Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

VY OANH

VHO - Bộ VHTTDL vừa ban hành quyết định số 952/ QĐ-BVHTTDL đưa Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - ảnh 1

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào ở huyện Điện Biên và Điện Biên Đông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh minh họa: T.L

Dân tộc Lào là một trong 19 dân tộc cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cư trú tập trung tại 23 bản thuộc 9 xã của hai huyện Điện Biên và Điện Biên Đông. 

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào nơi đây được hình thành, phát triển qua quá trình lao động, sản xuất, là kết quả sáng tạo của nhiều thế hệ, được tồn tại, lưu giữ trong nhân dân. Hoa văn trên trang phục truyền thống của người Lào không chỉ thể hiện những giá trị văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của bà con mà còn ẩn chứa nhiều bài học nhân sinh sâu sắc.

Phần lớn trang phục của người Lào làm ra để sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, như váy, áo, khăn, đệm…

Trang phục của người phụ nữ Lào thường thêu hoa văn màu tươi sáng rực rỡ, trên áo có hàng khuy bạc bằng một dải vải màu xanh, trên đính những hàng tiền bạc.

Cùng với váy áo, những chiếc trâm bạc cài tóc hoặc khăn đội đầu là những phụ kiện không thể thiếu của phụ nữ dân tộc Lào.

Những vật dụng này được chạm khắc hoặc thêu các hoa văn với nhiều hình lá hoa, cây cỏ hay những con vật gắn liền với cuộc sống, tín ngưỡng của họ, như hoa văn hình rồng, con hổ, đôi rắn quấn vào nhau, hình voi có người cưỡi…

Những hoa văn được thêu bằng tay trên trang phục, khăn tay, túi xách đều truyển tải những câu chuyện gắn liền với khát vọng cuộc sống thanh bình, đầm ấm, hạnh phúc, yên vui quên đi mọi vất vả, khó khăn trong cuộc sống.

Hiện nay, người Lào ở Điện Biên đã phát triển nghề trang trí trên trang phục không chỉ góp phần phục vụ đời sống, mà còn bảo tồn, lưu giữ phát huy nghề truyền thống của dân tộc, các sản phẩm dệt thổ cẩm, trang trí trang phục đã trở thành hàng hóa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những người phụ nữ Lào.

Có thể thấy, chính quyền địa phương cùng cộng đồng người Lào tại huyện Điện Biên và Điện Biên Đông đã và đang làm tốt công tác giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống trang phục dân tộc Lào. Tuy nhiên, dưới tác động của cuộc sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa đặt ra nhiều nguy cơ dẫn đến sự mai một bản sắc văn hóa, do đó, bà con người dân Lào nơi đây cần có ý thức, quyết tâm hơn để giữ gìn nghề dệt vải thổ cẩm, nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Việc Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lào được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần cổ vũ động viên cộng đồng thêm tự hào, yêu văn hóa truyền thống, cũng như trang phục truyền thống. Đồng thời, ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy nét đẹp riêng có của dân tộc mình, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ý kiến bạn đọc