Triết lí nhân sinh quan trong bữa ăn của người Pà Thẻn

HUYỀN CHÂU; ảnh: VICAS

VHO - Văn hóa ẩm thực và cung cách ứng xử dân gian trong ăn uống của người Pà Thẻn có nhiều nét độc đáo, riêng biệt, đặc biệt có nhiều món ăn mang ý nghĩa về mặt tinh thần và tâm linh.

Triết lí nhân sinh quan trong bữa ăn của người Pà Thẻn - ảnh 1
Người nấu ăn chính trong gia đình người Pà Thẻn là phụ nữ

Đối với dân tộc Pà Thẻn, bữa ăn không chỉ phản ánh cách thức chế biến nguồn lương thực mà còn tái hiện tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, quan hệ xã hội và đời sống tâm linh. 

Lúa gạo chiếm tỉ trọng lớn trong bữa ăn hàng ngày

Song song với trồng trọt và chăn nuôi, người Pà Thẻn vẫn bảo lưu phương thức săn bắt, hái lượm nên nguồn lương thực, thực phẩm chính của đồng bào có được một phần nhờ vào những hoạt động này.

Trong bữa ăn hàng ngày, nguồn lương thực chính của họ là lúa gạo (tiếng Pà Thẻn gọi là mồ chí), ngô (cà xị), khoai, sắn, dong, giềng và các loại củ đào trong rừng.

Người Pà Thẻn trồng lúa tẻ và lúa nếp trên nương, trong đó lúa nếp chỉ dùng để thổi xôi, thổi cơm trong những ngày lễ. Giống ngô truyền thống người Pà Thẻn hay ăn là loại ngô thân cao, bắp to, hạt đều và mẩy. Dong giềng, sắn hay khoai lang, khoai sọ thường được trồng xen canh với ngô hoặc trồng thành những khoảnh riêng trên nương hay trong vườn nhà.

Trước kia năng suất trồng trọt chưa cao, vào mùa giáp hạt, người Pà Thẻn vào rừng đào củ nâu, củ mài và các loại cây thân bột khác về ăn thay cơm.

Triết lí nhân sinh quan trong bữa ăn của người Pà Thẻn - ảnh 2
Văn hóa ẩm thực và cung cách ứng xử dân gian trong ăn uống của người Pà Thẻn có nhiều nét độc đáo

Rau quả có được từ hái lượm khá phong phú như: nấm đất, rau tàu bay, rau dớn, rau vi nhúng, hay cây vi-đẽ-ơ... Măng rừng có nhiều loại như măng toe, măng nứa, măng giang, măng vầu... Người Pà Thẻn còn sử dụng các loại quả rừng như quả vả, quả dâu da, quả pị in pô, hay quả pị cò mu, quả pị pa ni,... Nguồn thực phẩm còn lại có nguồn gốc từ trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm và một phần qua trao đổi. 

Rau ăn theo mùa, ít đạm

Người Pà Thẻn có thói quen ăn rau theo mùa và chỉ ăn loại rau phổ biến của dân tộc mình, khi nào không kiếm được loại rau ấy họ mới ăn rau khác. Chẳng hạn như mùa đông, món rau quen thuộc trong các bữa ăn của họ là rau cải. Loại rau này hơi khác so với rau cải của người Kinh vì tàu lá và sống lá to bản nhưng ăn đắng hơn so với rau cải bẹ.

Các mùa khác thì cải bắp hoặc đỗ tương. Ngoài ra còn có đậu phụ và lạc... Ngoài rau, bà con còn ăn một số loại hoa quả trồng trong vườn như hồng, mít, mía...

Nguồn thức ăn có chất đạm và mỡ ít xuất hiện trong bữa ăn hàng ngày của người Pà Thẻn, một phần do điều kiện kinh tế, phần khác do buôn bán trao đổi chưa phát triển mạnh. Bà con thường ăn cá, thịt chim, thịt chuột, thịt gà, thịt vịt, thịt trâu, thịt lợn.

Qua đó có thể thấy, cơ cấu bữa ăn hàng ngày của đồng bào Pà Thẻn cơ bản là cơm-rau-thịt nhưng chủ yếu vẫn là cơm và rau, những gia đình khá giả cũng chỉ ăn thịt từ một đến hai lần một tuần; gia đình khó khăn thì chủ yếu ăn cơm-rau, thi thoảng mới ăn thịt những vật nuôi trong nhà hoặc tự săn bắt được.

Cách thức tổ chức bữa ăn

Người Pà Thẻn đặc biệt thích ăn các món nướng. Với các loại thịt, họ để nguyên cả con, hoặc cả miếng, chỉ tẩm ướp đơn giản với muối. Ướp xong, thịt được nướng trên bếp lửa rồi gác lên bếp. Thịt cũng có thể dùng để nấu canh, chẳng hạn như thịt gà sau khi rang thì một phần dùng để ăn, phần còn lại nấu canh với vài lát gừng, hành và thảo quả.

Với cá, ngoài nướng người Pà Then còn ướp muối rồi rán hoặc kho với riềng, sả, rau giăm và mẻ. Mẻ được làm từ rau cải thái nhỏ, phơi khô, muối với một ít cơm nguội để lên men chua. Mẻ của người Pà Thẻn có vị hơi ngai ngái của rau cải, khác vói mẻ của người Kinh. 

Triết lí nhân sinh quan trong bữa ăn của người Pà Thẻn - ảnh 3
Món canh của người Pà Thẻn

Họ cũng thường xào thịt trâu với tỏi hoặc luộc nhừ, xé nhỏ chấm muối ớt, củ riềng và rau giăm, hoặc với nước mắm thái thêm ít lá riềng hay lá hẹ. Nếu bẫy được chuột, cách chế biến của đồng bào là: lấy que nứa chọc bụng, moi ruột, hơ lửa cho đến khi trụi lông mới bỏ ra làm sạch, sau đó ướp muối và gác lên gác bếp, khi ăn thì chặt nhỏ và xào với xả, gừng. 

Ngoài các món thịt gác bếp, người Pà Thẻn còn dự trữ thực phẩm bằng cách muối thịt trong những ống bương hoặc ống tre khoét rỗng có nắp đậy. Thịt được thái miếng to bản, nếu là thịt trâu hoặc bò thì dùng chày đập dập rồi xếp thành từng lớp vào ống, cứ hết mỗi lớp thịt lại rải một lần muổi lên trên. Thịt muối như vậy có thể để được từ 1-2 tháng đến cả năm.

Chó mèo ăn trước, người ăn sau

Trước kia, người Pà Thẻn chỉ ăn chung một bữa chính trong ngày vào buổi sáng trước khi lên nương. Thời gian còn lại trong ngày, các thành viên trong gia đình muốn ăn lúc nào thì tự lấy ăn. Dần dần, đời sống khấm khá hơn, đồng bào chuyển sang ăn 3 bữa một ngày. Bữa sáng và tối cả nhà quây quần ăn cùng nhau, bữa trưa đem theo thức ăn lên nương, chỉ có trẻ em và người già ăn ở nhà. 

Người Pà Thẻn ăn cơm cạnh bếp lửa, ngày thường tất cả các thành viên đều ăn cùng mâm, người mẹ và cô con gái lớn ngồi đầu mâm điều khiển bữa cơm. Khi nhà có khách, chủ nhà và con trai trưởng sẽ ngồi tiếp khách trên chiếc giường quan, còn phụ nữ trong nhà vẫn ăn cơm cạnh bếp lửa. 

Triết lí nhân sinh quan trong bữa ăn của người Pà Thẻn - ảnh 4
Bữa cỗ mừng năm mới của người Pà Thẻn

Điều đặc biệt là, nếu nhà nào nuôi chó mèo thì đến bữa cơm chó và mèo sẽ được cho ăn trước. Điều này xuất phát từ một truyền thuyết xa xưa của người Pà Then thể hiện lòng biết ơn của con người với chó và mèo - hai con vật đã mang lúa gạo về bản, cứu con người thoát khỏi nạn đói sau cơn đại hồng thuỷ. 

Chuyện kể rằng, xưa kia người Pà Thẻn gặp phải nạn hồng thuỷ rất lớn. Tất cả hoa màu bị nước cuốn trôi, họ không có thóc gạo để ăn. Khi đó, muôn loài đều hiểu tiếng của nhau, chó là con vật thông minh, nhanh nhẹn nên được giao nhiệm vụ đi tìm thóc về cứu người. Chó lấy được hạt thóc mang về, nhưng khi qua sông chó bị ướt, bèn lắc thân người cho khô, nhưng không may làm rơi hạt giống vào hang. Chân chó to không nhặt được nên kêu mèo tới nhặt hạt về. Sau đó 2 con vật cùng nhau mang hạt thóc về cứu đói cho người.

Người Pà Thẻn dùng hạt thóc đó để làm giống và duy trì sự sống đến ngày nay. Chính vì vậy, để nhớ ơn chó và mèo, trong bữa cơm hàng ngày bao giờ người Pà Thẻn cũng dành cho chó, mèo ăn trước.

Bữa cơm bên bếp lửa của người Pà Thẻn mang không khí thiêng liêng, ấm áp, không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất của con người mà còn góp phần thắt chặt tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc