Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch

HUY AN

VHO - Hôm nay,18.12, tại thành phố Thái Nguyên, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1 (2021 – 2025) và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn 2 (2026 – 2030) khu vực phía Bắc.

Một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch  - ảnh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Dự chương trình Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh – Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021  - 2025,  Tổ trưởng Tổ công tác về Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng tham dự Hội nghị còn có Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, đại diện các bộ, ngành cùng 19 tỉnh, thành phía Bắc.

Hoàn thành sớm một số chỉ tiêu

Theo Ủy ban Dân tộc, địa bàn vùng dân tộc thiếu số và miền núi khu vực phía Bắc gồm 19 tỉnh, trong đó có 4 tỉnh/thành phố thực hiện Chương trình sử dụng nguồn ngân sách của địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình và Vĩnh Phúc).

 Đây là địa bàn chiếm phần lớn các xã, thôn theo phân định Quyết định số 861/QĐ – Ttg ngày 4.6.2021của Thù tướng Chính phủ, toàn vùng có 2.057 xã (bằng 62% tổng số xã vùng dân tộc thiều số và miền núi), trong đó 1.020 xã khu vực III (65,76% số xã khu vực III của cả nước), 137 xã khu vực I và 900 xã khu vực I với 9.623 thôn đặc biệt khó khăn (bằng 72,6% số thôn toàn quốc). Dân số của cả khu vực khoảng 27.680.622 người, trong đó có 8.057.182 người là dân tộc thiểu số (chiếm khoảng 29,1% dân số của vùng); tỷ lệ nghèo dân tộc thiều số bình quân là 18,1% (số liệu năm 2023).

Tại Hội nghị, ông Y Vinh Tơr, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã trình bày tóm tắt báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, Chương trình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương thực hiện chương trình nói chung, đặc biệt là các tỉnh địa bàn khu vực phía Bắc, các nguồn lực chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục nhà ở, sinh hoạt văn hóa tập trung vào các địa bàn đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động rất lớn trên địa bàn thông qua đầu tư hỗ trợ. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm…

Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc và các chương trình mục tiêu quốc quốc gia giai đoạn 2021 2025, các địa phương đã thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề giải quyết việc làm. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo có những chuyển biến tích cực.

Mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi được tổ chức thực hiện chính thức từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên bằng nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trên địa bàn trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh mà một số chỉ tiêu ước tính đến 31.12.2024 đã hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch được giao.

Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 19 tỉnh trong khu vực đều hoàn thành và vượt mục tiêu được giao, trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh…

Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở trung học phổ thông đến trường; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ thôn có đội văn hóa văn nghệ CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên có chất lượng; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ.

Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung vào thời gian thực hiện dài hơn.

Cơ sở phải bám sát và chủ động

Một số chỉ tiêu hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch  - ảnh 2
Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến từ các địa phương nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Chương trình

Theo Ủy ban Dân tộc, việc nhóm các chỉ tiêu hoàn thành sớm, còn có nhóm các chỉ tiêu đã đạt tỉ lệ hoàn thành cao, dự báo sẽ sớm về đích mục tiêu kế hoạch để cấp có thẩm quyền giao như tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ hộ dân được sử dụng lưới quốc gia và các nguồn điện khác… là do việc kế thừa kinh nghiệm tổ chức thực hiện và việc không gặp khó khăn, vướng mắc trong quy định về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng nên nhóm chỉ tiêu trên được thực hiện thuận lợi tại các địa phương.

Tuy nhiên, đối với một số nhóm chỉ tiêu liên quan đến nguồn lực thực hiện từ vốn sự nghiệp, theo tổng hợp từ địa phương trong quá trình triển khai Chương trình, việc các văn bản hướng dẫn chưa được kịp thời ban hành hoặc hướng dẫn chưa rõ (chưa có định mức hỗ trợ cụ thể), chưa đầy đủ về quá trình lập, thẩm định, phân bổ kế hoạch vốn làm cơ sở xác định đối tượng, phạm vi, quy mô thực hiện hoặc thiếu đồng bộ chưa tạo điều kiện phân cấp nên không đảm bảo căn cứ pháp lý hoặc dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho địa phương để tổ chức triển khai thực hiện một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.

Do đó, tiến độ triển khai khối lượng thực hiện và giải ngân vốn còn chậm thấp so với dự kiến kế hoạch. Hoạt động xây dựng các mô hình dự án phát triển sản xuất, nhất là các mô hình dự án liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở nhiều địa phương nhìn chung còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình mới được xây dựng, nhân rộng.

Bên cạnh đó, về công tác giao kế hoạch thực hiện các chương trình, UBND các cấp tỉnh phải trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Danh mục các dự án thuộc các chương trình với đặc thù đa số là dự án nhỏ, quy mô không phức tạp, có thiết kế mẫu và số lượng danh mục dự án là rất lớn.

Trong quá trình triển khai thực hiện dễ phát sinh việc điều chỉnh, bổ sung danh mục. Việc quy định phải trình Hội đồng nhân dân tỉnh dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giảm sự linh động trong triển khai thực hiện.

Mặt khác, tại một số địa phương còn chậm việc ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương có độ trễ nhất định do nhiều địa phương còn gặp lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu vận dụng triển khai văn bản hướng dẫn của cấp Trung ương.

 Việc phân bổ vốn của một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện chương trình do đa số là các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phần lớn phụ thuộc nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Việc lồng ghép vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và quy trình thanh quyết toán vốn các địa phương còn gặp lúng túng.  Việc giải ngân vốn có nhiều chuyển biến, tuy nhiên kết quả giải ngân còn chưa được như mong muốn, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến từ các đại biểu và địa phương triển khai Chương trình đã được các đại biểu trình bày, thảo luận để rút ra bài học kinh nghiệm cho giai đoạn 2 (2026 – 2030).

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, chỉ còn 1 năm nữa thực hiện giai đoạn 1 của Chương trình. Trong 4 năm vừa qua, khi thực hiện Chương trình thì những bất cập đã xuất hiện tương đối đầy đủ. Do đó, cần đánh giá, tổng hợp và có sự điều chỉnh kịp thời, đồng bộ để sang giai đoạn 2 (2026 – 2030) không xuất hiện những vướng mắc đó nữa.

Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong thực hiện nhiệm vụ của Chương trình tại địa phương.

Điều quan trọng nhất là các địa phương sát với thực tế và phù hợp hơn với điều kiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình tại địa phương cần chủ động theo dõi nghiên cứu, bám sát hệ thống văn bản liên quan quy định hướng dẫn về cơ chế chính sách để phục vụ công tác quản lý điều hành thực hiện Chương trình.

Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc bất cập khó khăn, sớm có giải pháp tháo gỡ, tránh được những vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng trong quá trình thực thi.

Bên cạnh đó, cần phân cấp, phân quyền, rõ ràng trách nhiệm cho từng cơ quan vị địa phương liên quan. Điều này tránh sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ thực hiện Chương trình.

“Cần làm rõ, phân tích, đánh giá  những dự án nào có thể làm, những dự án nào có thể phải điều chỉnh, hoặc những dự án nào đã hoàn thành thì cũng phải kết thúc. Bởi vì về mặt nguyên tắc của Chương trình mục tiêu là có nội dung đối tượng, phạm vi, có chính sách và có thời gian nhất định chứ không phải là kéo dài mãi một nội dung đó.  Chúng ta phải điều chỉnh để cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, vướng mắc gây khó khăn khi thực hiện Chương trình là hệ thống văn bản hướng dẫn quá nhiều. Cần điều chỉnh thì cũng cần có ý kiến để đề xuất sửa đổi, bổ sung.”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói.