Đà Nẵng: Di tích Chăm Phong Lệ chờ ngày được “đánh thức”

VHO-Là di chỉ khảo cổ có ý nghĩa về văn hóa - lịch sử, di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) rất cần sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ của chính quyền trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của một di tích lâu đời.

Giá trị độc đáo của một di chỉ khảo cổ Chăm

Di chỉ khảo cổ Phong Lệ được nhà khảo cổ Henri Parmentier nhắc đến trong tài liệu Catalogue du Musée Cam de Tourane vào đầu thế kỷ XX, đó là thời điểm ông cùng đoàn khảo cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ thực hiện hành trình khảo cổ về các công trình của văn hóa Chăm tại Đông Dương như: Mỹ Sơn (Quảng Nam), Phong Lệ (Đà Nẵng), Chánh Lộ (Quảng Ngãi) và Banteay Srei (Campuchia)… 

Đà Nẵng: Di tích Chăm Phong Lệ chờ ngày được “đánh thức” - Anh 1

Hiện trạng di chỉ khảo cổ Phong Lệ sau 3 đợt khai quật

Kể từ thời điểm đó, sau nhiều thăng trầm của lịch sử, Phong Lệ gần như ngủ yên dưới những nền nhà dân trước khi trải qua 3 đợt khai quật trong giai đoạn 2011-2018. Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhiều dấu vết của kiến trúc Chăm đã xuất lộ, nhiều hiện vật giá trị của văn hóa Chăm được phát hiện qua các đợt khai quật; phát lộ khá rõ ràng, chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của 1 tòa tháp Chăm lớn, trong đó “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết trước đó. Kết quả khảo cổ cũng cho thấy tại đây có dấu tích tích của ít nhất 3 ngôi tháp Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ XI.

Đó cũng là lý do để UBND thành phố Đà Nẵng công nhận Phong Lệ là di tích cấp thành phố vào cuối năm 2020. Theo ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Đà Nẵng, Phong Lệ là di tích khảo cổ đầu tiên được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là di tích cấp thành phố. 

Do đó, ngành VHTT Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị Phong Lệ, đặc biệt là đề xuất UBND thành phố phê duyệt Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại đây  nhằm tạo không gian riêng cho các hiện vật được phát hiện tại di tích Chăm Phong Lệ, giảm tải cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm hiện tại; góp phần hoàn chỉnh kiến trúc, cảnh quan, cải tạo không gian xung quanh, tạo môi trường gìn giữ những giá trị cốt lõi của văn hóa Chăm nói riêng và các dân tộc Việt nói chung; hình thành điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn, độc đáo trên tuyến du lịch đường sông nối thẳng với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn của Quảng Nam…

Cần đẩy nhanh tiến độ dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 

Sắp tròn 2 năm kể từ ngày Phong Lệ được công nhận là di tích cấp thành phố, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan và người dân đều mong muốn di tích Chăm này được “đánh thức” đúng giá trị vốn có với Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như ảnh hưởng của Covid-19 và thiên tai, cũng như công tác phân bổ nguồn vốn đầu tư mà dự án này vẫn chưa được triển khai. 

Đà Nẵng: Di tích Chăm Phong Lệ chờ ngày được “đánh thức” - Anh 2

Hố thiêng còn nguyên vẹn trong lòng tháp Chăm, được che chắn bằng tôn và bao cát

Phong Lệ hiện tại nằm cách trục đường Thăng Long ven sông Cẩm Lệ chỉ tầm 1km, mọi thứ vẫn như thời điểm hoàn thành khai quật, được ban bảo vệ di tích tại địa phương coi ngó, dọn dẹp. Miệng hố thiêng đã được lợp tôn che nắng mưa. Bà Trương Thị Mỹ Linh – Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông cho biết: “Sau khi Phong Lệ được công nhận di tích cấp thành phố và ban bảo vệ di tích được thành lập, địa phương nỗ lực giữ nguyên hiện trạng của di tích. Địa phương thường xuyên kiểm tra để báo cáo với quận và Bảo tàng Đà Nẵng các vấn đề phát sinh nếu có”.

Ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho hay, dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 được chính quyền thành phố giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban Quản lý) làm chủ đầu tư, kiêm quản lý dự án. Sở VHTT Đà Nẵng có trách nhiệm phối hợp Ban Quản lý và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trước mắt  là điều chỉnh nội dung Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ, trình UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt. 

Theo đó, đề án này chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 2022 – 2025 và 2026 – 2030. Trong giai đoạn đầu sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng toàn bộ các hạng mục công trình tại khu vực bảo tồn và bảo vệ di tích, diện tích 4.279m2 và hạng mục hạ tầng kỹ thuật của khu vực phát huy giá trị di tích với diện tích 15.461m2. Giai đoạn cuối đầu tư xây dựng phần còn lại của khu vực phát huy giá trị di tích, với diện tích 15.461m2. Bên cạnh nguồn vốn ngân sách thành phố sẽ là nguồn vốn kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách.

 Theo ông Hà Vỹ, sau khi điều chỉnh này được UBND thành phố phê duyệt, các đơn vị liên quan sẽ có hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nguồn vốn và cân đối vốn phù hợp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng thẩm định, trình UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, quyết định.

Khi dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 còn đang chờ đợi điều chỉnh và phê duyệt, Phong Lệ phải cần thêm một thời gian nữa để thực sự được “đánh thức”. Những người tâm huyết với nơi này vẫn luôn mong mỏi ngày đó đến sớm hơn. Gắn bó với Phong Lệ từ những ngày đầu khai quật và hiện là thành viên của ban quản lý di tích, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Võ Văn Thắng chia sẻ: “Phong Lệ có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển thành một không gian văn hóa - lịch sử - du lịch, là nơi tiêu biểu cho văn hóa Chăm ở Đà Nẵng, nếu không nhanh chóng “đánh thức” và lan tỏa những giá trị của Phong Lệ sẽ rất đáng tiếc. Nếu được, thành phố có thể chia việc thực thi dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ra thành nhiều gói đầu tư, thực hiện từng công đoạn để phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương”. 

 Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại Phong Lệ được UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch, đầu tư trong giai đoạn 2020-2025 tại Công văn số 6572/UBND-SVHTT ngày 05.10.2020 và HĐND thành phố phê duyệt danh mục dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 theo Nghị Quyết số 29/NQ-HĐND ngày 12.8.2021.

 XUÂN SƠN

Ý kiến bạn đọc