Sức hút ở Hướng Hóa
VHO - Việc triển khai Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” tại tỉnh Quảng Trị đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào vùng cao và mở ra nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều mô hình, điểm đến du lịch cộng đồng, trong đó tập trung nhiều ở các địa phương miền núi. Một số mô hình đã mang đến hiệu quả dựa vào tài nguyên thiên nhiên và nét đặc sắc văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa, điển hình tại huyện miền núi Hướng Hóa. Điểm du lịch cộng đồng ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và khí hậu mát mẻ quanh năm. Không chỉ có cảnh quan hùng vĩ, núi rừng, suối thác mà sức hút ở Chênh Vênh còn nhờ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Bru Vân Kiều. Thực hiện Dự án 6, huyện Hướng Hóa đã phối hợp với các đơn vị phục dựng Lễ hội Mừng lúa mới của người Vân Kiều tại thôn Chênh Vênh, cùng với tích cực bảo tồn các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống, quảng bá và phát huy thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng nơi đây.
Tại huyện Hướng Hóa, cũng phải kể đến điểm du lịch sinh thái thác Tà Puồng ở xã Hướng Việt với hệ thống thác nước tuyệt đẹp, khí hậu dễ chịu và văn hóa bản địa của đồng bào Vân Kiều, thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm. Huyện Hướng Hóa đang từng bước quy hoạch du lịch cộng đồng tại các địa phương còn lưu giữ đậm nét văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô; quy hoạch du lịch cộng đồng gắn với xây dựng làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát, làm và biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các xã Hướng Việt, Hướng Phùng, Lìa...
Đẩy mạnh hiệu quả việc thực hiện Dự án 6, từ năm 2022 đến nay, huyện Hướng Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động trong công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn như tổ chức 4 lớp tập huấn cồng chiêng cho gần 300 học viên của 97 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 3 lớp tập huấn hát dân ca Vân Kiều cho các học viên ở các xã Hướng Tân, Hướng Linh, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập. Đồng thời, hỗ trợ các loại nhạc cụ và trang phục truyền thống cho 6 câu lạc bộ văn nghệ dân gian của các cộng đồng trên địa bàn huyện; hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại 97 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Huyện Hướng Hóa cũng đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể tại các thôn của các xã: Thuận, Lìa, Xy, A Dơi, Ba Tầng, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập. Tổ chức phục dựng, tái hiện Lễ hội A Da (Cúng lúa mới) của đồng bào Pa Cô tại xã Lìa...
Nguồn kinh phí phân bổ để thực hiện Dự án 6 cho các địa phương tại Quảng Trị tương đối lớn. Từ năm 2021-2025, nguồn vốn đầu tư phát triển là hơn 95 tỉ đồng, được phân bổ về cho các huyện để triển khai, trong đó: Huyện Hướng Hóa hơn 51,7 tỉ đồng, huyện Đakrông hơn 40,7 tỉ đồng, huyện Gio Linh hơn 2,1 tỉ đồng... Từ năm 2022-2024, nguồn vốn sự nghiệp cũng bố trí hơn 19,7 tỉ đồng để ngành văn hóa và các địa phương thực hiện Dự án 6.
Theo ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị, thời gian qua Sở và các địa phương đã tích cực triển khai nhiều nội dung của Dự án 6 góp phần bảo tồn, giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ hoạt động cho 2 đội văn nghệ truyền thống của xã A Bung và xã Tà Rụt, huyện Đakrông; hỗ trợ trang thiết bị cho 7 thôn của xã Tà Rụt; xây dựng 25 tủ sách cộng đồng cho các xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và xuất bản 2 phim tư liệu về văn hóa truyền thống của đồng bào về “Hành trình cây lúa nước của đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều”; chương trình ký sự du lịch miền núi Quảng Trị. Đồng thời triển khai kiểm kê, khảo sát các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 4 lớp tập huấn (30 học viên/lớp) tại xã A Bung, huyện Đakrông; xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh; xã Linh Trường, huyện Gio Linh; tại Khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.
“Nhiều hoạt động được triển khai thực hiện; Lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô được bảo tồn; các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ tại vùng đồng bào được thành lập, thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư, xây dựng; các làng nghề thủ công truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô được khôi phục, gìn giữ… góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương”, ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Trị thông tin.