Thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang
VHO - Ngày 9.11, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức “Hội nghị Kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024”.
Hội nghị có sự tham gia của Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Tiến Hưng; các lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; lãnh đạo các huyện: Lâm Bình, Sơn Dương; đại diện HHDL tỉnh Tuyên Quang, Ban Dân tộc tỉnh, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị
Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 1.6.2024 của UBND tỉnh về việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2024.
Hội nghị đã giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, các doanh nghiệp tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của tỉnh.
Đây cũng là tiền đề cho các hoạt động đầu tư và mở rộng quan hệ hợp tác khai thác, phát triển sản phẩm thương mại, du lịch, làng nghề giữa tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thông qua Hội nghị đã tạo ra sự gắn kết giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch, mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang với các tỉnh, thành phố trong nước.
Bà con đồng bào dân tộc tham gia Hội nghị này là các đối tượng được quy định tại khoản 1, 2, 4, Điều 25 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30.6.2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719).
Tỉnh Tuyên Quang có 121 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 570 thôn đặc biệt khó khăn. Những năm qua, thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện 10 dự án và 13 tiểu dự án.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 121/138 xã được thụ hưởng nhiều chính sách từ các dự án. Đây là nguồn hỗ trợ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Tuyên Quang đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển sản xuất, kết cấu hạ tầng nông thôn vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tập trung xây dựng công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu, từ đó đời sống người dân được nâng cao.
Từ năm 2022 - 2024 tỉnh đã thực hiện phân bổ 2.203.660 triệu đồng để triển khai các nội dung chính sách thuộc chương trình. Nhờ đó, có 11 xã khu vực III, 8 xã khu vực II hoàn thành xây dựng nông thôn mới trở thành xã khu vực I, đạt mục tiêu chương trình đề ra. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong những năm qua, thực trạng kinh tế và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung.
Việc chuyển dịch cơ cấu lao động chậm, lao động chủ yếu vẫn làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp. Tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ bé, xuất phát điểm thấp nên tăng tương đối thấp.
Số lượng dự án đầu tư vào địa bàn các xã khu vực 2 rất ít, hầu như không có các dự án đầu tư ở các xã khu vực III; Điện, đường, trường, trạm,… chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân;…
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên một phần là do công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được quan tâm.
Nguồn lực, nguồn vốn đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, các địa phương còn thiếu nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, các sản phẩm du lịch, dịch vụ, thương mại và làng ngh. Đây được xem là nguyên nhân chính tạo “lực cản” trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương.
Đề xuất các giải pháp phù hợp cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tại Hội nghị, các đại biểu đã xem trình chiếu clip đầu tư, thương mại, du lịch và làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang.
Các đại biểu cũng đã nghe đại diện doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang phát biểu, trao đổi, thảo luận về việc phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn; việc giao thương, kết nối tiêu thụ sản phẩm; việc hình thành các sản phẩm OCOP, chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế, du lịch; môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Tuyên Quang; những cơ hội để tiếp cận thị trường như Tuần hàng thương mại, nông sản, du lịch, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024 tại Hà Nội lần này.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang bày tỏ mong muốn hợp tác phát triển đầu tư, xây dựng sản phẩm, tiêu thụ hàng hoá, đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến. Đây sẽ là tiền để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối giao thương giữa tỉnh Tuyên Quang với các thị trường trọng điểm, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
“Tuyên Quang đã có 6 sản phẩm OCOP được xuất khẩu sang Anh, nhiều sản phẩm OCOP, nông đặc sản của địa phương được tiêu thụ khắp cả nước. Chúng tôi mong muốn, những sản phẩm của địa phương, đặc biệt là hàng hoá, sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Tuyên Quang sẽ tiếp tục tới được các thị trường lớn và người tiêu dùng trong, ngoài nước”, ông Nguyễn Tiến Hưng bày tỏ.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, Tuyên Quang có quá nhiều ưu đãi về thiên nhiên, khí hậu dễ chịu; văn hoá đặc sắc; con người thân thiện, chăm chỉ, sáng tạo nên không có lý do gì Tuyên Quang lại không phát triển mạnh được.
“Để thu hút được các nhà đầu tư, Tuyên Quang cần có sự quy hoạch đồng bộ; đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng; có chính sách ưu đãi và đầu tư như: thuế đất, thuế thu nhập. Bên cạnh đó, cần khai thác tiềm năng du lịch văn hoá, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, giữ gìn bản sắc dân tộc; phát triển nông, lâm sản chất lượng cao; đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, xây dựng thương hiệu quảng bá, mỗi một người dân sẽ là một Youtuber, một Tiktoker, mỗi một đơn vị sẽ trở thành một tổ hợp truyền thông; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, bà Nguyễn Kiều Oanh gợi ý.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng miền để đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, hiện thực hoá khát vọng đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Kế hoạch số 90/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có hơn 230 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 138/138 xã phường thị trấn đều có sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên còn huyện lực; mỗi huyện/thành phố có ít nhất 1 sản phẩm OCOP hạng 5 sao.
Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, đến nay, toàn tỉnh có 240 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, đạt 104,3% mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 90/KH-UBND.
Trong đó, 201 sản phẩm đạt hạng 3 sao, có 38 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, của 179 chủ thể (133 hợp tác xã, 12 doanh nghiệp, 6 tổ hợp tác và 28 hộ kinh doanh trên địa bàn 121/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP), đạt 87% kế hoạch.
Hội nghị Kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024 nằm trong Kế hoạch tổ chức Hội nghị kết nối giao thương thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang.
Tuần hàng thương mại, nông sản, du lịch, đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024 tại Hải Phòng từ ngày 13-15.12. Hội nghị Kết nối giao thương, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang năm 2024 tương tự Hội nghị nói trên tại Hà Nội cũng sẽ được tổ chức ở Hải Phòng.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác về đầu tư, thương mại và du lịch giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Tuyên Quang với các doanh nghiệp, hợp tác xã của các địa phương; giữa Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội và Hiệp hội du lịch tỉnh Tuyên Quang.