Những nghệ nhân nặng lòng với nghề truyền thống
VHO - Đau đáu trước tốc độ phát triển của công nghệ số, sự mở rộng và giao lưu của văn hoá giữa các vùng miền, của nếp sống hiện đại, những nghệ nhân và một số gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Liên Minh (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã và đang âm thầm bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của cha ông, không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới mà còn gìn giữ di sản văn hóa cho thế hệ mai sau.
Ghé thăm gia đình ông Tẩn Chằn Quyên, dân tộc Dao đỏ ở thôn Nậm Cang, xã Liên Minh khi gia đình ông vừa hoàn thành xong gian phòng riêng để làm nơi ông chế tác bạc thủ công cho bà con dân bản. Được truyền nghề lại từ đời ông nội, từ bố mình và học được nghề chạm khắc bạc từ người già trong bản, ông Quyên từ yêu thích cái nghề tỉ mẩn và giữ gìn nó đến bây giờ.
Ông Tẩn Chằn Quyên bảo: Bọn trẻ giờ đi học và đi làm xa nhà, rất hiếm cháu nào thích làm cái nghề này nữa. Thế nên, nếu mình không làm, không truyền nghề lại cho con cháu, cho mọi người trong bản biết nghề, chả mấy nữa, nghề chạm bạc truyền thống chỉ còn trong câu chuyện kể mai sau…
Cũng theo ông Tẩn Chằn Quyên, ông đã gắn bó nhiều năm với nghề chạm khắc bạc nhiều năm nay, từ lúc còn thanh niên, ông đã làm quen với lò than, với búa với những dụng cụ chạm khắc bạc này rồi.
Ban đầu làm cho mọi người trong gia đình, dòng họ dùng để trang trí trên trang phục truyền thống, sau đó, có nhiều người biết ông làm bạc đẹp đã mang bạc đến thuê ông làm cho. Trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, bản Nậm Cang có nhiều khách du lịch theo các tour đến trải nghiệm bản làng người Dao đỏ, ông Tẩn Chằn Quyên hằng ngày vẫn làm bạc để cho khách trải nghiệm nghề xưa.
Chính vì hơn 2 năm du lịch đóng băng, khiến lò than của ông cũng đỏ lửa ngắt quãng, thi thoảng mới có người đến thuê làm… Dịp này, Sa Pa đã có khách trở lại, ông bàn với gia đình quyết định dành một không gian riêng để đón khách trải nghiệm khi đến xã Liên Minh du lịch.
Cũng giống như ông Tẩn Chằn Quyên, ông Vàng A Trư, dân tộc Mông trắng ở thôn Nậm Than vốn là người giỏi nghề rèn đúc nông cụ nức tiếng cả vùng đất Nậm Cang xưa, tuy vẫn giữ nghề nhưng cũng chỉ “túc tắc” cuộc sống hiện đại và sự phổ biến của dụng cụ làm bằng phương tiện, máy móc…
Vừa đổ bao than hoa đốt từ cây gỗ trám cho thêm vào bễ để rèn dao, ông Vàng A Trư trò chuyện: "Tôi yêu thích nghề này từ bé. Hồi còn nhỏ, thấy các cụ trong bản làm, thích lắm. Lớn lên khi học theo và biết làm rồi, thì cứ đam mê và giữ nghề từ bấy cho đến nay".
Thời trước, khi đường giao thông đến Nậm Than còn chưa thuận, nên gần như cả vùng này, ông Vàng A Trư chuyên rèn dao và nông cụ để bán cho người dân trong vùng, thậm chí nhiều vùng đồng bào Mông ở tận Lai Châu, Yên Bái nghe tiếng tìm mua dao, cuốc và các dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp do ông Trư rèn.
Gia đình ông còn mở một cửa hàng rèn nông cụ bán ngay tại xã cho người dân ở vùng này. Thu nhập từ nghề rèn nông cụ cũng mang lại nguồn thu nhập thêm ngoài sản xuất nông nghiệp (cấy lúa, trồng ngô, canh tác thảo quả…).
Cũng ở thôn Nậm Than, bà Vù Thì Xoá hằng ngày ngoài giữ nghề dệt vải nhuộm chàm, còn giữ một nghề truyền thống độc đáo của người Mông trắng, đó là nghề làm giấy tre.
Cứ tháng Tư và tháng Tám hằng năm, bà Vù Thị Xoá lại chuẩn bị lấy cây tre mai về ngâm ủ để làm giấy. Hằng ngày, bà Xoá đập giã hoà bột giấy và phơi được khoảng 10 tấm giấy, mỗi tấm giấy bán lẻ 20 nghìn đồng. Giấy tre được các gia đình người Mông dùng trong hoạt động tín ngưỡng, nghi lễ và tang ma truyền thống của họ.
Gia đình bà Xoá tham gia làm homestay nên ngoài làm giấy để dùng, để bán cho người dân địa phương, bà xoá còn trình diễn các công đoạn nghề làm giấy tre thủ công cho khách du lịch đến nghỉ dưỡng tại gia đình.
Hiện tại, du lịch cộng đồng ở Liên Minh bắt đầu phát triển, ngoài trải nghiệm ngắm lúa vàng, thì phát huy bản sắc văn hoá dân tộc đang được cấp uỷ chính quyền xã Liên Minh đưa vào định hướng phát triển kinh tế văn hoá, xã hội của địa phương.
Bí thư Đảng uỷ xã Liên Minh, ông Vù A Trùng cho biết, xác định bên cạnh phát triển kinh tế từ nông nghiệp, nuôi cá nước lạnh, canh tác thảo quả, xã Liên Minh đã và đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng.
Trong đó, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số giữ gìn bản sắc văn hoá, như nghề chạm khắc bạc, nghề làm thuốc tắm (của đồng bào Dao đỏ), nghề rèn đúc nông cụ, nghề làm giấy tre, nghề đan gùi (của đồng bào Mông trắng); nghề thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào Xa Phó (ở các thôn Nậm Kéng, Nậm Sài)…
Đặc biệt là khuyến khích các nghệ nhân, người có uy tín, người thạo nghề bảo tồn nghề, trong tương lai sẽ thúc đẩy để phát triển thành các làng nghề truyền thống, phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.