỳnh, xung quanh đầm An Khê còn có dấu tích văn hóa Chămpa như: Bia Chăm, kiến trúc đường lát đá cổ bằng, giếng Chăm cổ xếp đá ong hình vuông, phế tích đền miếu Chăm có niên đại từ thế kỷ I - II sau công nguyên và các dấu tích văn hóa Đại Việt như cầu đá, giếng nước kè đá miệng tròn, đáy vuông và đền tháp thờ Mẫu của người Việt, trên cơ sở kiến trúc đền tháp của người Chăm trước đó. Những tư liệu này cần được khai quật, nghiên cứu và làm rõ dấu tích các quốc gia cổ đại: Sa Huỳnh, Lâm Ấp, Chămpa trên đất Quảng Ngãi”, ông Sử nói. Việc Quảng Ngãi dừng các dự án điện mặt trời cũng mang lại niềm vui lớn cho cộng đồng dân cư nơi đây, những người mưu sinh và gắn bó máu thịt với đầm An Khê. “Người dân nơi đây rất phấn khởi với sự chọn lựa này của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Trước kia, họ rất lo lắng, sợ rằng đầm An Khê sẽ bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ các dự án điện mặt trời. Bây giờ, họ yên tâm gắn bó mưu sinh bên đầm An Khê và làm kinh tế từ du lịch cộng đồng”, ông Phạm Kim Oanh, Chủ tịch UBND xã Phổ Khánh chia sẻ.

Dừng dự án điện mặt trời ở đầm An Khê là cơ hội “đánh thức” di sản - Anh 2

 Giếng cổ Chămpa được phát hiện ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ

Còn nhớ, năm 2014, Bộ VHTTDL chỉ định xây dựng hồ di tích quốc gia Khu khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh thành di tích Quốc gia đặc biệt nhằm bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng quần thể di sản nền văn hóa Sa Huỳnh. Theo nhận định của các thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khi đi khảo sát đầm An Khê và khu vực xung quanh thì nơi đây là không gian sinh tồn, sinh thái nhân văn của cư dân cổ Sa Huỳnh, tiếp nổi là cư dân Chămpa và sau này là Đại Việt đã để lại rất nhiều di vật trong lòng đất và trên mặt đất trong khu vực này. Không gian lịch sử, sinh thái văn hóa nhân văn này rất quý hiếm, có giá trị, xứng đáng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và trong tương lai có thể trình UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới.

Hội đồng đề nghị không lặp đặt các tấm panel thu năng lượng mặt trời trên mặt nước và xây dựng các công trình vận hành, quản lý dự án đất bờ đầm An Khê; cũng không thể thu hẹp một phần đầm An Khê được vì sẽ vi phạm khu vực bảo vệ của di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và vi phạm “tính xác thực”, “tính toàn vẹn” của di sản tại Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm bảo tồn di sản và phát triển du lịch bằng những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng và dựa vào cộng đồng dân cư địa phương để phát triển, trong đó nổi bậc nhất là văn hóa Sa Huỳnh. Các bằng chứng khảo cổ học văn hóa Sa Huỳnh đã cung cấp những thông tin quan trọng về diễn biến từ tiền Sa Huỳnh sang Sa Huỳnh và nguồn gốc bản địa của văn hóa Sa Huỳnh; cho phép phác dựng bức tranh toàn cảnh giao lưu rộng mở với cư dân văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, với tiền Ốc Eo ở phía Nam, với Lung Leng ở phía Tây, thậm chí xa hơn với cư dân tiền sử Thượng Lào và các cuộc giao lưu trên biển với cư dân Đông Nam Á hải đảo, cư dân Trung Quốc và Ấn Độ .

“Qua đó, có thể cải thiện được sinh kế của người dân và phát triển được du lịch cộng đồng cho mảnh đất đầy giá trị văn hóa ở đây. Có thể nói, đây chính là cơ hội để “đánh thức” những giá trị di tích văn hóa tiềm năng của văn hóa Sa Huỳnh, trước khi các di sản văn hóa ấy bị “ngủ quên” và từng bước đưa Sa Huỳnh trở thành một trong những điểm dừng chân hấp dẫn và thu hút khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước”, ông Dũng thông tin. 

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc