Câu chuyện về tháp quả lựu và nước thiêng ở chùa Quang Minh

VHO- Chùa Quang Minh (光明寺) tọa lạc trên địa bàn thôn Hậu Bổng (tên nôm là làng Bóng), xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chùa còn có tên gọi khác là Viên Quang (tục gọi là chùa Bóng) - một đại danh lam, một thánh tích chốn thiền môn. Văn bản Quang Minh tự sự tích đã miêu tả cảnh chùa: “厚俸光明寺,千章碧樹,四面清波,皇路當其前,永河繞其左,真禪天一勝景也Chùa Quang Minh Hậu Bổng, ngàn cây lớn biếc, bốn mặt nước trong, đằng trước có đường cái quan, sông Vĩnh Hà lượn về trái, thật là một thắng cảnh của cõi Phật”.

Câu chuyện về tháp quả lựu và nước thiêng ở chùa Quang Minh - Anh 1

Giếng nước của chùa ngày nay vẫn còn như là một phần của dấu tích xưa.

Văn bia Tu cấu Viên Quang khám cho biết: Chùa Viên Quang xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng là danh lam của nước Nam. Chùa vốn là cổ tích: phía trước có nước triều lên, phía sau là bát ngát ruộng đồng; phía trái là xóm làng trù phú, bên phải có chợ náo nhiệt, mỗi dịp xuân về muôn hoa đua nở, nhân dân hoan hỷ hội tụ về, ngựa xe chen chúc võng lọng tấp nập, một bầu cảnh Phật đẹp đẽ lạ thường - một kì quan nhất vùng.

Chùa không những được ví là nơi danh làm cổ tích mà còn là nơi chứa đựng nhiều yếu tố thần kì. Đó là câu chuyện người dân lấy nước để tắm cho trẻ em bị vết chàm từ nước của những hạt sương sớm đọng lại trên khay chứa nước của tháp quả lựu. Hiện nay ngôi tháp này vẫn còn nhìn bề ngoài tháp quả lựu nảy rất độc đáo so với các tháp đương thời, tháp được thiết kế 9 tầng , phía dưới là các đế hình vuông có hoa văn trang trí, phía trên là hình quả lựu. Khi sương rơi xuống đọng lại trên quả lựu và tụ nước dưới khay hứng nước thì dân địa phương ra chùa sớm lấy nước ấy về tắm cho trẻ em thì các vết chàm, nốt ruồi đều hết. Việc này được ghi chép rất rõ trong văn bản Quang Minh tự sự tích vậy. Quang Minh tự sự tích chép người dân vẫn ra lấy nước ở tháp để rửa vết chàm, nốt ruồi cho trẻ sơ sinh. 這塔上圓下方如貳石榴果, 上覆下載內刻深一寸四分, 圓廣約四寸, 積水貳南鉢,四辰不涸, 至今民間初生有朱黑痕取水回洗即去, 至今猶有靈驗). (Tháp này trên tròn dưới vuông như hai quả lựu, bên trên che, bên dưới nâng bên trong khắc sâu 1 thước 4 phân, tròn rộng khoảng 4 tấc, chứa được 2 bát Nam (bát đàn xưa) bốn mùa không cạn, đến nay trẻ sơ sinh trong dân gian có nốt ruồi đỏ, đen thì lấy nước về rửa thì hết, đến nay vẫn còn linh nghiệm).

Câu chuyện về tháp quả lựu và nước thiêng ở chùa Quang Minh - Anh 2

PGS.TS Đinh Khắc Thuân đang nghiên cứu hoa văn bên tháp

Về câu chuyện nước giêng thiêng tẩy trần được ghi chép trong Công dư tiệp ký theo quan niệm của nhà Phật tức là nước tám công đức ( bát đức thủy八德水) đầy đủ có tám tính chất như sau: “1. Trừng tịnh: lắng gạn trong sạch; 2. Thanh lãnh: trong trẻo mát lạnh; 3. Cam mỹ: mùi vị ngon ngọt; 4. Khinh nhuyễn: nhẹ nhàng mềm mại; 5. Nhuận trạch: thấm nhuần tươi mát; 6. An hòa: yên ổn hòa nhã; 7. Trừ được đói khát và vô số khổ não; 8. Trưởng dưỡng thân tứ đại, tăng trưởng các thiện căn”.

Sách Hải Dương phong vật chí, mục nhân vật thiền sư, Lịch triều hiến chương loại chí cũng đều ghi về câu chuyện của nhà sư Huyền Chân chùa Quang Minh (Chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc. Tương truyền có nhà sư tên tự là Huyền Chân tu ở đây, ai cũng khen là bậc cao tăng. Đến tuổi già, sư nằm mộng thấy Phật Di Đà giáng xuống bảo rằng: "Nhà ngươi có công với đạo pháp tấm lòng đã đạt tới huyền giám, kiếp sau sẽ được giáng sinh làm vua Trung Quốc". Đến khi sư hóa, đệ tử theo lời di chúc, lấy son viết 10 chữ vào vai. Sau sứ thần nước ta là Nguyễn Tự Cường sang sứ nhà Minh, vua Hy Tông nhà Minh triệu vào bảo cho biết những chữ ở trên vai mình. Vua cho rằng mình từng là sư ở chùa Quang Minh giáng sinh. Rồi sai về lấy nước giếng ở chùa ấy đem sang rửa, nét chữ mới hết. Nguyễn Tự Cường đi sứ về, tâu việc ấy lên, triều đình cho người đi tìm được chùa Quang Minh. Sau đó Tự Cường lại được giao đi sứ, cho lấy nước giếng chùa đưa đi để dâng vua Minh. Vua Minh dùng nước ấy lau rửa, quả nhiên mất hẳn vết chữ trên vai. Vua Minh rất ngợi khen, ban thưởng cho Tự Cường ba trăm lạng vàng đem về nước để tu sửa chùa Quang Minh để tỏ rõ sự linh dị.

NGUYỄN HUY KHUYẾN

Ý kiến bạn đọc