Người Ba Na Kriêm hút khách bằng sắc hoa anh đào

PHAN HIẾU

VHO - Những ngày này, “cổng trời” của người Ba Na Kriêm ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh (Bình Định) luôn rộn ràng, ngân vang cuốn hút du khách bởi điệu múa xoang, tiếng cồng chiêng, Lễ hội mừng cốm lúa mới... đó chính là nhờ vào sắc hoa của ngày hội hoa đào và chính nơi đây là địa điểm hút khách đông nhất trong các “cổng trời” của vùng miền núi tỉnh Bình Định.

 Người Ba Na Kriêm hút khách bằng sắc hoa anh đào - ảnh 1
Điệu múa xoang, tiếng cồng chiêng của người Ba Na Kriêm cuốn hút du khách

 Vĩnh Sơn là xã vùng cao của huyện Vĩnh Thạnh, ở độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, với núi rừng hùng vĩ, sông, suối, thác nước còn nguyên sơ, chứa đựng những điều kỳ bí. Hằng năm, từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch năm sau, người Ba Na Kriêm theo truyền thống mở lễ hội tạ ơn Giàng - đấng thần linh tối cao của họ.

Chưa kể, ẩm thực của bà con rất đặc sắc trong đó phải kể tới như rượu cần, lợn đen, cơm lam, cá tầm, chè dây Vĩnh Sơn rau dớn, cá đá, cá niêng, gà đồi nướng muối lá chanh ớt bay… Văn hóa ẩm thực ấy như phản ánh đời sống vật chất, tinh thần cũng như cách thức con người ứng xử với thiên nhiên.

Qua nghiên cứu của một số chuyên gia nhận thấy Vĩnh Sơn phù hợp trồng các loài hoa ôn đới, bởi vậy những năm qua, tỉnh Bình Định dành nhiều nguồn vốn và sự hợp tác đã trồng một số loài hoa đẹp như: Anh Đào Nhật Bản; Mai Anh Đào; Phượng tím; Cẩm Tú Cầu….

 Người Ba Na Kriêm hút khách bằng sắc hoa anh đào - ảnh 2
Hoa Đào với vẻ đẹp dịu dàng, tràn đầy sức sống đã làm nên vẻ đẹp thơ mộng ở núi rừng Vĩnh Sơn

Cùng với đó, thời gian qua các ngành nỗ lực phối hợp người đồng bào Ba Na Kriêm bảo tồn, lưu giữ nhiều nét văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống để thực hiện hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Để đánh thức tiềm năng, khai thác du lịch bản địa của đồng bào Ba Na Kriêm, huyện miền núi Vĩnh Thạnh lần đầu tổ chức ngày hội hoa đào với chủ đề “Sắc xuân hoa đào kết nối văn hóa” diễn ra trong 2 ngày 8 - 9.2 (tức ngày 11 - 12 tháng Giêng).

Không những chính quyền quyết tâm tổ chức thực hiện ngày hội này, mà người Ba Na Kriêm ở đây cũng đồng lòng, chung sức hướng đến một lễ thành công với sự hút khách đông đảo đến đây thưởng thức những “đặc sản” mà người dân đang gìn giữ.

Diễn viên Định Thị Vét cho biết: “Người dân rất háo hức và mong đợi ngày hội diễn ra. Những nghệ nhân, diễn viên tốt nhất đã được tập hợp và chúng tôi bắt đầu hay say tập luyện để “trình làng” văn hóa đặc sắc nhất phục vụ du khách khi đến với Vĩnh Sơn ngắm hoa đào và tham gia ngày hội”.

 Người Ba Na Kriêm hút khách bằng sắc hoa anh đào - ảnh 3
Đường hoa mai anh đào Đà Lạt được trồng dưới sân người dân để hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm

Cô Nguyễn Thị Yến Lan, du khách đến từ TP.HCM vui chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Vĩnh Sơn và bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của những cánh đồng hoa đào nở rộ, tạo nên một bức tranh mùa xuân tươi tắn và rực rỡ.

Tôi đã ghi lại những khoảnh khắc đẹp này qua ảnh và video để khoe với người thân cũng như bạn bè. Ngoài ra, tôi cảm nhận được sự hiếu khách và thân thiện của người dân Vĩnh Sơn. Họ sẵn lòng chia sẻ về văn hóa, truyền thống và lịch sử của địa phương”.

Ông Huỳnh Đức Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Đến với ngày hội hoa đào năm nay, du khách được thưởng thức và trải nghiệm, tham quan các tuyến đường hoa đào, mai anh đào Đà Lạt, hoa anh đào Nhật Bản; tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na Kriêm ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh như: Giao lưu văn hóa, trình diễn Lễ hội Cốm lúa mới; giao lưu, trình diễn cồng chiêng, múa xoang, các nhạc cụ dân tộc truyền thống của một số đội văn nghệ, câu lạc bộ, các nghệ nhân; giao lưu dân vũ.

Ngoài ra, du khách cũng được tận mắt thấy các nghệ nhân biểu diễn các tiết mục: hát, múa, hòa tấu; tham quan, chụp ảnh tại khu vực Nhà trưng bày truyền thống, vườn hoa Đào, vườn rau ôn đới, các tuyến đường hoa…; tham quan trải nghiệm khám phá một số thắng cảnh của địa phương như: thác Hang Dơi, Thành Tà Kơn, thác Sơn Lang, ruộng bậc thang thôn K4…”.

Theo ông Huỳnh Đức Bảo, ước tính đã có hơn 5.000 lượt khách đến tham quan, ngắm hoa anh đào tại Vĩnh Sơn từ trước Tết đến nay. Ngày hội hoa đào huyện Vĩnh Thạnh là một trong những hoạt động lớn thiết thực gắn với hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025, chào mừng Kỷ niệm 66 năm Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (6.2.1959 - 6.2.2025).

Bên cạnh đó, ngày hội là hoạt động văn hóa nhằm quảng bá nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn huyện đến đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh, thúc đẩy sự phát triển du lịch địa phương. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc