Bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến

NGỌC DIỆP

VHO - Dự án Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM nhằm mang đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách, tạo cơ hội để các tổ chức văn hóa và du lịch quảng bá văn hóa địa phương.

Ký kết hợp tác Dự án Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM

Ngày 9.8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 1 Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP.HCM), Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM đã phối hợp cùng Tạp chí Vietnam Travel; Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Công ty Cổ phần Metar Art tổ chức Lễ ký kết phối hợp thực hiện Dự án Số hóa không gian bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM.

Bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến - ảnh 1
Các đại diện tiến hành ký kết Kế hoạch phối hợp Dự án Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM

Tham dự sự kiện có Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Travel Nguyễn Việt Lộc; PGS.TS Võ Đình Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM; Giám đốc điều hành Công ty Meta Art Phạm Thị Thanh Miền; Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh TP.HCM Lưu Thị Tuyết Trinh...

Số hóa không gian, xây dựng bảo tàng ảo là phương pháp sử dụng nhiều công nghệ khác nhau như máy scan 3D, máy scan hồng ngoại hoặc công nghệ Photogrametry để thu thập dữ liệu từ công trình hoặc hiện vật ngoài thực tế.

Dữ liệu sau khi số hóa của công trình và hiện vật sẽ chuyển thành mô hình 3D trên không gian máy tính.

Bảo tàng ảo là một không gian giả lập giống như thực tế, khách tham quan có thể trải nghiệm thông qua các thiết bị di động, máy tính hoặc kính thực tế ảo chuyên dụng.

Du khách sẽ có những trải nghiệm mới lạ khi có thể đi lại, tương tác với các hiện vật trong không gian 3 chiều, có thể dễ dàng truy cập các thông tin chi tiết của hiện vật, được đắm chìm trong không gian cả âm thanh và hình ảnh trong Bảo tàng ảo.

Bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến - ảnh 2
Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Travel Nguyễn Việt Lộc phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi ký kết, Nhà báo Nguyễn Việt Lộc, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Travel chia sẻ: “Trong thời đại số hóa hiện nay, việc kết hợp giữa công nghệ và văn hóa không chỉ là xu hướng mà còn là một yêu cầu tất yếu”.

“Việc số hóa bảo tàng không chỉ giúp bảo tồn những hiện vật quý giá mà còn tạo cơ hội để đưa những giá trị lịch sử đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là qua các nền tảng số”, ông Lộc nói và tin tưởng rằng, với những kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông và du lịch, cùng với sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của khách tham quan trong thời đại công nghệ, sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển các nội dung số hóa cho bảo tàng.

Ông Lộc mong muốn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, dự án số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ, sâu sắc cho khách tham quan và đông đảo mọi đối tượng quan tâm.

Bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến - ảnh 3
PGS.TS Võ Đình Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM chia sẻ tại buổi lễ

Tăng trải nghiệm cho du khách

PGS.TS Võ Đình Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết : “Du khách có thể tham quan mà không cần phải đến trực tiếp bảo tàng. Nhưng đây không phải là hình ảnh chụp sẵn, quay sẵn rồi sau đó hiện thực lên mà chúng ta phải liên tục cập nhật để thời điểm hiện tại khác so với quá khứ”.

Đây là dự án Bảo tàng ảo đầu tiên ở Việt Nam được tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến trên một nền tảng gồm công nghệ VR (Virtual Reality - công nghệ thực tại ảo); công nghệ AR (Augmented Reality - thực tế tăng cường); công nghệ MR (Mixed Reality – Thực tế hỗn hợp tăng cường) và hướng dẫn viên ảo.

Bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến - ảnh 4
Du khách tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh TP.HCM

Số hoá bảo tàng giúp vượt qua các hạn chế địa lý và vận, cho phép người xem trên khắp thế giới truy cập vào bảo tàng mà không cần đến địa điểm vật lý. Mở rộng đối tượng khán giả và tạo cơ hội cho những người không thể hoặc khó khăn để tham quan bảo tàng truyền thống.

Đây là một công cụ mạnh mẽ để giáo dục và truyền đạt văn hóa, lịch sử và nghệ thuật đến mọi người. Cung cấp môi trường học tập tương tác, nơi người xem có thể tìm hiểu thêm về các tác phẩm nghệ thuật, di sản văn hóa và sự kiện lịch sử.

Việc tạo ra bảo tàng số là một minh chứng cho sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và công nghệ mới, thúc đẩy sự sáng tạo trong việc sử dụng công nghệ ảo, VR (thực tế ảo) và AR (thực tế ảo tăng cường) để tạo ra một trải nghiệm độc đáo và hiện đại.

Đây là cơ hội để quảng bá, hấp dẫn du khách, tăng cường sự quan tâm đối với bảo tàng thực tế. Tạo ra một cơ hội để các tổ chức văn hóa và du lịch quảng bá văn hóa địa phương, thu hút sự chú ý của các tổ chức, du khách khắp nơi trên thế giới.

Ông Nguyễn Long Hưng- Điều hành dự án cho biết, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM sẽ là Bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến trên nền tảng VR/AR/MR/hướng dẫn viên ảo.

“Dự án Số hóa không gian Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM sẽ góp phần lan tỏa hình ảnh giá trị thực tế của bảo tàng đến những người không có điều kiện đến thăm trực tiếp”, ông Hưng bày tỏ.

Bảo tàng ảo đầu tiên tại Việt Nam tích hợp nhiều công nghệ đồ họa tiên tiến - ảnh 5
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM Lưu Thị Tuyết Trinh

Về phía Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM, Giám đốc Lưu Thị Tuyết Trinh cho biết rất vui khi hợp tác với các đơn vị: “Với dự án này, chúng tôi hy vọng Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ thu hút đông đảo lượt người xem trên không gian mạng, mang lại những trải nghiệm mới cho du khách”.

“Lễ ký kết sẽ đánh dấu một bước khởi đầu mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển trong tương lai để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh”, bà Trinh nói.

Dự án đã kêu gọi sự đầu tư, nghiên cứu công nghệ của các giảng viên, sinh viên trường Đại học HUTECH, tạo cơ hội cho các đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế.

Bên cạnh đó, Dự án kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, đưa TP.HCM trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ.

Mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, thu hút các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài tham gia ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo tàng.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc