Thổ cẩm Sa Pa - miền sương mây:

Độc đáo thổ cẩm thêu tay của người Dao đỏ

NGỌC LAN

VHO - Diễn ra từ 8-10.11, tại số 2 Fansipan (Thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Festival “Thổ cẩm Lào Cai- Sắc màu văn hoá” có nhiều hoạt động hấp dẫn.

Độc đáo thổ cẩm thêu tay của người Dao đỏ - ảnh 1

Nằm trong khuôn khổ Festival, Không gian văn hóa, trưng bày thổ cẩm tỉnh Lào Cai mang tên “Thổ cẩm Sa Pa - miền sương mây” đã giới thiệu sản phẩm độc đáo của các dân tộc.

Người Dao đỏ là một trong 5 nhóm dân tộc ít người sinh sống trên địa bàn Sa Pa và là nhóm dân tộc có lịch sử phát triển lâu dài, với kho tàng văn hóa phong phú, phong tục truyền thống còn được giữ gìn và phát triển.

Thổ cẩm thêu tay của phụ nữ Dao đỏ ở Sa Pa rất độc đáo, bởi các hoa văn đặc sắc và màu sặc sỡ. Sự tỉ mỉ trong mỗi công đoạn đã tạo nên những nét riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ.

Người Dao đỏ chủ yếu dùng cây lanh để dệt thổ cẩm. Trải qua những công đoạn cầu kỳ từ khâu tách vỏ cho tới dệt vải, các tấm vải lanh trắng ra đời. Sau khi dệt xong, vải sẽ được đem đi giặt nhiều lần cho thật trắng.

Sau đó, vải được trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong, trượt đi trượt lại cho đến khi thật phẳng.

Công đoạn đòi hỏi nhiều công sức và tỉ mỉ nhất là thêu hoa văn trang trí. Các tấm vải thổ cẩm của người Dao thường được thêu hình xoáy ốc, hoa bí hay hoa lá, cây cỏ, chim muông.

Độc đáo thổ cẩm thêu tay của người Dao đỏ - ảnh 2

Màu sắc được chuộng sử dụng là đỏ tươi. Kỹ thuật thêu thoáng lộ nền đen, nền chàm trong họa tiết giúp làm giảm độ chói của màu nguyên bản. Để có được những sản phẩm thêu đẹp, trước hết phải tìm mua sợi tơ tằm, nhuộm màu (từ cây ăn trầu, cây củ nghệ, lá cơm xôi, cỏ phạy...), phối màu, việc này đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công.

Họa tiết của người Dao đỏ Sa Pa mang ý nghĩa tượng trưng cho đời sống của người dân tộc thiểu số với mong muốn: “Mưa thuận gió hòa”, “An cư lạc nghiệp”.

Mỗi bộ trang phục của người Dao đỏ đầy đủ bao gồm: Áo, yếm, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và một số phụ kiện đi kèm. Người Dao đỏ coi chiếc áo dài là quan trọng nhất.

Theo phong tục, phụ nữ Dao đỏ không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân. Nẹp cổ liền với nẹp ngực được thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ. Hai đầu của nẹp ngực đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ.

Cửa tay áo, nẹp xung quanh tà áo trước và sau đều được thêu bằng chỉ màu đỏ và trắng. Bên trong của chiếc áo dài, phụ nữ Dao Đỏ còn mặc áo con, giống như cái yếm, có những đường thêu bằng chỉ trắng và vàng.

Hoa văn trang trí trên dây lưng tập trung ở hai đầu gồm các họa tiết hình dấu chân hổ, hình cây thông, hình người mặc váy... Họa tiết ở nửa dưới của hai ống quần là các họa tiết hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ - vàng - trắng, hình cây thông, hình chữ vạn, hình quả trám...

Khi mặc, quần phần trên màu đen không có hoa văn, quấn bằng dây, thắt lưng; phần dưới của hai ống quần với các hoa văn, họa tiết đã tạo nên sự cân đối hài hòa cho toàn bộ y phục.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao đỏ Sa Pa được công nhận là Di sản Phi vật thể Quốc gia năm 2020.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc