Độc đáo Lễ hội Pơ Thi của đồng bào Jrai

NHƯ TRANG

VHO - Giữa tháng 2, khi những cánh đồng lúa chín phủ lên một màu vàng rực rỡ, cũng là lúc đồng bào Jrai ở làng Kép 1 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai) cùng nhau tổ chức Lễ Pơ Thi (bỏ mả) để tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về với thế giới của Yàng (trời) theo phong tục truyền thống của người Jrai. Pơ Thi được xem là một trong lễ hội lâu đời nhất, thể hiện đầy đủ những nét văn hóa độc đáo riêng biệt trong đời sống của cộng đồng người Jrai.

Độc đáo Lễ hội Pơ Thi của đồng bào Jrai - ảnh 1
Các thanh niên trai trẻ bôi bùn đất, đeo mặt nạ hóa trang thành những Bram để đón linh hồn người đã khuất về với Yàng

Lễ bỏ mả được người đồng bào Jrai tổ chức cho người chết từ 1 năm trở lên cũng có khi là từ 3 đến 5 năm.

Theo quan niệm của người Jrai, đây là ngày lễ mừng người sống được gặp gỡ, sum họp, chung vui lần cuối cùng với người đã khuất, trước khi tiễn biệt họ về với thần linh.

Sau lễ bỏ mả, người sống sẽ không phải chăm lo cơm nước, hương khói hàng ngày ở nhà mồ và cũng không có đám giỗ hàng năm cho người chết nữa.

Người Jrai cho rằng, sau khi lễ bỏ mã được diễn ra thì linh hồn của người đã khuất mới có thể về với thần linh và tái sinh ở một kiếp khác.

Lúc này, người sống mới được xem là đã làm tròn bổn phận với người đã khuất. Chính vì vậy, lễ bỏ mả còn được xem là lễ hội lớn nhất và vui nhất trong năm.

Lễ bỏ mả được diễn ra từ 2 đến 3 ngày và chia thành 2 phần tại nhà và ngoài mả.

Trước khi lễ diễn ra, các gia đình có người chết phải chặt gỗ, đẽo tượng, làm nhà mồ, chuẩn bị đồ cúng lễ, sau đó mời toàn thể người trong họ hàng và buôn làng tới tham dự.

Mâm cúng lễ tùy theo điều kiện của từng nhà. Nhà nào giàu có thì làm trâu, bò, heo, gà, rượu cần, cây nêu...; còn những nhà khó khăn thì chỉ làm gà, heo và rượu cần.

Tại nhà, các tài sản - tùy vào độ giàu nghèo của mỗi gia đình gồm những đồ vật quý báu như: chiêng, chóe, vòng cườm, các vũ khí như kiếm, xà, các công cụ sản xuất cùng các vật dụng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như nồi, tô, chén, bát,.. sẽ được phân chia một cách cẩn thận, sau đó sẽ được mang ra nhà mồ chôn cùng.

Độc đáo Lễ hội Pơ Thi của đồng bào Jrai - ảnh 2
Lễ Pơ Thi (bỏ mả) là để tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về với thế giới của Yàng (trời) theo phong tục truyền thống của người Jrai

Chập sáng, dưới tán cây Vông đồng cổ thụ hơn trăm tuổi bên cạnh nhà mồ, bà con dân làng đã cùng nhau tụ tập đông đủ chuẩn bị tham gia nghi lễ.

Người già người trẻ cùng nhau cầm chiêng lớn, chiêng bé đánh theo từng nhịp, từng bài. Âm thanh ngân vang trầm bổng như một bài sớ dâng tấu tới thần linh.

Hòa cùng nhịp cồng chiêng, tất cả họ hàng cùng người dân trong làng múa các điệu múa xoang đặc trưng quanh nhà mồ tiễn đưa người đã khuất.

Các thanh niên trai trẻ bôi bùn đất, đeo mặt nạ hóa trang thành những Bram để đón linh hồn người đã khuất về với Yàng.

Già làng sẽ là người đại diện đổ rượu vào những xâu rượu cho thấm xuống đầu nấm mộ, sau đó đọc những lời khấn chia tay người đã khuất.

Sau khi Già làng cúng xong, tiếng cồng chiêng được ngưng, lúc này người thân của gia đình sẽ vào nhà mồ cùng nhau khóc thương, tiễn biệt hồn ma người đã khuất lần cuối.

Xuyên suốt thời gian diễn ra lễ bỏ mả, người dân trong buôn làng cùng nhau trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc nói cười vui vẻ, lúc lại ảm đạm buồn rầu khóc thương chia tay với linh hồn người đã khuất.

Độc đáo Lễ hội Pơ Thi của đồng bào Jrai - ảnh 3
Các du khách Pháp tham quan nhà mồ vào dịp Lễ Pơ Thi

Cứ như thế, họ chìm vào những điệu nhảy xoang và say trong men nồng của rượu cần. Khoảng thời gian còn lại, họ uống say, hát dân ca và kể chuyện rì rầm suốt đêm cho tới sáng bên nhà mồ. Tiếng chiêng trống cũng càng lúc càng chậm rãi dần rồi kết thúc.

Già làng Rơ Châm Puih, làng Kép 1 cho biết: “Pơ Thi là lễ hội quan trọng có từ xa xưa của một số dân tộc Tây Nguyên, trong đó nổi bật là người Jrai. Trải qua nhiều thế hệ, bà con nơi đây vẫn luôn lưu giữ và thực hiện lễ Pơ Thi bởi lễ này được xem như là linh hồn văn hóa truyền thống của người Jrai.

Ông Berd Nard - du khách đến từ Pháp, chia sẻ: “Tôi theo đoàn đến thăm làng Du lịch Cộng đồng tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, may mắn thay tôi được gặp và trải nghiệm lễ Pơ Thi độc đáo này.

Tôi rất ấn tượng với cách thức mà người dân ở đây thực hiện các nghi lễ cúng bái và chia tay đối với người đã khuất, thật trang trọng và mang đậm nét văn hóa riêng biệt mà trước đây tôi chưa từng thấy bất kỳ ở nơi nào”.

Lễ Pơ Thi chính là dịp để cộng đồng của người Jarai thể hiện sự gắn kết, là nơi mà những nét văn hóa đặc sắc nhất được trình diễn, lưu truyền.

 Tại đây, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được người Jrai thể hiện một cách tự nhiên nhất, rõ nét nhất, độc đáo nhất.

Qua đó bảo tồn nền văn hóa đặc biệt của người đồng bào dân tộc thiểu số trường tồn theo thời gian.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc