Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế

THÙY TRANG

VHO - Ngày 24.7, tại TP.HCM, Viện Khoa học xã hội (KHXH) Vùng Nam Bộ và Ban Chủ nhiệm đề tài phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế - ảnh 1

Đại biểu chia sẻ nhiều kết quả nghiên cứu trong vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp quốc gia: “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ đổi mới” do TS Đặng Xuân Thanh làm Chủ nhiệm.

Tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là kim chỉ nam soi sáng con đường đi tới

Theo BTC, Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề nổi bật trong việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó có những đề xuất quan điểm, định hướng, giải pháp nhằm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo hơn, phù hợp hơn, đạt hiệu quả cao hơn tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cho giai đoạn phát triển mới.

Theo PGS.TS. Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện KHXH Vùng Nam Bộ bày tỏ, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986 đến nay đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước ta từ một nước nghèo trở thành nước đang phát triển. Vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Có được những thành tựu to lớn, đáng tự hào đó là do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là do Đảng ta đã kiên định vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam.

“Trong bối cảnh mới, với nhiều thay đổi biến chuyển của tình hình quốc tế và sự phát triển nội lực của Việt Nam ở trên tầm cao mới, đòi hỏi cần có sự vận dụng tốt hơn, mạnh mẽ hơn các giá trị của chủ nghĩa Mác Lên nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng, phát triển đất nước, từ đó tổng kết thực tiễn, để đúc kết và đưa ra các bài học kinh nghiệm, giải pháp phù hợp cho sự phát triển kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường trong hội nhập quốc tế ngày nay của Việt Nam”, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng bày tỏ.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế - ảnh 2

TS Đặng Xuân Thanh

Theo TS Đặng Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách kinh tế-xã hội Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - Chủ nhiệm đề tài, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay được đánh giá là đang trải qua những biến động lớn, chưa từng như sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, Cuộc CMCN lần thứ tư, xung đột địa chính trị giữa các nước, cường quốc lớn trên thế giới... đòi hỏi phải có những kiến giải mới về quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tư tưởng đối ngoại của Hồ Chí Minh có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phát triển của đất nước trong gần một thế kỷ qua, đặc biệt trong việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế… Do đó, Hội thảo với chủ đề: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế” được tổ chức là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa đối với đất nước trong giai đoạn phát triển hiện nay.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế - ảnh 3

TS Nguyễn Hữu Nguyên

TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM chia sẻ, đất nước ta đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu, rộng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng, cạnh tranh diễn ra trên quy mô toàn cầu ngày càng gay gắt thì tư tưởng của Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng kinh tế nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam soi sáng con đường đi tới thắng lợi ngày càng to lớn hơn của cách mạng nước ta.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế - ảnh 4
 Tác phẩm “Chúng tôi yêu TP.HCM” đoạt Huy chương vàng Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực TP.HCM năm 2024 

Phát huy vai trò của văn hoá phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội

PGS.TS Nguyễn Minh Trí, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng sự phát triển của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, đã khẳng định một xã hội muốn phát triển bền vững, thì xã hội đó phải chú ý đến sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Để đạt được mục tiêu trên thì việc nhận diện, phát huy các yếu tố nội lực và ngoại lực, cũng như khắc phục các trở lực đang tồn tại sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, cùng với việc phát huy sức mạnh vật chất thì nhận diện động lực văn hóa có sức mạnh nội sinh góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ TP.HCM đặt ra. Bởi lẽ, văn hóa chính là sản phẩm hoạt động của con người, là kết tinh của sự lao động sáng tạo từ thế hệ này qua thế hệ khác để vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế - ảnh 5

Theo chuyên gia, một xã hội muốn phát triển bền vững, thì phải chú ý đến sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Tác phẩm "Sắc màu" của Trần Lê Huy

Do vậy, văn hóa luôn giữ vai trò quan trọng và có ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội và sự phát triển củ các quốc gia dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn tột bậc là “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Thấm nhuần và tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói chung cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế nói riêng, Đảng ta luôn khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, TP.HCM luôn quan tâm, đầu tư công tác giáo dục, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, hệ giá trị văn hóa gia đình và các chuẩn mực con người Việt Nam.

Cùng với đó, tiếp thu có chọn lọc văn hóa các nước trên thế giới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Chính những yếu tố ấy đã tạo nên văn hóa, con người TP.HCM đoàn kết, dũng cảm, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, dám đi đầu, chấp nhận thử thách.

Theo các chuyên gia, thực tiễn cũng cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và hợp tác quốc tế luôn chính xác về mặt khoa học khi áp dụng vào việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế thời kỳ đổi mới ở nước ta. Các quan điểm như “thêm bạn, bớt thù”, “dĩ bất biến ứng vạn biến” hay “ngoại giao tâm công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vận dụng sáng tạo, linh hoạt và đem lại nhiều thành quả trong quá trình gần 40 năm Đổi mới của kinh tế Việt Nam.