“Định danh” hai cửa vòm ở Đông thành Thủy Quan (Kinh thành Huế): Đó là hai pháo môn

VHO- Đó là khẳng định của Phòng Nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế liên quan đến 2 cửa vòm ở trái-phải Đông thành Thủy Quan (thuộc Kinh thành Huế) đang được dư luận và giới nghiên cứu quan tâm trong những ngày qua.

“Định danh” hai cửa vòm ở Đông thành Thủy Quan (Kinh thành Huế): Đó là hai pháo môn - Anh 1

 Đoàn công tác của Quốc hội vừa khảo sát di tích Thượng Thành và dừng chân ở cửa phải Đông thành Thủy Quan

 Hai pháo môn (cửa đặt pháo) này cùng 13 pháo môn trên cổng Đông thành Thủy Quan đã tạo thành 15 pháo môn làm “lá chắn” quân sự cho khu vực này. Trong các chốt phòng thủ, kiểm soát tuyến đường thủy trực tiếp tiến vào Kinh thành Huế xưa, công trình Đông thành Thủy Quan (cửa cống Đông thành) có địa thế và vị trí trọng yếu nhất. Công trình này vừa là cống, nhưng cũng có chức năng là chiếc cầu nối hai bên bờ sông Ngự Hà. Đồng thời, Đông thành Thủy Quan trực tiếp giám sát, quản lý các thuyền bè từ sông Hương và các thuyền từ đường biển ngược lên sông Hương và vào Kinh đô Huế.

Phòng Nghiên cứu khoa học của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa ra nhiều tư liệu, thư tịch chính sử triều Nguyễn liên quan đến hệ thống phòng thủ ở khu vực Đông thành Thủy Quan, đồng thời khẳng định 2 cửa vòm ở hai bên của Đông thành Thủy Quan chính là các pháo môn, tức cửa đặt pháo. Văn bia sông Ngự Hà (Ngự chế ngự hà bi ký) lập năm Minh Mạng thứ 17 (năm 1836), do Hoàng đế Minh Mạng biên soạn, nói về lịch sử dòng sông Ngự Hà, trong đó có đoạn: ... Đến tháng 4 năm Minh Mạng thứ 11 (năm 1830), lại ở phía Đông sông Ngự Hà trong địa phận của Kinh thành, vốn có chiếc cầu gỗ tên là cầu Thanh Long, trẫm cũng mệnh sai đổi làm cầu đá, phía dưới cầu thì đặt cửa áp làm chỗ đóng mở, đối với phía trên thì làm lan can bảo vệ, mở ra 13 cửa pháo, đổi tên là Đông thành Thủy Quan.

“Định danh” hai cửa vòm ở Đông thành Thủy Quan (Kinh thành Huế): Đó là hai pháo môn - Anh 2

 Trên cống Đông thành Thủy Quan, nay là cống Lương Y có 13 pháo môn (khoanh tròn)

Ngoài ra, Đông thành Thủy Quan và việc đặt các pháo môn, bắn pháo hiệu ở địa điểm này cũng được nhắc đến trong nhiều sử liệu như Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Hội điển) của Nội các triều Nguyễn, trong Châu bản triều Nguyễn (Tự Đức thứ 22- năm 1869) hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1... Tuy nhiên, việc ghi nhận số cửa bắn đại bác (pháo môn) phải đến năm 1924 trong bài viết “LES FORTIFICATIONS DE LA CITADELLE DE HUE” (Những đồn lũy của Kinh thành Huế) đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hue (BAVH) của Ardant du Picq. Tác giả bài viết cho biết, cống Đông thành Thủy Quan không đục trong lũy thành, nhưng xây ở sau, như một cầu bình thường, trong trục của lũy thành. Trước cống, lũy thành bị cắt ngang hoàn toàn bởi lỗ trống lớn rộng đến 84,20m để cho hai đường bờ hào (rộng 8,6m) và con ngòi Ngự Hà (rộng 67m) chảy qua. Hai đường bờ hào ấy bị tường chắn cao 4,20m đến 4,45m, bức tường trụ xây khoét trong mỗi vòm, ngày nay là cửa, xếp theo chiều dài của bờ ngòi cho đến cầu, trên một chiều dài 21m tương ứng với toàn chiều dài của lũy thành. Trong mỗi một tường cụt hình chữ nhật hình thành trên bờ hào ở chỗ cắt của lũy thành giữa nó và con ngòi, một mảnh đất bằng có thể đặt một khẩu đại bác bắn qua lỗ vòm. 15 khẩu đại bác, 2 ở trên hào và 13 trên cầu có thể phòng thủ chỗ hổng của lũy thành. Một tầng cấp để leo lên lũy thành ở hai bên lỗ hổng đó….

“Định danh” hai cửa vòm ở Đông thành Thủy Quan (Kinh thành Huế): Đó là hai pháo môn - Anh 3

 Công trình Đông thành Thủy Quan (cống Lương Y) hiện nay

Đến năm 1933, trong bài Kinh thành Huế, Địa danh học (BAVH, 1933), khi mô tả về các địa danh trên bản đồ Kinh thành Huế, Léopold Michel Cadière đã chỉ rõ vị trí 121 là cửa hữu và cửa tả (cửa phải và trái) của Đông thành Thủy Quan. “Kết hợp với ảnh bản đồ, chúng tôi khẳng định 2 cửa vòm đó chính là hai pháo môn của Đông thành Thủy Quan. Hai pháo môn mà Cadière gọi là cửa phải và cửa trái của Đông thành Thủy Quan này cùng 13 pháo môn trên cống Đông thành Thủy Quan đã tạo thành 15 pháo môn, làm lá chắn quân sự bảo vệ khu vực này”, đại diện Phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh.

  Hệ thống bố phòng quân sự của Kinh đô Huế là sự kết hợp hài hòa giữa các tuyến phòng thủ từ xa (bằng đường bộ, đường sông, đường biển) với các tuyến phòng thủ rất vững chắc ở trung tâm Kinh thành (hệ thống phòng thành với đầy đủ các yếu tố thành quách, hộ thành hào, hộ thành hào bằng đường thủy và các tuyến đường phòng lộ, các pháo đài (24 pháo đài), với các giác bảo (pháo đài gốc ở mỗi mặt thành), pháo xưởng (có khi được gọi là hỏa dược khố/hỏa dược diêm tiêu khố, tức nơi chứa đạn pháo), pháo môn (cửa đặt pháo, có khi gọi là pháo nhãn) đầy đủ, hoàn chỉnh ở quanh các thành trì…

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc