Huyện Thuận Châu (Sơn La):
Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc La Ha gắn với phát triển du lịch
VHO - Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vừa tổ chức phục dựng lễ hội "Láng Pang Ả" của dân tộc La Ha tại bản Hán, xã Chiềng Pha nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Người La Ha là một một trong 15 dân tộc có dân số rất ít người của nước ta (dưới 10.000 người). Ở Sơn La người La Ha sinh sống tập trung tại huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Mộc Châu và Thuận Châu. Ở Thuận Châu hiện có trên 560 hộ với hơn 2.500 nhân khẩu người dân tộc La Ha sinh sống, tập trung ở các xã Nong Lay, Chiềng La, Liệp Tè và Chiềng Pha.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào La Ha, cấp uỷ, chính quyền huyện Thuận Châu đã tích cực phối hợp với các sở, ngành quan tâm phục dựng các lễ hội, trang phục, tiếng nói, gắn với phát triển tiềm năng du lịch.
Dân tộc La Ha hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống cùng những phong tục, tập quán tín ngưỡng đặc trưng riêng độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa tộc người. Trong đó có lễ hội "Láng Pang Ả" (còn gọi là lễ tạ ơn) là một lễ hội dân gian có tính nhân văn, đáp ứng đời sống tâm linh của phần lớn bộ phận cư dân trong cộng đồng người La Ha.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Thuận Châu luôn quan tâm bằng các chính sách đặc thù không chỉ hỗ trợ giúp đồng bào dân tộc La Ha phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn động viên, khuyến khích bà con bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp trong văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, giúp đồng bào tin tưởng ở đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, duy trì khối đại đoàn kết dân tộc tại cộng đồng dân cư, nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa.
Với lịch sử hình thành, phát triển lâu đời lễ hội "Láng Pang Ả" đang là một thực thể văn hóa đã lưu truyền qua nhiều thế hệ, được cộng đồng người La Ha thừa nhận và bảo tồn nguyên vẹn, có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng.
Theo truyền thống, lễ hội "Láng Pang Ả" gồm có hai phần lễ và hội đan xen với mục đích cảm ơn trời đất, thần linh, tổ tiên đã che trở cho mọi người được khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt.
Ở phần lễ, bà con chuẩn bị thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, rượu cần, gạo… với phần cúng được thực hiện tại nhà và trên rừng. Thầy mo thực hiện lễ cúng, mời các vị tổ tiên, các vị thần linh về dự lễ, hưởng lộc và phù hộ cho người dân luôn khỏe mạnh, ít ốm đau...
Đến với phần hội, bao gồm các điệu múa gần gũi với cuộc sống hằng ngày, mang đậm bản sắc dân tộc, phản ánh các hoạt động lao động sản xuất, ước nguyện các vị thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, bản làng yên vui, dòng tộc phát triển, hạnh phúc...
Lễ hội "Láng Pang Ả" của đồng bào dân tộc La Ha là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính nhân văn đặc sắc, giúp nâng cao đời sống tinh thần, làm tăng niềm tin và nghị lực sống, biết hướng thiện, tránh cái xấu, biết đối nhân xử thế và nêu cao tình đoàn kết dân tộc vượt qua thử thách, khó khăn của cuộc sống.
Thời gian qua, Sở VHTTDL Sơn La, UBND huyện Thuận Châu và các đơn vị chuyên môn luôn quan tâm xây dựng các chương trình, dự án hỗ trợ khôi phục các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc La Ha nhằm khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một.
Từ đó, tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc La Ha, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Thuận Châu.
Việc lễ hội "Láng Pang Ả" được cấp ủy, chính quyền và cộng đồng người La Ha ở bản Hán, xã Chiềng Pha tổ chức phục dựng nhằm từng bước xây dựng thành sản phẩm văn hóa, du lịch tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với huyện Thuận Châu.
Đây cũng là hoạt động ý nghĩa góp phần khôi phục và bảo tồn nhạc cụ, trang phục, nghề truyền thống tiêu biểu, phục dựng, bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu dân tộc thiểu số ít người thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2030.