Độc đáo nghi thức lễ cưới của người Ve
VHO - Nghi thức lễ cưới là một phong tục truyền thống đặc biệt của người Ve, mang bản sắc, ý nghĩa riêng của đồng bào với sự mở đầu cho một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
Thời gian qua, Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều nội dung thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch tại các địa phương được thụ hưởng Dự án số 6 của tỉnh. Qua đó bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đặc biệt, năm 2024, Sở VHTTDL Quảng Nam cùng với huyện miền núi Nam Giang đã tổ chức phục dựng, tái hiện các nghi thức lễ cưới truyền thống của đồng bào Ve ( nhóm địa phương thuộc dân tộc Giẻ - Triêng) tại xã Đắc Pre, huyện Nam Giang vô cùng ấn tượng, độc đáo, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và du khách.

Khi đã bén duyên, tìm hiểu nhau một thời gian, chàng trai sẽ thưa với bố mẹ, tìm người mai mối là người có uy tín trong làng sang thưa chuyện với nhà cô gái để xin phép cho đôi bạn trẻ được tìm hiểu, đến với nhau.

Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị đồ lễ cho hôn nhân, nhà gái phải chuẩn bị củi cưới. Đây là công việc rất quan trọng, sau khi gia đình hai bên đồng ý, cô gái bắt đầu đi lấy củi tươi đem về nhà, để đến hôm cưới sẽ gùi sang nhà trai, ít nhất 25 gùi củi.

Sáng ngày cưới, ông mai mối mời nhà gái sang nhà trai dự đám cưới. Đi đầu là người mai mối, tiếp đến là cô dâu, bố cô dâu, anh em của bố cô dâu. Cuối cùng là các cô gái gùi củi.

Đặc biệt phải có những gùi củi tươi vì đồng bào người Ve quan niệm, tươi tượng trưng cho sự sống, sinh sôi, củi tươi có ý nghĩa đôi vợ chồng trẻ, gia đình nhà trai sẽ làm ăn phát đạt, hạnh phúc vững bền.

Lễ cưới được diễn ra tại nhà trai. Khi nhà gái đến cổng, trước khi vào nhà, nhà trai vẩy nước lần lượt lên từng người bước vào nhà, miệng cầu khấn cho hai bên gia đình cùng đoàn kết, làm ăn phát đạt, khỏe mạnh, sung túc…
Sau đó nhà trai cắt tiết heo hòa với nước suối được lấy ở thượng nguồn để nhà gái nhúng chân, diệt trừ xui xẻo.

Nhà gái trước khi vào nhà trai phải nhúng chân vào ống tre có tiết heo, vòng chai rồi mới tiến vào trong nhà và trao củi.

Sau khi nhận củi cưới, nhà trai mời nhà gái ngồi thành vòng tròn và nghi thức lễ cưới được bắt đầu. Hai bên gia đình đặt mâm lễ cưới đưa cho ông mai mối trao qua lại cho nhau.

Ông mai làm chứng cho lời hứa của cô dâu, chú rể. Chú rể hứa sẽ cáng đáng việc gia đình, làm việc lớn và yêu thương vợ cho đến hết đời. Cô dâu hứa sẽ yêu thương chồng con hết mực, vun vén gia đình, hòa đồng với họ hàng nhà trai.

Mẹ chú rể tặng cô dâu tấm tuốc. Ông mai mối tặng cho 2 vợ chồng 2 bó củi hứa hôn đẹp nhất. Ý nghĩa của phong tục này là chúc cho vợ chồng mới cưới sinh được một con trai và một con gái, cùng những lời chúc tốt đẹp cho đôi vợ chồng.

Một tập tục rất quan trọng trong nghi thức cưới của người Ve là tục đốt ruột gà.


Một nghi thức thú vị nữa trong đám cưới người Ve là phần hát lý nói lý, đối đáp giữa nhà trai, nhà gái như lời gửi gắm, căn dặn cho con trai, con gái và hai gia đình.

Để bày tỏ tình cảm với nhà gái, nhà trai mời nhà gái những miếng thịt mỡ to, vuông vức. Đùi sau của những con vật này cùng với một ít thịt, một ché rượu to, ngon được nhà trai xếp vào gùi làm quà biếu nhà gái.

Ché rượu nhà gái mang về, còn thịt sẽ chia đều cho những người cùng đi đưa dâu, mỗi người 3 miếng. Những ai không đi được, nhà gái có trách nhiệm đem đến mỗi nhà. Ông mai mối được mỗi gia đình biếu một đầu heo.





Sau khi ăn uống, để chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ nên duyên, cả hai họ cùng nhảy múa, người thổi đinh tút, người đánh cồng, người gõ chiêng, nam nữ nhảy múa vũ điệu truyền thống chia vui cùng đôi trẻ.