Giữ ngọn lửa văn hóa của đồng bào Ca Dong
VHO - Đối với đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), nhạc cụ dân tộc từ xa xưa đã được ông cha chế tác ra để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Đây là tài sản quý giá, góp phần hình thành nên nền ca nhạc dân gian đa dạng và độc đáo của mỗi dân tộc.
Câu lạc bộ Văn hóa dân tộc Ca Dong
Cộng đồng dân cư ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi có: Ca Dong, Hrê, Cor, Kinh, nhưng cư trú lâu đời nhất là tộc người Ca Dong, một chi của dân tộc Xơ Đăng ở bắc Tây Nguyên. Sơn Tây cũng có nhiều cảnh đẹp, đó là thác Lụa, thác Huy - Măng sáng chiều in bảy sắc cầu vồng. Và suối nước nóng Tà Meo bốc hơi nghi ngút sớm chiều. Suối thác vừa là thắng cảnh, vừa là nơi ghi dấu bao sự tích anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ quê hương của cộng đồng người Ca Dong Sơn Tây.
Âm nhạc và các nhạc cụ truyền thống góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Với người Ca Dong thanh âm tiếng chiêng, tiếng đàn brock, các làn điệu dân ca như “tiếng lòng” của đồng bào giữa đại ngàn Trường Sơn Đông.
Nghệ nhân Đinh Thanh Sơn, xã Sơn Mùa là người “giữ hồn” cho những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Ca Dong được lưu giữ tại Nhà văn hóa thôn Đắk Min, xã Sơn Mùa. Ông mong muốn lớp trẻ ở huyện Sơn Tây sẽ kế tục, giữ gìn và phát huy giá trị các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Âm nhạc và các nhạc cụ truyền thống góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong
Nghệ nhân Đinh Thanh Sơn chia sẻ: “Bản thân tôi tham gia truyền dạy cho các lớp trẻ, trong đó có một số điểm trường. Qua đó đã thành lập một nhóm câu lạc bộ để luyện tập cho anh em diễn viên, cũng như trong nhóm để mà giữ gìn bản sắc dân tộc người Ca Dong”.
Huyện Sơn Tây đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Văn hóa dân tộc Ca Dong. CLB có 23 thành viên là những nghệ nhân, diễn viên đang sinh sống, lao động, công tác trên địa bàn xã Sơn Mùa và có năng khiếu, khả năng sáng tác, dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tự nguyện tham gia CLB. Sau khi thành lập, CLB tổ chức thực hiện các hoạt động sưu tầm các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Ca Dong như hát ca Ru con, Dê ô de, ra nghé, các loại chiêng truyền thống… Thu hút ngày thêm nhiều thành viên tham gia, nhất là thanh – thiếu niên để truyền dạy và lưu giữ, phát triển văn hóa dân gian cho thế hệ mai sau. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân tham gia bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần lan tỏa, nhân rộng việc thành lập các câu lạc bộ trong toàn huyện.
Biểu diễn nghệ thuật các làn điệu của đồng bào Ca Dong
Anh Đinh Văn Rẫy, Phó Chủ nhiệm CLB Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong, huyện Sơn Tây cho biết: “Nhóm chưa có đất để làm cái nhà sàn. Mong muốn chỗ Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ. Về nhạc cụ thì anh em thành viên nhóm tự làm được. Về kinh phí thì nhóm không có nên là cũng mong muốn Đảng, Nhà nước hỗ trợ vấn đề đó. Còn về duy trì nhóm thì nhóm thường xuyên họp ít nhất một tháng một lần, hoặc hai lần”.
Ông Đinh Văn Thung, Cán bộ văn hóa xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây chia sẻ: “Nhạc cụ dân tộc Ca Dong là linh hồn của người Ca Dong. Bản thân tôi cũng là người Ca Dong, con cháu người Ca Dong. Tôi mong muốn là con người Ca Dong cũng như bà con trên Sơn Tây quảng bá nhiều hơn về nhạc cụ Ca Dong cũng như văn hóa người Ca Dong đến đồng bào cả nước. Từ đó, để chúng tôi có cơ sở truyền bá sâu rộng hơn văn hóa cũng như nhạc cụ của người Ca Dong đến với cả nước”.
Huyện miền núi Sơn Tây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch
Ở huyện Sơn Tây, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Ca Dong được các Cấp ủy, chính quyền quan tâm. Huyện đã ban hành Nghị quyết về bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Ca Dong huyện Sơn Tây đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc sưu tầm, chế tác, trình diễn nhạc cụ truyền thống của người Ca Dong.
UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với các xã trên địa bàn huyện thực hiện việc sưu tầm các vật dụng để bảo tồn các loại hình văn hóa, trong đó có các vật dụng đặc sắc của người dân tộc Ca Dong sẽ được trưng bày tại nhà truyền thống cấp huyện theo như trong Nghị quyết đã được ban hành.
NHƯ ĐỒNG