Xanh thẳm rừng chè trăm tuổi trên dãy Cà Đam

NHƯ ĐỒNG

VHO - Giữa đại ngàn cao 1.200 mét của dãy Cà Đam hùng vĩ, có rừng chè cổ thụ rộng đến 110 ha mà đồng bào Cor giữ như “kho báu”. Bởi rừng chè trăm tuổi ấy thơm ngon, hảo hạng khó có loại chè nào sánh bằng. Đây là điều kiện để đầu tư phát triển gắn với du lịch trải nghiệm.

Xanh thẳm rừng chè trăm tuổi trên dãy Cà Đam  - ảnh 1
Cây chè mang lại sinh kế ổn định cho người dân

Tạo sinh kế phát triển bền vững

Chè Trà Nham, ở xã Hương Trà, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) là một trong những vùng chè nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Sau những cơn mưa rừng đồi chè xanh mướt như ngọc. Nhiều cây chè cổ thụ trăm tuổi mọc trên núi cao, hội tụ tinh hoa của đất trời đang vào mùa cho quả. Tận tay sờ vào những gốc chè một người ôm không xuể mới dám tin vào mắt mình.

Anh Hồ Văn Vàng, xã Hương Trà cho biết, những cây chè cổ thụ được người dân xem là báu vật vì đã mang lại sinh kế cho họ từ bao đời nay. Cây ít nhất vài chục tuổi, nhiều tuổi cũng thuộc hàng trăm năm. Chè ở đây được mệnh danh là chè San Tuyết. Loại thơm ngon vào loại bậc nhất, thường mọc trên núi cao và thường thấy ở những nơi có độ cao hơn 1.200m trở lên, nằm ở các tỉnh phía Bắc, quanh năm mây mù bao phủ. Chè được thu hoạch theo kiểu bẻ cành. Chè bẻ ở cây càng cao thì càng có giá trị và bán được giá hơn. Với người Cor ở vùng đất Hương Trà, những đồi chè cổ thụ này chính là niềm tự hào và luôn được gìn giữ theo thời gian.

“Từ xa xưa, cây chè đã tồn tại ở đây, mục đích là để nấu nước uống hằng ngày, trong sinh hoạt gia đình. Ngoài ra, bà con trao đổi cho các thương lái để lấy cá, mắm và các mặt hàng khác trong đời sống hằng ngày. Chè ở đây là loại chè cọng, không phải chè búp, thơm ngon tuyệt vời”, anh Vàng nói.

Xanh thẳm rừng chè trăm tuổi trên dãy Cà Đam  - ảnh 2
Những cây chè cổ thụ được người dân xem là báu vật

Xã Hương Trà là xã vùng cao duy nhất ở Trà Bồng phát triển được cây chè, tập trung nhiều ở thôn Trà Huynh và Trà Vân. Ban đầu, vùng này chỉ đủ khai thác để uống và sử dụng cho các gia đình ở các thôn và vùng lân cận. Dần dà, khi người tiêu dùng ngày càng hướng về các sản phẩm thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe, chè bẻ cành Trà Nham ngày càng được tiêu thụ mạnh hơn. Đặc biệt là khi sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo những chuyến xe, bình quân mỗi ngày có vài tạ chè xanh được vận chuyển về miền xuôi để tiêu thụ. Trên những đồi chè, nhờ vào sự siêng năng, chăm chỉ, công việc bẻ chè giúp các hộ dân đổi được cá, rau với người miền xuôi để cải thiện đời sống kinh tế hằng ngày, dành dụm nuôi con ăn học.

“Cây chè không chỉ được sử dụng làm thức uống mà còn có thu nhập cho gia đình. Một ngày 6 bó cũng kiếm được 240 nghìn đồng. Cuộc sống cũng đủ ăn, cũng lo được cho con, bánh kẹo, sữa”, chị Hồ Thị Lan, xã Hương Trà cho hay.

Nhìn rừng chè mơn mởn, tôi hái mấy lá chè cho vào miệng nhai, cảm nhận hương thơm, vị ngọt đặc biệt. Và không quên hỏi mua một bó chè to mang về xuôi thưởng thức. Rừng chè ở dãy Cà Đam mọc tự nhiên từ trăm năm qua. Rừng chè sinh sôi nảy nở từ trái của cây cổ thụ rụng xuống nảy mầm thành nhiều cây con dưới gốc. Người dân bứng cây con trồng nhân ra khắp rừng. Đến nay, rừng chè này rộng đến 110 ha. Cây chè trồng đến 3 năm là có thể thu hoạch và là cây có tuổi đời thu hoạch lên đến 100 năm.

Xanh thẳm rừng chè trăm tuổi trên dãy Cà Đam  - ảnh 3
Đồng bào Cor thu hoạch chè theo kiểu bẻ cành

Đánh thức tiềm năng cây chè

Đã từng có những nghiên cứu khoa học về cây chè trên dãy Cà Đam, ở thôn Trà Vân. Kết quả nghiên cứu cho thấy do điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, chè trồng ở thôn Trà Vân khác biệt so với chè trồng ở nơi khác. Ngay cả ở các xã vùng cao khác và xã gần đó, chè cũng không ngon bằng. Hương vị thanh, nhẹ, màu sắc sóng nhánh như mật ong.

Dẫu vậy, cây chè Trà Nham đến nay vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, chỉ mới dừng lại trong việc trao đổi, buôn bán sản phẩm tươi, chưa hình thành được những sản phẩm sau chế biến do chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị trong trồng, sản xuất và tiêu thụ cây chè.

“Chè mình trồng ¾ năm đã được bẻ rồi. Cây chè không có giá nên mong muốn nhà nước quan tâm, đầu tư để phát triển cây chè, giúp người dân giảm nghèo bền vững”, ông Hồ Văn Minh, xã Hương Trà nói.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hương Trà Hồ Thị Hưng, địa phương kêu gọi người dân mở rộng diện tích, ổn định vùng chè. Cùng với đó, tiến hành quy hoạch vùng chè, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đầu tư theo hướng liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cây chè. Cây chè Trà Nham đã có thương hiệu rồi cần phải làm sao để đưa sản phẩm đến những thị trường rộng hơn.

Xanh thẳm rừng chè trăm tuổi trên dãy Cà Đam  - ảnh 4
Nước chè có hương vị thanh, nhẹ, màu sắc sóng nhánh như mật ong

Lợi thế của vùng chè ở đây là được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát lạnh quanh năm, thổ nhưỡng phù hợp. Trồng chè không tốn nhiều thời gian chăm sóc, hạn chế được thuốc trừ sâu, phân bón nên chi phí đầu tư thấp. Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, càng tạo điều kiện trong giao thương hàng hóa. Chính vì thế, cùng với cây quế, thì cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở địa phương. Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trà Nham đang có định hướng phát triển nhà máy chế biến và sản xuất các sản phẩm chè sau chế biến tại xã Hương Trà. Để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, HTX khi đầu tư vào vùng chè, địa phương đã có định hướng quy hoạch, mở rộng vùng chè từ khoảng 100ha lên 150ha, góp phần ổn định nguồn nguyên liệu.

Ông Lê Đình Ái, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trà Nham, huyện Trà Bồng cho hay: “Giải pháp trước mắt là đưa vào sản xuất các sản phẩm sau chế biến để đưa ra thị trường, hướng dẫn người dân chăm sóc cây chè, nâng cao năng suất, sản xuất những sản phẩm cao cấp hơn”.  

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Bồng cho biết, cây chè hiện nay đánh giá qua sản lượng, một năm thu hoạch chừng 300 tấn, giá bán còn rẻ. Huyện cũng thu hút các doanh nghiệp để về đầu tư, hình thành các sản phẩm sau chế biến. Hiện nay, đã có doanh nghiệp tư nhân thấy được tiềm năng lợi thế, chiết suất từ lá chè và cũng đưa ra những định hướng phát triển các sản phẩm.

Dù tên gọi Trà Nham đã trở thành một phần trong ký ức thế nhưng chè bẻ cành Trà Nham đã làm thương hiệu gắn liền trong đời sống của người Cor. Ở nơi non cao, người dân vẫn luôn kỳ vọng, mai này cây chè được đánh thức hết tiềm năng, lợi thế, mở hướng thoát nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi. Bảo tồn và phát triển cây chè cổ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, lan tỏa giá trị của hương chè từ vùng đất này đến với nhiều nơi.

Ý kiến bạn đọc