Bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm vẫn gặp những cái khó

VHO- Hướng tới kỷ niệm 10 năm (2014-2024) dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tại Nghệ An và Hà Tĩnh đang sôi nổi tổ chức Liên hoan dân ca Ví, Giặm cấp cụm, cấp tỉnh để chọn những tiết mục xuất sắc biểu diễn tại Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 28.7.

Bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm vẫn gặp những cái khó - Anh 1

 Sinh hoạt truyền dạy dân ca Ví, Giặm tại xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An)

 Tại Nghệ An, Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cụm IV tại thị xã Thái Hòa diễn ra trong 2 ngày 17- 18.7, với sự tham gia của gần 300 nghệ nhân đến từ 11 CLB dân ca. Mỗi CLB tham gia từ 3-4 tiết mục có nội dung ca ngợi tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống, tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phản ánh những đặc trưng văn hóa tiêu biểu của vùng đất Nghệ Tĩnh. Trước đó tại huyện Nam Đàn, huyện Anh Sơn, Liên hoan cũng đã diễn ra vào đầu và giữa tháng 7 với sự tham dự gần 600 nghệ nhân đến từ 22 CLB trong cụm.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VHTT cho biết, bám sát quy định của Ban tổ chức liên hoan, các CLB đã chú trọng đầu tư các tiết mục hình thức diễn xướng đậm màu sắc phong tục, ngành nghề truyền thống của địa phương, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Liên hoan năm nay đặc biệt có sự tham gia của các CLB Dân ca và đội văn nghệ hết sức mới ở các huyện miền núi, nghệ nhân tham gia có cả người dân tộc thiểu số, có CLB mới thành lập, mới tham gia Liên hoan lần đầu, quá trình sinh hoạt còn ít, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sáng tác, dàn dựng và thực hành di sản. Tuy vậy, các đơn vị đã rất tâm huyết, quyết tâm để mang đến một màu sắc mới tại Liên hoan.

Ở Hà Tĩnh, với hơn 400 nghệ nhân, diễn viên tham gia, Liên hoan dân ca Ví, Giặm toàn tỉnh năm 2023 đã trở thành ngày hội văn nghệ dân gian đặc sắc, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Liên hoan dân ca Ví, Giặm toàn tỉnh năm 2023 (16 - 17.7.2023) đã thu hút hơn 400 nghệ nhân, diễn viên đến từ 13 CLB tiêu biểu trên toàn tỉnh tham gia. Nghệ nhân Võ Thị Thúy Vân, CLB dân ca Ví, Giặm phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh cho biết: ”Tôi thực sự xúc động và tự hào khi tham gia Liên hoan lần này, bởi sau thời gian dịch bệnh Covid-19, đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức một kỳ liên hoan quy tụ những CLB tiêu biểu trên toàn tỉnh về tham dự. Để chuẩn bị cho chương trình tham dự liên hoan, 38 thành viên là các nghệ nhân và diễn viên của CLB chúng tôi đã miệt mài tập luyện hơn một tháng nay. Với 4 tiết mục, CLB cũng nỗ lực trong việc sưu tầm, biên soạn để các tiết mục đảm bảo 60% lời hát cổ, theo yêu cầu từ BTC. Liên hoan là dịp để chúng tôi thể hiện niềm say mê và tự hào khi được góp sức bảo tồn dân ca Ví, Giặm”.

Bảo tồn, phát huy dân ca Ví, Giặm vẫn gặp những cái khó - Anh 2

 Sinh hoạt diễn xướng dân ca Ví, Giặm phường nón tại xã Phù Việt (Thạch Hà, Hà Tĩnh)

CLB dân ca Ví, Giặm Trường Lưu huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cùng Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An; CLB dân ca Ví, Giặm huyện Nam Đàn (Nghệ An) sẽ góp phần trong chương trình nghệ thuật với chủ đề “Ví, Giặm - Tinh hoa tỏa sáng” tại đêm khai mạc Festival dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh 2023. Chị Nguyễn Thị Hảo, Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm xã Kim Song Trường bày tỏ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi được tham dự chương trình đặc biệt. Can Lộc là một trong những địa phương có truyền thống về dân ca Ví, Giặm. Từ xưa ở đây đã nổi tiếng với hát Ví phường vải Trường Lưu, Ví Giặm Thiên Lộc… Cho đến nay, Can Lộc đã thành lập được 9 CLB dân ca Ví, Giặm. Tuy nhiên, số CLB hoạt động hiệu quả đúng với tiêu chí bảo tồn và phát huy giá trị di sản vẫn rất ít ỏi. Xã Trường Lưu cũ và nay là Kim Song Trường được xem là một trong những cái nôi của dân ca Ví, Giặm nhưng thực tế hiện nay, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở địa phương chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn”.

Theo chị Hảo, cái khó nhất là thiếu nhân tố hát dân ca Ví, Giặm. CLB có 15-18 thành viên (con số biến động hằng năm) nhưng ngoài nghệ nhân Nguyễn Thị Hà năm nay đã hơn 70 tuổi là Chủ nhiệm CLB thì không có thành viên nào đạt đúng tiêu chí của một nghệ nhân biểu diễn dân ca Ví, Giặm đúng nghĩa. Lý do được cho là người có khả năng thì không có tâm huyết vào CLB, người trẻ lại không có đam mê. Mặt khác, nếu có đào tạo được một người trẻ tiệm cận với yêu cầu thì các em cũng nhanh chóng rời quê đi học hoặc đi làm… Do đó, CLB rất khó để duy trì hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm.

NSND Hồng Lựu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ cho biết, qua nhiều năm tham gia các liên hoan, liên hoan câu lạc bộ hát dân ca, điều trăn trở nhất là thiếu hụt rất nhiều lời mới vào kho tàng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Dân ca Nghệ Tĩnh “ý tại ngôn ngoại”, vì vậy để tìm được người viết dân ca Nghệ Tĩnh là rất khó. Để dân ca xứ Nghệ được bảo tồn, có sức lan tỏa trong cộng đồng, quan trọng nhất vẫn là phát huy vai trò của các CLB. Thế nhưng hiện nay, nhiều CLB hoạt động cầm chừng, chưa có chiều sâu và có xu hướng lắng lại. Thực tế lâu nay các CLB dân ca Ví, Giặm thành lập trên tinh thần tự nguyện và kinh phí hoạt động là tự túc và chỉ khi CLB tham gia đoạt giải cấp tỉnh thì mới được hỗ trợ một phần rất nhỏ. Chính vì thiếu sự quan tâm trong việc hỗ trợ kinh phí hoạt động eo hẹp nên đã giảm phần nào nhiệt huyết của người dân. Thiếu hạt nhân nòng cốt khi thế hệ nghệ nhân thâm niên ngày càng thưa vắng, thế hệ người trẻ có tố chất lại không mặn mà; chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân chưa thỏa đáng… là những nguyên nhân dẫn đến công việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An gặp khó. 

 PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc