Cần đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành ưu tiên trong các chính sách thuế, vay vốn

VHO- Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức ngày 22.12 tại trụ sở Chính phủ, kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, thành phố đã đề xuất những ý kiến nhằm đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành kinh tế trong phát triển đất nước.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng,  công nghiệp văn hoá là lĩnh vực ít phải kêu gọi tinh thần dám nghĩ, dám làm mà chúng ta có dám cho làm không.

Cần đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành ưu tiên trong các chính sách thuế, vay vốn - Anh 1

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm

Cần có những công cụ đo đếm thống nhất bằng cả phương pháp về kinh tế và công nghệ để thực sự đo đếm và quan sát đầy đủ lĩnh vực này. Hiện nay, bên cạnh lực lượng chính thống chúng ta quan sát và quản lý được thì có một lực lượng sáng tạo nội dung trên mạng mang về doanh thu lớn. Chúng ta chỉ nhìn vào số thu thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thông báo năm nay riêng các nền tảng số xuyên biên giới đăng ký nộp thuế đã thu được 8.000 tỉ; có những doanh nghiệp nộp tương ứng 10% doanh thu, có những doanh nghiệp tương ứng 5%. Như vậy chỉ riêng khu vực trên mạng, nội dung số doanh thu quảng cáo khoảng 4 tỷ USD, trong đó 70% là nước ngoài, chúng ta chỉ thu được phần nhỏ.

Trong những quyết sách tới đây, Nhà nước cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa bằng biện pháp tham gia thị trường như là một khách hàng lớn của văn hóa, là khách hàng khó tính nhưng cũng là khách hàng sòng phẳng có đủ nguồn lực để trang trải. Năm nay cũng là năm chúng ta sửa đổi các thể chế để thực hiện Luật Giá sửa đổi và thực hiện các cơ chế khác để giải phóng các đơn vị sự nghiệp công trong đó có các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa. Chúng tôi đề xuất cải cách thể chế này để Nhà nước có thể tham gia thị trường.

Ở góc độ nguồn lực đầu tư, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đề xuất 2 nhóm giải pháp là huy động nguồn lực và đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hoá.

Cần đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành ưu tiên trong các chính sách thuế, vay vốn - Anh 2

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đề xuất 2 nhóm giải pháp trong đầu tư nguồn lực

Theo bà Ngọc, ở Việt Nam hiện nay, chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hoá có 12 ngành, và từng ngành cũng có cách tiếp cận, thu hút nguồn lực khác nhau, phương thức khác nhau và có thể có định hướng phát triển riêng. Có những ngành hiện nay đã huy động được nguồn vốn khu vực tư nhân, xã hội hoá lớn, nhưng một số ngành, lĩnh vực lại cần có sự đầu tư thích đáng của Nhà nước như phát thanh truyền hình.

Đối với huy động nguồn lực, lĩnh vực văn hoá là một trong những ngành được xã hội hoá, và theo như ưu đãi hiện nay được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hoá sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, 50% trong 9 năm tiếp theo, hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt đời dự án.

“Tôi rất chia sẻ ý kiến của đại biểu về những doanh nghiệp văn hoá quy mô nhỏ, làm sao cạnh tranh được khi thuê địa điểm ở những trung tâm thương mại. Nhà nước có những chính sách gì? Đây là quan hệ dân sự giữa người thuê và cho thuê, chúng ta không thể can thiệp vào được, nhưng những doanh nghiệp như vậy cũng được hưởng các chính sách ưu đãi như trên. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để báo cáo và tham mưu cấp có thẩm quyền về vấn đề này”, bà Ngọc cho hay.

Liên quan đến vấn đề vay ưu đãi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, chúng ta có 21 ngành kinh tế quốc dân, ngành công nghiệp văn hóa nằm rải rác đâu đó trong các ngành kinh tế quốc dân này. Chúng ta cũng cần có nghiên cứu phân rõ ra đây xác định là ngành kinh tế mới hoặc nếu nằm trong các ngành đã phân thì cũng nên có phân ngành kinh tế cụ thể. Từ đó, ngành ngân hàng muốn theo dõi hoạt động cho vay, cấp tín dụng hay hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa thì cũng biết được số liệu thống kê để đánh giá được tác động chính sách hiệu quả đến đâu, để có chính sách phù hợp.

Cần đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành ưu tiên trong các chính sách thuế, vay vốn - Anh 3

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho rằng nếu công nghiệp văn hoá là ngành ưu tiên thì có thể tham khảo các gói vay ưu đãi đang triển khai

Hiện tại, đang có 5 ngành ưu tiên theo khuyến khích của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định riêng hướng dẫn về lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, ví dụ bây giờ là lãi suất 4%. Với ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta có thể tham khảo cách thức triển khai như thế; nếu đã xác định đây là một ngành ưu tiên nữa thì có thể đưa vào khung ưu tiên của Chính phủ. Nếu mục tiêu để phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên hơn thì có thể tham khảo những gói đang triển khai, ví dụ như gói 120.000 tỷ đồng, gần đây nhất là gói 15.000 tỷ đồng đối với nông dân, thủy sản cũng được triển khai rất tích cực. Nếu như xác định ngành công nghiệp văn hóa hoặc một cấu phần nào đó thuộc ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên, cần có ngân sách nhất định từ phía hệ thống ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phối hợp để triển khai tương tự như các gói đã triển khai.

Trước những ý kiến kiến nghị về chính sách thuế, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, liên quan đến các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sáng tạo nội dung số cũng như không gian sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết,  hiện nay Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Cần đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành ưu tiên trong các chính sách thuế, vay vốn - Anh 4

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, hiện nay không có chính sách thuế chồng thuê trong hoạt động văn hoá

Về kiến nghị thuế chồng thuế, hiện nay chính sách thuế không có việc thuế chồng thuế đối với hoạt động văn hóa, chỉ có những ưu đãi chưa đạt được mức mong muốn của từng trường hợp cụ thể và có thể có những sự chưa đồng nhất giữa các loại hình văn hóa khác nhau. “Điều này chúng tôi ghi nhận, sẽ có tổng hợp, đánh giá, kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho hoạt động này. Bộ Tài chính cũng nghiên cứu, tổng hợp lại những kiến nghị không có trong hiện hành để  sửa các quy định pháp luật thuế liên quan đến lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang hướng đến tầm khu vực Đông Nam Á và châu Á. TP. HCM xác định công nghiệp văn hoá là ngành mới, rất tiềm năng và sẽ có đóng góp tỉ trọng rất lớn vào sự phát triển của Thành phố. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, tháng 10 vừa qua, Đề án phát triển công nghiệp văn hoá của Thành phố đến năm 2030 đã được phê duyệt, tập trung vào các ngành như nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo thời trang, triển lãm, điện ảnh và du lịch văn hoá.

Cần đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành ưu tiên trong các chính sách thuế, vay vốn - Anh 5

Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho rằng công nghiệp văn hoá là ngành mới, nhiều tiềm năng

Để triển khai phát triển văn hoá, vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển các thiết chế văn hoá, hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm văn hoá, nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hoá, quảng bá, hợp tác quốc tế… là những trọng tâm. Để làm được những điều này, TP HCM kiến nghị Thủ tướng sau Hội nghị có những định hướng cho các ngành chủ lực của công nghiệp văn hoá trong các địa bàn trọng điểm, nên có trọng tâm để có sự phân công, phối hợp và có sự đầu tư.

Cũng xác định công nghiệp văn hoá là phát triển công nghiệp văn hoá là nhiệm vụ lâu dài, quan trọng để phát triển kinh tế, văn hoá thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết,  Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hoá  trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 với các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

Hiện nay Thành phố đã có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hóa, trong đó kết nối mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô kết nối với hơn 400 thành phố trên thế giới, triển khai các nội dung công việc có bản sắc của thành phố Hà Nội nhưng vẫn lưu giữ truyền thống định hình hiện tại và hướng tới tương lai, nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, hơn 3 năm triển khai đã có hơn 500 sự kiện trong nước và quốc tế đã được tổ chức.

Cần đưa công nghiệp văn hoá trở thành ngành ưu tiên trong các chính sách thuế, vay vốn - Anh 6

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại Hội nghị

Đến nay thành phố Hà Nội nỗ lực điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô sửa đổi Luật Thủ đô để đưa ngành công nghiệp văn hóa thành ngành mũi nhọn đóng góp cho phát triển Thủ đô một cách bền vững. Thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế thực thi hiệu quả cấp quốc gia cho chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời hướng dẫn các địa phương trong cả nước triển khai quy hoạch đồng bộ nhằm tạo sự thống nhất mục tiêu phát triển định vị bản sắc văn hóa từng vùng, từng địa phương, hình thành liên kết vùng, chuỗi liên kết các ngành, lĩnh vực thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn như vấn đề hợp tác đầu tư công-tư bảo tồn phát huy những giá trị di sản, định mức đơn giá trong xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hóa, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, bền vững của các cơ chế, cơ quan Nhà nước quản lý di sản văn hóa, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần hoạt động văn hóa và các cá nhân nghiên cứu khoa học ở trên các lĩnh vực.

QUỲNH HOA; ảnh: NHẬT BẮC

Ý kiến bạn đọc