Người Rơ Măm phát huy giá trị văn hóa truyền thống
VHO - Với 192 hộ 625 khẩu sống chủ yếu ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, Rơ Măm là một trong số những dân tộc rất ít người ở tỉnh Kon Tum. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Rơ Măm cũng có những bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc được gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.

Làng truyền thống của người Rơ Măm có cấu trúc độc đáo với trật tự cố định. Nhà ở của họ là những ngôi nhà sàn dài, được xây dựng kế tiếp nhau xung quanh nhà Rông.
Đặc biệt, cửa chính của mọi ngôi nhà đều hướng về nhà Rông, giữa nhà Rông và nhà ở là khu sân chơi, xung quanh làng có hàng rào bảo vệ. Mỗi nóc nhà thường có nhiều bếp, mỗi cặp vợ chồng ở trong một buồng có vách ngăn với bếp riêng, còn gian chính giữa nhà dùng để tiếp khách.
Văn hóa nghệ thuật của người Rơ Măm phong phú với những làn điệu dân ca, những bài hát giao duyên của nam nữ thanh niên, những câu chuyện kể của người già, cùng bộ nhạc cụ truyền thống gồm chiêng, trống và các loại đàn, sáo được làm từ tre nứa trong rừng.
Được sự quan tâm của Nhà nước, đời sống của người Rơ Măm đã cải thiện đáng kể. Tại làng Le, các gia đình đã được xây dựng những ngôi nhà cao to, rộng thoáng với vách gỗ, mái ngói.
Là một trong những dân tộc rất ít người, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Rơ Măm đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm thông qua những chính sách đặc thù.
Theo ông Nguyễn Quang Thạch, Giám đốc Sở Dân tộc Tôn giáo tỉnh Kon Tum, thực hiện đề án “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc khó khăn đặc thù Rơ măm” đến năm 2025, những năm qua Ban dân tộc tỉnh Kon Tum (nay là Sở Dân tộc Tôn giáo) đã đầu tư, hỗ trợ gần 6,6 tỉ đồng để xây dựng các công trình đường nội thôn, sửa chữa nhà Rông văn hóa làng Le; hỗ trợ bò sinh sản cho 63 hộ dân trên địa bàn thôn; cấp trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng làng Le…
“Thực hiện các nội dung Đề án đã góp phần giúp các hộ dân tộc Rơ Măm có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân tộc Rơ Măm nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng”, ông Thạch đánh giá.
Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum đã triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát tiển du lịch”, hỗ trợ người Rơ Măm phục dựng Lễ mở kho lúa, tổ chức các lớp truyền dạy, khôi phục nghề dệt thổ cẩm, truyền dạy cồng chiêng, làm rượu cần…
Anh A Thái, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn làng Le cho biết: “Những chính sách, đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Rơ Măm nói riêng đã góp phần khôi phục lại nhiều nét văn hóa truyền thống.
Qua đó, thế hệ trẻ sẽ ngày càng yêu quý, tự hào về bản sắc dân tộc mình và tiếp tục lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa cho sự phát triển của địa phương trong tương lai”.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon khẳng định: “Thông qua Dự án 6, nhiều lớp dạy cồng chiêng, đan lát, dệt và các nghi lễ, văn hóa của người dân tộc thiểu số đã được thực hiện.
Đây là cơ sở để cộng đồng các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ thực hiện các nội dung của Dự án 6 đảm bảo đúng tiêu chí, hướng dẫn của Bộ VHTTDL về đối tượng, khu vực thụ hưởng chính sách, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống trong giai đoạn hiện nay gắn với việc tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tại địa phương.