Đừng để “chứng tích” trở thành phế tích! (Bài 1): Nguy cơ không đến từ biển
VHO- Độc đáo có một không hai, đẹp hoang sơ, lối kiến trúc mê hoặc giao thoa Đông Tây, mang đậm dấu ấn thời gian của một làng chài có từ xa xưa, lại ở vị trí sát biển, nhà thờ đổ Hải Lý thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định) xứng đáng được gọi đúng tên “kỳ quan” như nhiều người dân và khách du lịch đã từng gọi. Thế nhưng “chứng tích biến đổi khí hậu” (tên gọi của nhà thờ đổ đang được chính quyền làm thủ tục công nhận) đang đứng trước nguy cơ trở thành phế tích bởi chính bàn tay con người...
Có mặt tại xã Hải Lý từ sáng sớm, chúng tôi thực sự sửng sốt trước cảnh tượng bình minh trên biển đẹp đến nao lòng được tô điểm bằng những chiếc thuyền của ngư dân và hình ảnh nhà thờ đổ nổi bật trong ánh sáng rực rỡ của biển cả. Theo những tài liệu được người dân nơi đây cung cấp, nhà thờ đổ Hải Lý còn có tên gọi chính là nhà thờ họ Trái tim Chúa được xây dựng từ năm 1877, xưa kia thuộc làng chài Xương Điền. Vùng đất này là kết quả của công cuộc quai đê lấn biển mà nhân dân Hải Hậu tiến hành từ những năm đầu thế kỷ XVIII. Ban đầu, nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ, có diện tích 252m2, dài 14m, rộng 7m và được lợp bằng cỏ bổi. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, nơi đây bị biển xâm thực, nhà thờ Trái tim Chúa được di chuyển vào sâu phía trong, cách khoảng 3 km so với vị trí cũ. Năm 1917, nhà thờ được xây dựng lần thứ 2 với quy mô lớn theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp tại vị trí hiện nay. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1927 với khuôn viên rộng 9.330m2, dài 47m, rộng 15m. Tháp chuông cao 27m, vòm thánh giá cao 15m với kiến trúc cửa vòm, nhiều hoa văn trang trí theo phong cách châu Âu rất công phu, tinh xảo và đẹp mắt. Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá khủng khiếp đã phá hủy toàn bộ tuyến đê bao bên ngoài, tàn phá hết làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý và cuốn theo gần hết các nhà thờ ven biển. Trong số đó chỉ còn lại duy nhất một phần nhà thờ họ Trái tim Chúa vẫn giữ được tháp chuông, nền và một phần tường cùng các dấu tích của một công trình có độ tuổi trên trăm năm.
Nhà thờ đổ chỉ vài năm trước
Những năm gần đây, nhà thờ đổ là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp về đất thành Nam và là chứng tích trực quan sinh động về hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu trên trái đất hiện nay. Nhưng thật tiếc, “kỳ quan” có một không hai này dường như chưa được quan tâm đúng mức
Trao đổi với phóng viên Văn Hóa vào ngày 17.9, Ông Nguyễn Minh Định, Chủ tịch UBND xã Hải Lý cho biết, những hàng quán xung quanh nhà thờ đổ đã có từ khoảng 5-6 năm nay. Đầu tiên chỉ là một bà cụ sống trong túp lều gần nhà thờ đổ, thỉnh thoảng bán nước chè cho khách vãng lai tới chụp ảnh. Sau này khi nhà thờ đổ xuất hiện trong nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật, trong một bộ phim truyền hình khá ăn khách thì lượng khách tới Hải Lý tăng đột biến. Những quán hàng xuất hiện nhiều hơn, ngoài một số nhà hàng được dựng cạnh đê, quanh khu vực nhà thờ đổ bây giờ có hơn chục nhà hàng với quy mô hàng trăm khách/nhà hàng. Thế nhưng những hàng quán này không theo quy hoạch hàng lối gì cả mà tự phát theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Hàng quán và...rác che lấp hết nhà thờ đổ
Chỉ trong một thời gian ngắn, thấy chính quyền không biện pháp gì xử lý, những khu bán hàng ăn quanh nhà thờ đổ đã được gia cố bằng khung thép, nền xi măng, băm nát cảnh quan khu vực nhà thờ đổ. Có mặt tại khu vực vào ngày 17.9, PV Văn Hóa nhận thấy khu vực chính của nhà thờ đã được rào lại bằng lưới thép, nhưng khu vực trước đây là nền của khu nhà nguyện của nhà thờ với những dấu tích tuyệt đẹp của những cây cột, tường bao in đậm dấu thời gian đã bị những bộ bàn ghế của các nhà hàng chiếm hết không gian.
Một ngư dân còn chia sẻ, trước đây vào buổi sáng sớm và hoàng hôn, có rất đông du khách và người dân tới vãng cảnh, chụp ảnh nhà thờ huyền ảo trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ biển trời nhưng giờ đây lượng khách tới vào 2 “khung thời gian vàng” ấy đã vãn hẳn do cảnh quan giờ đây chẳng khác gì một đống rác khổng lồ xung quanh nhà thờ. Đơn giản vì giờ đây người ta khó chụp được một tấm ảnh đẹp vì không có khoảng trống để chụp do hàng quán, bàn ghế, dụng cụ nấu ăn...đã chiếm hết không gian.
Dọc theo đường đê dẫn vào khu nhà thờ đổ, những chiếc bể khổng lồ bằng bê tông của người dân nuôi trông thủy sản cũng góp phần làm xấu đi một khung cảnh tuyệt đẹp của một đoạn bờ biển thơ mộng. Những người có trách nhiệm ở địa phương bảo những cái bể này đã có ở đây từ rất lâu và “không ảnh hưởng gì tới sự an toàn của con đê”(!?). Trong khi những chiếc bể này có vị trí rất sát con đê và không ai dám đảm bảo về độ vững chắc của chúng. Nhưng điều đáng nói nhất là trong một không gian thoáng đãng, mông mênh của bờ biển cùng hình ảnh nhà thờ đổ nổi bật, những hàng quán san sát kia, cùng với những chiếc bể bê tông xấu xí chẳng khác gì những vết bẩn trên một bức tranh giá trị.
Đó là còn chưa nói đến những đống phế liệu, rác thải từ các công rình xây dựng, hàng quán trải khắp bãi biển, lâu ngày không được dọn khiến bãi biển đứng trước nguy cơ thành...bãi rác !
Kỳ sau: Mòn mỏi chờ dự án
QUỐC HÙNG