Cảnh quan môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng

VHO- Đã 13 năm trôi qua, 9 hộ dân nằm trong Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đi không được mà ở cũng không xong. Nguyên nhân là do người dân đang chờ quyết định của cấp có thẩm quyền để giải thoát cảnh “ở nhờ” chính trên ngôi nhà của mình.

Cảnh quan môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng - Anh 1

 Do chưa được di dời nên các hộ dân sống xung quanh vẫn đang phải đi băng qua Khu di tích Truông Bồn để ra đường lớn

 Ngày 4.5.2020, Văn Hóa có bài “Di dời người dân ra khỏi Khu di tích Truông Bồn (Nghệ An): 10 năm vẫn giậm chân tại chỗ”, những ngày đầu tháng 7 chúng tôi trở lại Khu di tích Truông Bồn. Gặp gia đình hộ dân Phùng Văn Nghĩa (73 tuổi, xóm 7, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương), nhân vật đã đề cập trong bài trước, mặc dù tay bắt mặt mừng nhưng ông vẫn không giấu được chuyện buồn…

Đằng đẵng đợi chờ

Bao năm đã qua đi, sự việc 9 hộ dân xóm 7, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) “mắc kẹt” trong Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn do vướng quy hoạch, và đến nay vẫn không có gì thay đổi. Hằng ngày, người dân vẫn phải băng qua khu tượng đài để sản xuất, nhà cửa thì xuống cấp, hư hỏng không thể sửa chữa, họ phải “ở nhờ” trên chính ngôi nhà của mình... Vậy nguyên nhân ở đâu?

Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 1591/ QĐ.UBND-CNXD ngày 19.4.2010, do Sở VHTTDL (thời điểm chưa chia tách) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo chương trình, dự án văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, sau khi khởi công vào ngày 25.6.2010, do khó khăn về nguồn vốn nên việc triển khai dự án không hiệu quả, đến ngày 26.9.2012, UBND tỉnh đã có Quyết định 3685/QĐUBND-ĐTXD chuyển giao dự án này cho Sở GTVT làm chủ đầu tư. Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư 175,4 tỉ đồng, sau đó đã điều chỉnh thành 366 tỉ đồng, xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 20ha.

Theo quy hoạch, dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn gồm 3 khu vực chính: Khu vực Tượng đài chiến thắng; Khu vực trung tâm và Khu vực bảo tồn, tôn tạo nhà dân xóm 9, nơi các cựu TNXP trú quân nhằm tái hiện lại khung cảnh sinh hoạt, đời sống của những năm kháng chiến. Đến nay, khu trung tâm rộng 19,98 ha đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình: Khu tưởng niệm, hồ điều hòa, đài tưởng niệm, nhà trưng bày, sân quảng trường, bãi đỗ xe... Ngày 8.8.2015, giai đoạn 1 của dự án chính thức được khánh thành và đưa vào hoạt động. Từ khi đi vào hoạt động, dự án vẫn chưa giải quyết xong công tác đền bù, di dời 9 hộ dân nằm trong khu quy hoạch, sát với khu vực tượng đài và rải rác xung quanh khu di tích. Mọi đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn diễn ra ngay bên cạnh khu di tích. Nguyên nhân do không thống nhất được phương án và khung giá đền bù. Người dân kiến nghị cần phải xây dựng khung giá đền bù mới, không đồng ý mức giá đền bù thời điểm trước để áp dụng.

UBND huyện Đô Lương cho biết, hiện đang còn có 9 hộ gia đình thuộc xóm 10 cũ (nay là xóm 7), xã Mỹ Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong 9 hộ thì có 6 hộ đã được lập hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng năm 2013 và 2014, đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhưng chưa có kinh phí chi trả; còn 3 hộ chưa được lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Cũng theo báo cáo của UBND huyện Đô Lương, vào thời điểm năm 2013, 2014 do tiến độ thực hiện dự án nên cả 9 hộ đã được bốc thăm nhận đất tái định cư và đã có 1 hộ đã xây dựng nhà trên đất tái định cư.

Cảnh quan môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng - Anh 2

 Người dân vẫn chăn thả trâu bò trong khu vực di tích

Huyện nhiều lần kiến nghị nhưng…

Để giải quyết cho các hộ dân, huyện đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư và UBND tỉnh giải quyết nhưng vẫn chưa thực hiện được. Ngày 6.8.2020, UBND huyện Đô Lương có văn bản số 1133 về việc lên khái toán số kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư cho 9 hộ dân đang nằm trong quy hoạch của dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 9 hộ dân là hơn 13,1 tỉ đồng. Bao gồm kinh phí bồi thường về đất; bồi thường nhà, công trình, cây cối, hoa màu, hỗ trợ đất vườn…Vào các năm 2019, 2020, UBND huyện Đô Lương tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở GTVT về hướng xử lý, đền bù, di dời cho các hộ dân. Tuy nhiên từ đó đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Ngày 16.3.2017, UBND tỉnh đã có văn bản số 1619/UBND-CN chấp thuận dừng dự án, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng và quyết toán giai đoạn 1. Sở GTVT Nghệ An cũng đã bàn giao công trình cho đơn vị quản lý để khai thác. Đến ngày 27.12.2019, UBND tỉnh cũng chính thức phê duyệt quyết toán giai đoạn 1. Trao đổi vấn đề này, ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho biết: Truông Bồn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho tuổi trẻ, là địa chỉ văn hóa tâm linh đón hàng vạn đồng bào, chiến sĩ về tri ân, thăm viếng anh linh các anh hùng, liệt sĩ. Tuy nhiên với thực trạng hiện nay, ngay bên phải khu vực tượng đài, nhiều nhà dân đã bị xuống cấp, nhiều chất thải chuồng trại chăn nuôi tiếp giáp gây ô nhiễm môi trường, khi mưa xuống gây nên tình cảnh lầy lội, nhếch nhác.

Cũng theo ông Lộc, việc 9 hộ dân vẫn sinh sống bên cạnh và sử dụng đường dân sinh chung với khu di tích, chăn thả gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan. Do chưa được giải phóng mặt bằng một cách dứt điểm nên đã ảnh hưởng sự trang nghiêm của Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Bên cạnh đó, trong khuôn viên khu di tích thuộc giai đoạn 1 đã triển khai hiện nay đang có đường điện cao thế 110Kv chạy qua giữa khu vực quảng trường, ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan và nguy cơ mất an toàn về điện rất cao. Tại nơi này thường xuyên tổ chức các lễ hội, sự kiện lớn cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Ngày 5.7 vừa qua, Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn có văn số 40CV/TB gửi UBND tỉnh với đề nghị thống nhất chủ trương, cho phép dừng dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn giai đoạn 2, giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất như hiện nay (với diện tích 20 ha hiện trạng); đề xuất UBND tỉnh sớm ban hành quyết định mở đường gom dân sinh (dài khoảng 700m) để các hộ dân yên tâm, ổn định cuộc sống và khu di tích được bảo vệ, phát huy giá trị tốt hơn. Về tuyến đường dây 110Kv đi qua Khu di tích, Ban quản lý kiến nghị hạ ngầm, di chuyển vị trí cột và đường dây 110Kv, nhằm đảm bảo an toàn cho Khu di tích.

 Truông Bồn là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho tuổi trẻ, là địa chỉ văn hóa tâm linh đón hàng vạn đồng bào, chiến sĩ về tri ân, thăm viếng anh linh các anh hùng, liệt sĩ. Tuy nhiên với thực trạng hiện nay, ngay bên phải khu vực tượng đài, nhiều nhà dân đã bị xuống cấp, nhiều chất thải chuồng trại chăn nuôi tiếp giáp gây ô nhiễm môi trường, khi mưa xuống gây nên tình cảnh lầy lội, nhếch nhác.

Việc 9 hộ dân vẫn sinh sống bên cạnh và sử dụng đường dân sinh chung với khu di tích, chăn thả gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan di tích.

(ÔNG PHAN TRỌNG LỘC, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Truông Bồn là tuyến đường độc đạo chiến lược, nối liền mạch máu giao thông để miền Bắc chi viện cho miền Nam ruột thịt. Không quân Mỹ đã dồn lực đánh phá ác liệt, biến Truông Bồn trở thành “tọa độ chết”. Sáng 31.10.1968, 13 chiến sĩ TNXP của tiểu đội thép, tiểu đội cảm tử thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An đã anh dũng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ. Năm 1996, Truông Bồn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Năm 2008, tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc