Trăn trở “giữ lửa” nghề đan lát truyền thống của người Tày tại Cao Bằng

NGUYÊN THÙY

VHO - Nghề đan lát mây tre của người dân tộc Tày tại Cao Bằng vốn là một nét văn hóa đặc trưng từ lâu đời. Tuy nhiên nét đẹp văn hóa ấy đang đứng trước nguy cơ mai một giữa cuộc sống hiện đại.

Nghề truyền thống lâu đời

Đến thăm xã Minh Khai (huyện Thạch An, Cao Bằng), chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự đổi thay của xã miền núi nghèo. Chỉ mới 5 năm trước, nhiều hộ gia đình tại xã Minh Khai vẫn chưa có điện sinh hoạt, hầu hết nhà của người dân đều là nhà tranh vách đất.

Tăng gia sản xuất và những chính sách phát triển hiệu quả của tỉnh nhà đã giúp xã Minh Khai “thay da, đổi thịt”. Nhưng không vì thế mà vùng đất giàu truyền thống cách mạng này mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Một trong số đó là truyền thống đan lát mây tre của người Tày.

Từ xa xưa, người Tày, Nùng ở xã Minh Khai ai cũng biết đan lát với nguyên liệu là cây tre, nứa, giang. Các cụ già đan những vật dụng có kỹ thuật phức tạp như chiếu cót, giỏ đựng đồ... Người trẻ thì đan những đồ dùng đơn giản như nong, nia, rổ, rá… rồi dần dần tiếp cận được các kỹ thuật phức tạp hơn. Cứ như vậy, kỹ thuật đan lát của người Tày đã gắn bó với mỗi con người nơi đây.

Người dân xã Minh Khai tạo ra rất nhiều sản phẩm từ đan lát. Tất cả những sản phẩm này đều sử dụng cây nứa, giang, mây. Trước kia, người dân đan chủ yếu bằng cây nứa, giang. Ngày nay, cây tre được đem vào sử dụng để tạo ra các sản phẩm đan lát. Kỹ thuật chẻ nan đảm bảo độ dày, mỏng thật đều, thật phẳng thì sau đó đan mới đẹp, phải biết chọn từng đoạn nan sao cho độ dẻo, cứng tương xứng với nhau.

Trăn trở “giữ lửa” nghề đan lát truyền thống của người Tày tại Cao Bằng - ảnh 1

Sản phẩm đan lát hầu hết là những vật dụng phục vụ cho đời sống của đồng bào dân tộc Tày

Bên cạnh đó, nguyên liệu cần được bảo quản cẩn thận ở chỗ cao ráo, tránh mối mọt. Để tạo màu sắc, hoa văn cho sản phẩm đan, người làm có thể giữ nguyên màu vỏ xanh đậm của tre để kết hợp với nan thường trong quá trình đan; có thể nhuộm nan bằng màu. Để nan lên gác bếp, hun khói trong khoảng thời gian khác nhau cũng tạo ra những bó nan có màu vàng, đậm nhạt khác nhau.

Được tận mắt quan sát nghệ nhân Trần Thị Huyền (xóm Nà Kẻ, xã Minh Khai) thực hiện những công đoạn đan mây, không khó để nhận ra sự khéo léo, tỉ mỉ của bà. Từng lát tre mỏng được người nghệ nhân uốn nắn khéo léo, đan cài vào nhau với kĩ thuật phức tạp. Thành phẩm cho ra là những chiếc nón chắc chắn, đẹp mắt.

Trăn trở “giữ lửa” nghề đan lát truyền thống của người Tày tại Cao Bằng - ảnh 2

 Tỉ mỉ đan từng nan mây để tạo ra thành phẩm

Chính bởi những công đoạn tỉ mỉ cùng sự trau chuốt nên sản phẩm đan lát của người Tày ở xã Minh Khai luôn có nét đẹp riêng so với những vùng khác.

Đặc biệt, năm 2021, xã Minh Khai là địa phương duy nhất của tỉnh có 4 nghệ nhân được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề truyền thống đan lát gồm Trần Thị Huyền, xóm Nà Kẻ; Nông Thị Luyên, xóm Nặm Tàn; Nông Thị Nhi và Đinh Thị Kim, xóm Nà Đoỏng.

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thông qua du lịch

Mặc dù nghề đan lát tại xã Minh Khai đã có từ lâu đời, tuy nhiên, đây chỉ là nghề tay trái của những người dân địa phương. Ngay cả những nghệ nhân lâu năm, dù rất tâm huyết với nghề nhưng họ đều có thêm nhiều việc khác để tăng thu nhập cho cuộc sống.

Nghệ nhân Đinh Thị Kim chia sẻ: “Thời gian chủ yếu tôi dành để chăn nuôi, trồng trọt để kiếm thêm thu nhập. Tôi chỉ đan lát chiếu cói khi có người đặt hàng hoặc đan lát đồ dùng cho gia đình.”

Gia đình nghệ nhân Đinh Thị Kim có truyền thống nhiều đời đan lát mây tre. Bản thân chị cũng học nghề từ mẹ chồng, một nghệ nhân lão luyện của địa phương. Tuy nhiên trong lòng chị vẫn đau đáu việc truyền nghề cho con cháu sau này. Bởi lẽ con gái của chị đã không còn mặn mà với nghề đan lát của dân tộc. “Bản thân mình muốn truyền nghề, dạy con để giữ lấy nghề của dân tộc. Nhưng con cái chẳng mấy mặn mà, điều ấy làm làm mình chạnh lòng lắm.”, nghệ nhân Định Thị Kim chia sẻ với đôi mắt đượm buồn.

Trăn trở “giữ lửa” nghề đan lát truyền thống của người Tày tại Cao Bằng - ảnh 3

Nghệ nhân Đinh Thị Kim trưng dụng khoảng sân trước nhà làm nơi đan lát, tạo ra những sản phẩm phục vụ đời sống

Gia đình nghệ nhân Đinh Thị Kim không phải gia đình duy nhất ở xã Minh Khai gặp tình trạng mai một nghề truyền thống. Hiện nay, hầu hết những gia đình tại xã vùng cao này chỉ còn thế hệ trước biết đan lát và vẫn sử dụng vật dụng đan lát thủ công. Người trẻ trong xã đã dần quên lãng những nét đẹp truyền thống của quê hương.

Mặc dù Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Khai đã cùng các nghệ nhân địa phương nỗ lực dạy nghề, khuyến khích người trẻ học nghề. Tuy nhiên số lượng người trẻ tham gia học đan lát tại đây vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này không khỏi khiến chính quyền địa phương và những nghệ nhân nơi đây lo ngại về tương lai của nghề truyền thống này.

Thế nhưng, tín hiệu đáng mừng là cùng với nỗ lực bảo tồn của chính quyền địa phương, nghề đan lát của dân tộc Tày còn được bảo tồn, phát huy các giá trị thông qua du lịch và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng và tham quan các di tích lịch sử, du khách đến với Cao Bằng còn có cơ hội trực tiếp tham gia hoạt động đan nón, rổ thủ công của người dân tộc Tày.

Trăn trở “giữ lửa” nghề đan lát truyền thống của người Tày tại Cao Bằng - ảnh 4
Du khách trải nghiệm nghề đan lát truyền thống của người Tày

Trên thực tế, việc kết hợp phát triển du lịch với bảo tồn nghề truyền thống không chỉ đơn thuần là đến xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm, hay đến mua sắm, tham quan làng nghề mà du khách còn mong muốn được tìm hiểu những giá trị văn hóa trong đó. Chính vì vậy, việc đưa nghề đan lát của dân tộc Tày vào các hoạt động du lịch trải nghiệm là một trong những giải pháp hiệu quả giúp bảo tồn và phát huy các giá trị của ngành nghề này.

Trăn trở “giữ lửa” nghề đan lát truyền thống của người Tày tại Cao Bằng - ảnh 5
Nhiều du khách thể hiện sự ưa thích đối với các sản phẩm đan lát của người Tày

Chia sẻ với Văn Hóa, chị Nguyễn Kim Phương, chủ của homestay Tày’s (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) cho biết, nghề đan lát truyền thống của người Tày được chị đưa vào hoạt động trải nghiệm và rất được lòng các du khách.

“Rất nhiều khách du lịch ấn tượng với các sản phẩm đan lát truyền thống của dân tộc Tày. Thậm chí nhiều người còn quay lại tới vài lần chỉ để được trải nghiệm thêm các hoạt động đan lát thủ công”, chị Phương chia sẻ.

Với nét đẹp văn hóa vốn có, nghề đan lát truyền thống của dân tộc Tày tại Cao Bằng đã và đang phát huy tiềm năng trong việc thu hút khách du lịch tới với miền biên cương Tổ quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị quên lãng này.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc