Người thầy thuốc “trong lòng” đồng bào Ca Dong
VHO - Với tấm lòng yêu thương và thấu hiểu sâu sắc những khó khăn trong cuộc sống của đồng bào vùng cao, điều dưỡng Nguyễn Văn Thanh (50 tuổi) đã mang kiến thức chuyên môn của mình phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân Ca Dong tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông luôn nỗ lực, tận tụy và cống hiến không ngừng để mang lại niềm vui cho bệnh nhân, coi đó là hạnh phúc lớn lao của chính mình.
Hiểu văn hóa và gần dân
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi vượt qua những đồi núi và sườn dốc để đến trung tâm xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây. Khi đến Trạm Y tế, chúng tôi thấy bà con đã tập trung chờ đợi đến lượt thăm khám.
Vừa khám bệnh cho bà con, điều dưỡng Nguyễn Văn Thanh vừa chia sẻ, ông quê ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Y năm 2001, ông được điều động về công tác tại Trạm Y tế xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây. Đến đầu năm 2025, ông chuyển về công tác tại Trạm Y tế xã Sơn Bua.
Thời gian đầu công tác tại vùng cao, ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiểu và thích nghi với văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào. “Với người dân ở vùng núi cao, giao thông đi lại rất hạn chế, nhiều thôn làng nằm cheo leo trên sườn núi, không thể đi xe, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, giao thông bị chia cắt. Vì vậy, bà con ít tìm đến Trạm Y tế để khám bệnh”, điều dưỡng Thanh chia sẻ.
Ngoài công việc khám, chữa bệnh, các y, bác sĩ còn chủ động đến từng bản, làng để hướng dẫn bà con cách ăn chín uống sôi, ngủ phải mắc màn để tránh muỗi, vệ sinh nhà cửa và thân thể sạch sẽ, từ bỏ các hủ tục cúng bái khi ốm đau. Các bác sĩ còn hướng dẫn cách phòng ngừa và điều trị một số bệnh thông thường như tiêu chảy, bệnh ngoài da và đường hô hấp. Nhờ vậy, ý thức phòng và chữa bệnh của bà con dần được nâng cao.
“Khó khăn lớn nhất của tôi lúc đó là bất đồng ngôn ngữ. Do vậy, bên cạnh công tác khám chữa bệnh, tôi còn phải học tiếng của đồng bào để dễ dàng khai thác thông tin về tình trạng bệnh nhân và các triệu chứng, từ đó đưa ra phương án điều trị hiệu quả”, ông Thanh bày tỏ.
Bản thân điều dưỡng Thanh bị tật bẩm sinh ở hai bàn chân và phải sống xa gia đình. Tuy nhiên, ông luôn vượt qua mọi khó khăn, bất kể trời mưa hay nắng, xa hay gần, chỉ cần biết ở đâu có người bệnh cần giúp đỡ, ông lại vượt núi băng rừng tìm đến. Với ông, đồng bào Ca Dong thật thà, chất phác và hiền lành chính là người thân trong gia đình và ông luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Tận tâm vì người bệnh
Men theo con dốc nhỏ dẫn lên ngôi nhà sàn trên núi cao thôn Mang He, xã Sơn Bua, chúng tôi chứng kiến điều dưỡng Nguyễn Văn Thanh đang ân cần khám bệnh cho ông Đinh Văn Lâm.
Thường xuyên đau ốm, không thể lao động được, ông Lâm được điều dưỡng Thanh đến tận nhà thăm khám, cấp thuốc và khuyên nên bỏ uống rượu để thuốc có thể phát huy hiệu quả tốt hơn. “Bà con ở đây ai cũng quý mến và tin tưởng điều dưỡng Thanh như người thân trong nhà”, ông Lâm bày tỏ.
Già Đinh Văn Thanh ở thôn Mang Tà Bể cho biết, trước đây, nhận thức của đồng bào Cà Dong còn hạn chế. Khi bị ốm, bà con thường giết gà, lợn hoặc trâu để cúng giải trừ bệnh, việc lễ bái có khi kéo dài cả tuần, cả tháng, đến khi vật nuôi, lương thực trong nhà cạn kiệt mà người bệnh vẫn không khỏi.
Vì vậy, ngoài việc khám chữa bệnh, các thầy thuốc còn phải tuyên truyền và vận động bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu. Sau nhiều lần cứu sống bệnh nhân kịp thời, bà con dần dần tin tưởng hơn vào y tế.
“Bản thân tôi bị cao huyết áp và bệnh xương khớp, phải đi khám và lấy thuốc thường xuyên. Mỗi lần đến Trạm Y tế, tôi đều được các y, bác sĩ đón tiếp niềm nở, nhiệt tình và kiểm tra sức khỏe chu đáo.
Đặc biệt, điều dưỡng Nguyễn Văn Thanh dù mới về đây công tác, nhưng đã nhiều lần đến tận nhà thăm khám, phát thuốc và hướng dẫn chúng tôi cách ăn uống, bảo vệ sức khỏe”, già Thanh chia sẻ.
Nhớ lại những kỷ niệm trong nghề, điều dưỡng Thanh kể: “Trước đây, chuyện sinh nở của chị em phụ nữ là vấn đề nan giải nhất. Có những ca sinh khó mà bà con ở xa không thể xuống phòng khám kịp.
Nhiều người vì kiêng cữ, phải đến nửa đêm, khi gà gáy, người nhà bệnh nhân mới đến gõ cửa nhờ giúp đỡ. Khi còn công tác tại Trạm Y tế xã Sơn Tân, tôi nhận được thông tin về một sản phụ tự sinh con tại nhà, dẫn đến tình trạng nguy kịch cho cả mẹ và con. Khi tôi cùng đồng nghiệp đến nơi, dù em bé đã tím tái, nhưng gia đình lại đang cúng gà, cúng lợn rất linh đình.
Với trách nhiệm của một thầy thuốc, tôi đã nỗ lực hô hấp, hồi sức để cứu bé. Sau gần 30 phút, em bé đã tự thở và cất tiếng khóc, tất cả mọi người đều vỡ òa trong hạnh phúc. Sau đó, mọi người thay nhau khiêng mẹ con sản phụ tới Trung tâm Y tế tuyến trên để theo dõi và điều trị”.
Trưởng Trạm Y tế xã Sơn Bua, bác sĩ Đinh Minh Chiều cho biết, với trách nhiệm của một điều dưỡng viên, bằng sự nhiệt huyết, tận tâm và trái tim luôn hướng về người bệnh, điều dưỡng Thanh không chỉ tích cực học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong ngành y tế nói chung và nghề điều dưỡng nói riêng.
Không quản ngại khó khăn, vất vả hay điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng sơn cước, ông đã cống hiến hết mình và nhận được sự tin yêu, cảm phục từ đồng bào.
“Bà con Sơn Bua còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Từ khi điều dưỡng Thanh về Trạm Y tế công tác, anh luôn nhiệt tình, chu đáo trong công tác khám, chữa bệnh. Dù điều kiện đi lại khó khăn, nhưng anh không ngại khó, ngại khổ. Ngay từ những ngày đầu, anh đã cùng đồng nghiệp đến những thôn xa xôi nhất để khám chữa bệnh. Trong công tác chuyên môn, anh luôn hỗ trợ các đồng nghiệp, lập kế hoạch cụ thể, đảm bảo công việc luôn hoàn thành đúng tiến độ”, bác sĩ Chiều chia sẻ.