Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức trao đổi học thuật về di sản

VHO - Nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hoá, sáng ngày 19.9, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức buổi sinh hoạt trao đổi học thuật chủ đề: “Phật giáo Champa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương”.

Buổi báo cáo có sự tham gia của bà Nguyễn Hoàng Hương Duyên, nghiên cứu sinh tại Đại học Nghiên cứu Á - Phi (SOAS), Đại học Luân Đôn (báo cáo viên chính) và khoảng 100 giảng viên, sinh viên của Khoa Lịch sử, Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), Khoa Du lịch (Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng), Khoa Du lịch  (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng).

Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức trao đổi học thuật về di sản - Anh 1

Thuyết minh viên giới thiệu bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương tại Bảo tàng điêu khắc Chăm

Trao đổi học thuật “Phật giáo Champa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương” nhằm giới thiệu một trong các bộ sưu tập tiêu biểu và quan trọng nhất tại Bảo tàng điêu khắc Chăm với 2 trong 6 bảo vật quốc gia hiện có. Bộ sưu tập thể hiện một giai đoạn phát triển rực rỡ của vương quốc Champa xưa với những đỉnh cao đã để lại từ kiến trúc, điêu khắc, cùng những ảnh hưởng, lan tỏa về chính trị, tôn giáo, văn hóa… đến nhiều quốc gia trong khu vực. 

Đây là buổi học thuật thứ 2 của Bảo tàng Điêu khắc Chăm, trước đó, trên cơ sở khảo sát nhu cầu của sinh viên và giảng viên các chuyên ngành lịch sử, văn hoá, kiến trúc và du lịch trên địa bàn thành phố, năm 2023, Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tổ chức thí điểm triển khai các chương trình giáo dục chuyên đề dành riêng cho nhóm đối tượng này, dưới hình thức là các buổi trao đổi học thuật nhằm tìm hiểu nghệ thuật tôn giáo Champa thông qua bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc trưng bày tại Bảo tàng. Buổi học thuật thứ nhất được tổ chức vào tháng 5.2023 mang chủ đề “Siva giáo thể hiện qua bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng” đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các giảng viên và sinh viên tham dự, nhận được nhiều chia sẻ, tương tác hữu ích trong công tác dạy và học.

Đặc biệt trong khuôn khổ chương trình lần thứ 2, Bảo tàng điêu khắc Chăm đã mở kho đặc biệt - nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia là Bồ Tát Tara và Ganesha để khách tham quan và sinh viên xem trực tiếp 2 hiện vật gốc.

NGỌC HÀ
 

Ý kiến bạn đọc